Làng xôi Phú Thượng “đỏ lửa” dịp Tết Đoan ngọ
Năm nào cũng vậy, cứ đến mồng 5-5 (Âm lịch) là người dân làng xôi Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) lại tất bật chuẩn bị cơm rượu nếp, một trong những món ăn mang đậm hương vị của hạt gạo nếp, là món ăn linh hồn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết Đoan Ngọ.
Trong quan niệm truyền thống của người Việt, Tết Đoan Ngọ (5-5 Âm lịch) mang ý nghĩa tiêu diệt sâu bọ phá hoại mùa màng, với mong muốn diệt trừ sâu bọ, xua đuổi bệnh tật, đón nhận may mắn, cầu mong sức khỏe an lành và cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Đã có hơn 30 năm kinh nghiệm làm cơm rượu nếp của làng xôi Phú Thượng, bà Nguyễn Thị Thương Huyền (58 tuổi) cho hay: “Tùy vào phong tục của từng vùng miền Bắc - Trung - Nam mà mâm cúng có sự khác nhau. Ở miền Bắc, mâm cúng nhất định phải có bát cơm rượu nếp hoặc cơm rượu nếp cẩm mang hơi thở của cánh đồng mùa hạ. Quả vải, quả mận như "con tu hú gọi hè về" cùng bông sen tỏa ngát… khiến cho mâm lễ trở nên trang trọng, tinh tế”.
Năm nay, người dân làng xôi Phú Thượng nấu muộn hơn so với mọi năm vì thời tiết quá nóng, vừa là thuận lợi để lên men nhưng cơm sẽ không để được lâu.
Công đoạn vo gạo được làm một cách tỉ mỉ qua nhiều lần để gạo sạch, loại bỏ những hạt sạn còn sót lại.
Bà Huyền lý giải: “Khi gạo nếp được nấu chín, mang đi ủ với men và đường nên đã có tính ấm. Cộng với thời tiết nắng nóng sẽ đòi hỏi người ủ phải có kỹ thuật và cách ủ sao cho phù hợp. Nếu ủ không đúng cách sẽ hỏng luôn cả một mẻ cơm, phần hỏng chỉ có thể mang đi ủ lâu hơn để nấu rượu. Thông thường, từ lúc ủ đến khi được cơm chỉ mất 1-1,5 ngày. Nếu quá, rượu sẽ cay và không ngon”.
Bà Nguyễn Thị Thương Huyền đổ xôi sau khi đã đồ để nguội trước khi vào công đoạn lên men.
Gạo nếp phải là nếp cái hoa vàng, hạt gạo tròn, dẻo dai thì khi làm thành cơm rượu nếp mới ngon. Gạo nếp cái sẽ được vo thật sạch qua 4-5 lần nước rồi mới mang đi đồ. Lần 1 đồ sẽ mất khoảng 4-5 phút, lần 2 là 40 phút đồ lại, khi đó gạo đã chín, có vị thơm là đạt yêu cầu.
Ngày trước, khi chưa có nồi bằng điện thì đều được nấu trên bếp lửa bằng củi, than. Khi hơi gạo bốc ra đều thì người nấu lại phải căn chỉnh cho lửa nhỏ đi giúp cơm chín đều.
Sau khi cơm nếp chín thì được dàn đều ra nơi thoáng mát cho mau nguội.
Khi gạo đã nấu thành cơm nếp sẽ được đem đi phơi nguội rồi chuẩn bị vào men, từ đó xôi sẽ thành cơm rượu nếp. Cơm rượu ngon hay dở được quyết định bởi men. Men ngon thì rượu nếp mới ngon, khi cơm và men được trộn đều với nhau, cơm rượu sẽ bóng như con ong vàng.
Khi thấy cơm nếp nguội bớt, còn hơi ấm ấm thì bắt đầu trộn đều với men đã được nghiền mịn.
Xôi vào men xong được ủ trong lá sen, mỗi gói chừng 1-1,5kg và có thể sử dụng vào ngày hôm sau, trở thành thức quà đặc trưng của ngày Tết diệt sâu bọ cho mỗi gia đình.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, năm nay, gia đình bà Đặng Thị Bảy phải thuê đến 5 nhân công làm cả ngày lẫn đêm để vo gạo, thổi xôi. Tuy nhiên, việc thuê nhân công chỉ ở các công đoạn đơn giản, còn công đoạn ủ men vẫn phải là người có kinh nghiệm đảm nhiệm.
“Làm cơm rượu nếp thì đơn giản, ai cũng có thể làm được tại nhà. Nhưng để làm được cơm rượu ngon thì không phải ai cũng biết, cơm rượu không sượng thì cũng nát cay. Vì thế, dù đã thuê người làm nhưng phần vào men, những người trong nhà vẫn đảm nhiệm”, bà Bảy nói.
Bà Bảy cho biết thêm: “Mức giá cơm rượu nếp của làng xôi Phú Thượng bao giờ cũng sẽ cao hơn hẳn so với nơi khác bởi rượu làm đều là hàng chuẩn, không có sự pha trộn nhiều đường như các hàng đại trà”.
Cơm rượu nếp và cơm rượu nếp cẩm có giá từ 50.000 đến 100.000 đồng/kg.
Ngay từ sáng sớm mồng 5-5, trên khắp các con phố của Hà Nội đều có mặt của thúng cơm rượu nếp căng phồng. Giá bán từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg, loại nếp cẩm thì đắt hơn khoảng 80.000-100.000 đồng/kg.
Bài, ảnh: KIM GIANG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.