Lầu Năm Góc siết chặt việc tiếp cận tài liệu tuyệt mật
Sau vụ rò rỉ tài liệu mật gây chấn động vào tuần trước, Lầu Năm Góc đã siết chặt việc tiếp cận các tài liệu quân sự tuyệt mật bằng việc giới hạn những người trong chính phủ được nhận các bản tóm tắt tình báo tuyệt mật hằng ngày...
Theo CNN, một số quan chức Mỹ đã không còn nhận được các tài liệu mật tóm tắt hằng ngày trong những ngày gần đây. Ngay sau khi phát hiện rò rỉ tài liệu mật, Bộ Tham mưu liên quân đã tiến hành kiểm tra ngay danh sách phân phối tài liệu mật của mình vì trong số các tài liệu bị rò rỉ, nhiều tài liệu có dấu hiệu xuất phát từ đơn vị tình báo J2 của Bộ Tham mưu liên quân. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Đài News Nation, Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Pat Ryder cho biết, Lầu Năm Góc đang xem xét các biện pháp có thể thực hiện để ngăn chặn các vụ rò rỉ trái phép tiềm ẩn khác.
Vụ rò rỉ tài liệu mật hồi tuần trước đã phơi bày những lỗ hổng còn tồn tại trong việc quản lý bí mật của chính phủ-ngay cả khi các cơ quan đại tu hệ thống máy tính của họ sau vụ rò rỉ của Edward Snowden năm 2013.
Lầu Năm Góc, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, tại Washington, DC. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, theo CNN, các nguồn tin cho biết không chắc những biện pháp bảo vệ hiện nay đã ngăn chặn được hết những vụ rò rỉ. Các tài liệu lưu hành trực tuyến dường như đã được in phần lớn từ các tài liệu tóm tắt mà những nhân viên dành hàng giờ để tập hợp lại cho các quan chức cấp cao trong Bộ Tham mưu của Lầu Năm Góc. Các nhà điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang phải đối mặt với việc sàng lọc nhân sự quá lớn để tìm ra những lỗ hổng gây rò rỉ tài liệu mật, do hàng nghìn người có quyền truy cập vào các tài liệu của Bộ Quốc phòng. Một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng “quá nhiều người có quyền truy cập vào thông tin rất nhạy cảm”.
Hiện nay, các nhà điều tra đang làm việc với những quan chức Lầu Năm Góc để đánh giá thiệt hại của vụ rò rỉ tài liệu mật. Điều này sẽ trở thành một phần bằng chứng được sử dụng khi truy tố các đối tượng liên quan. Theo AP, ngày 13-4, trong một bình luận đầu tiên về vụ rò rỉ tài liệu mật, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói vụ lộ tài liệu Lầu Năm Góc khiến ông lo ngại, song nhận định thông tin rò rỉ không gây hậu quả nghiêm trọng. Ông thừa nhận bản thân ông cũng “chưa có câu trả lời” vì sao quy trình bảo mật thông tin có lỗ hổng nghiêm trọng.
Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra hình sự chính thức vào tuần trước. Ngày 13-4, để phục vụ cuộc điều tra, FBI đã bắt giữ Jack Douglas Teixeira, 21 tuổi, thành viên lực lượng Vệ binh không quân ở nhà riêng tại North Dighton, bang Massachusetts, với cáo buộc liên quan tới vụ rò rỉ tài liệu mật qua mạng internet vài tháng qua. Vụ điều tra hướng đến các cáo buộc “đánh cắp, tàng trữ và lan truyền trái phép thông tin quốc phòng”. Giới chuyên gia pháp luật nhận định Teixeira có thể đối mặt với án tù lên tới 10 năm, ngay cả khi không cố ý gây thiệt hại.
Đây được cho là vụ xâm phạm an ninh nghiêm trọng nhất của Mỹ kể từ khi hơn 700.000 tài liệu, video và điện tín ngoại giao xuất hiện trên trang web WikiLeaks vào năm 2010. Ngày 13-4, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định vụ rò rỉ là một “hành động tội phạm có chủ ý”.
Trong một động thái đáng chú ý, theo Tân Hoa xã, Trung Quốc kêu gọi Mỹ đưa ra lời giải thích về vụ rò rỉ tài liệu mật, trong đó có thông tin Washington “nghe lén” nhiều nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói với các phóng viên ngày 13-4 rằng, “nhiều phương tiện truyền thông đã chỉ ra rằng những tài liệu quân sự bị rò rỉ cho thấy sự can thiệp sâu sắc của Mỹ vào cuộc khủng hoảng Ukraine”. Ông Uông Văn Bân nói thêm vụ rò rỉ tài liệu mật cũng chứng tỏ Mỹ từ lâu đã “lợi dụng ưu thế công nghệ để đánh cắp bí mật, giám sát và nghe lén bừa bãi” với nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả quốc gia đồng minh. “Mỹ cần đưa ra lời giải thích với cộng đồng quốc tế về điều này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố. Mỹ chưa phản hồi đối với phát ngôn từ Trung Quốc.
XUÂN PHONG
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.