Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn (Tuyên Quang) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ nhảy lửa thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn.
Tỉnh Tuyên Quang vừa tổ chức đón nhận Bằng ghi danh Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị các di sản.
Người Pà Thẻn ở Tuyên Quang cư trú chủ yếu tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) và xã Linh Phú (Chiêm Hóa), với khoảng 700 nhân khẩu. Khi nhắc đến người Pà Thẻn là người ta nhắc đến lễ nhảy lửa và ngược lại. Lễ nhảy lửa của đồng bào thường diễn ra vào lúc nông nhàn, khi mọi công việc đồng áng đã xong, vào khoảng ngày 16/10 âm lịch năm trước đến 16/1 âm lịch năm sau. Nghi lễ được tổ chức ở một khoảng sân rộng ở thôn và chia làm hai phần, cúng trước khi mặt trời lặn diễn ra khoảng 3 - 4 tiếng và nhảy lửa sau khi trời tối diễn ra trong khoảng 1 tiếng.
Phần đầu là phần thầy cúng gọi mời thần linh tới tham gia lễ và nhập vào các học trò. Phần hai là nghi lễ nhảy lửa, một đống lửa to đã được đốt sẵn cháy thành than đỏ rực. Những người tham gia nhảy lửa sẽ thay nhau nhảy vào đống than hồng, dùng cả tay và chân trần để phá cho tới khi tàn lửa. Điều huyền bí nhất của lễ nhảy lửa là các chàng trai Pà Thẻn đã dũng mãnh nhảy những bước chân trần trên than hồng mà không hề bị bỏng.
Nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn - huyện Lâm Bình (Ảnh: Báo Tuyên Quang)
Lễ nhảy lửa mang bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn, có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống tâm linh, đến việc hun đúc nên tâm hồn, tính cách người Pà Thẻn, thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn. Nghệ nhân Phù Văn Thành, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình), người tâm huyết trong thực hành, giữ gìn và trao truyền nét văn hóa đặc sắc Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn chia sẻ: Lễ nhảy lửa để tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân làng khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật, qua đó góp phần giáo dục truyền thống, tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt cho các thế hệ người Pà Thẻn.
Huyện Lâm Bình là địa phương sớm nhất trong tỉnh tổ chức đón nhận bằng ghi danh vào ngày 26/9. Chị Lý Thị Toàn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang cho biết, đã nhiều ngày nay chị đứng ra tổ chức cho đội văn nghệ tập luyện để phục vụ Lễ đón nhận quyết định Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang vào danh mục di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Chị bảo, là người con Pà Thẻn, khi lễ nhảy lửa của ông cha mình được ghi nhận và vinh danh, việc gì nhỏ bé nhất trong khả năng làm được, chị sẽ dốc sức để làm tốt nhất ở mức có thể.
Cùng chung niềm phấn khởi đó, anh Làn Văn Lâm, thôn Thượng Minh cho biết, anh cũng đang tích cực tập luyện văn nghệ các làn điệu hát giao duyên, hát đối đáp, đặc biệt là những tiết mục "Hội cầu lửa", "Những cô gái Pà Thẻn" cho ngày hội chung của xã. Anh Lâm bảo những ngày này, bà con trong thôn tự giác dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, người Pà Thẻn đang háo hức đón chờ và sẵn sàng phục vụ Lễ đón nhận quyết định với tâm thế hào hứng, phấn chấn nhất.
Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết: Thời gian tới, để làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy bền vững giá trị di sản, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng cũng như sự chung tay của cả cộng đồng. Các di sản cần được quản lý và tổ chức tốt, đặc biệt cần tuyên truyền để người dân nhận thức rõ việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản sẽ đem lại lợi ích trong phát triển kinh tế; phát huy giá trị di sản cần gắn với nâng cao đời sống của người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong khuôn khổ Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của huyện Lâm Bình (ngày 26/9) còn diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao; các gian hàng trưng bày thổ cẩm; các sản phẩm đặc trưng dân tộc Pà Thẻn; tổ chức giã cốm để du khách trải nghiệm; trình diễn dệt thêu thổ cẩm Pà Thẻn; gói bánh sừng trâu; thi đấu các môn thể thao truyền thống dân tộc Pà Thẻn và các hoạt động vui chơi trải nghiệm của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hồng Quang (Lâm Bình).
THEO TẠP CHÍ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.