Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022: Bước đà để hướng tới di sản văn hóa thế giới
Với 27 vở diễn, gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của 16 đơn vị nghệ thuật hội tụ tại mảnh đất Hà Nam trong hơn hai tuần (từ ngày 12 đến 28-10) để thi tài trong Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022 đã cho thấy, dù cơ chế thị trường có khắc nghiệt đến mấy thì những sáng tạo trên sân khấu chèo vẫn là những công trình mỹ học, đạo đức học đầy nghiêm túc, công phu và hấp dẫn.
Ở đó, nội dung của các vở diễn là những bài ca tình đời, tình người sâu sắc, làm người xem rung động.
"Giữ lửa" đam mê với chèo
Khai thác đề tài lịch sử, vở chèo “Linh Từ Quốc mẫu” của Nhà hát Chèo Hà Nội đề cập tới những nhân vật có vai trò quan trọng đối với lịch sử nhà Trần và đất nước. Đó là Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Lý Huệ Tông, Lý Chiêu Hoàng... Vở diễn được Hội đồng nghệ thuật liên hoan đánh giá cao khi trao Huy chương Vàng (HCV); giải Đạo diễn xuất sắc nhất thuộc về NSƯT Hoài Thu; cùng đó là HCV cho hai diễn viên chính là Lê Đạt vai vua Lý Huệ Tông và Hồng Thắm vai Trần Thị Dung. Nữ đạo diễn trẻ Hoài Thu chia sẻ, đề tài lịch sử về nhà Trần đã được văn học nghệ thuật khai thác ở rất nhiều góc cạnh, nhưng với nhân vật đặc biệt Trần Thị Dung, người được tôn là “Linh Từ Quốc mẫu” thì chưa có vở nào dành riêng cho bà. Khi bắt tay dàn dựng, đạo diễn Hoài Thu gặp khá nhiều khó khăn vì rất ít tài liệu, sử liệu viết rõ về bà, trong khi vai trò của Trần Thị Dung rất quan trọng trong giai đoạn lịch sử hai triều đại Lý-Trần.
Bám nắm kịch bản của tác giả Bùi Vũ Minh, cùng với sự truyền lửa nghề qua những buổi hướng dẫn của các đạo diễn tên tuổi, như: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng, đạo diễn Hoài Thu đã dàn dựng công phu, chi tiết và khai thác thế mạnh của từng diễn viên trong từng vai diễn. Nghệ sĩ Hồng Thắm chân chất, đôn hậu, mặn nồng tha thiết trong vai Linh Từ Quốc mẫu; nghệ sĩ Quang Dương với đài từ chắc, khỏe, giọng hát ngân vang khi hóa thân vào vai Trần Thủ Độ...
Cảnh trong vở “Mật chỉ giữa hoàng cung” của Nhà hát Chèo Quân đội đoạt Huy chương Vàng tại liên hoan. |
Cũng là đề tài lịch sử, vở “Mật chỉ giữa hoàng cung” của Nhà hát Chèo Quân đội do NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn cùng sự tham gia của gần 100 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đã tái hiện chân dung Vua Lê Thánh Tông, trong 37 năm trị quốc ông đã thường xuyên tổ chức các kỳ thi tuyển nhân tài, chú trọng sử dụng người tài. Vở diễn khắc họa một vị vua tài năng, đức độ, hiểu dân, thương dân, vì xã tắc...
Một trong những vở diễn hiếm hoi về đề tài hiện đại trong liên hoan lần này là “Đất liền và biển cả” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Vở diễn dẫn dắt người xem vào hai bối cảnh: Đất liền là ngôi nhà của Quân (Nhật Hóa vào vai), nơi có mẹ già, vợ trẻ đang mang bầu; biển cả là những buồn vui của người lính ở Trường Sa. Sự đan xen giữa hai không gian khiến nội dung vở diễn trở nên cuốn hút, hấp dẫn và đầy xúc cảm. Đó là hình ảnh người mẹ luôn muốn con mình trưởng thành, cống hiến vì biển, đảo quê hương; là người vợ phân vân muốn lên đơn vị xin cho chồng không phải ra biển vì mẹ già mắc bệnh hiểm nghèo...
Trong 2 giờ đồng hồ, các nghệ sĩ Thu Hài, Thương Hiền, Khánh Vinh, Nhật Hóa... đã thể hiện xuất sắc vai diễn. Tài năng trẻ Nhật Hóa đã làm say lòng khán giả với vẻ ngoài điển trai, giọng chèo đẹp, lối diễn tinh tế, giàu cảm xúc; còn nghệ sĩ Thu Hài dù đã 55 tuổi (có lẽ là nghệ sĩ nhiều tuổi nhất ở liên hoan) vẫn chinh phục khán giả ở vẻ đằm thắm, đôn hậu khi hóa thân vào vai người mẹ hy sinh tất cả vì con, là hậu phương vững chắc để con chắc tay súng bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Với lối diễn sáng tạo, ấn tượng cũng như cuốn hút khán giả, vở “Đất liền và biển cả” giành giải Vở diễn xuất sắc nhất liên hoan; Ban tổ chức còn trao giải Tác giả xuất sắc cho nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, giải Âm nhạc xuất sắc cho nhạc sĩ Vũ Thiềng, HCV cho Nhật Hóa vai nam chính...
“Thời gian qua, nghệ thuật sân khấu chèo gặp khá nhiều khó khăn về mọi mặt, từ kịch bản, đội ngũ sáng tạo đến yếu tố khán giả. Nhưng rõ ràng, ở liên hoan, sự tham gia của đông đảo các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công cùng sự tiếp nối các thế hệ, xuất hiện nhiều gương mặt tài năng trẻ mang đến nhiều vở diễn đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng; đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ...”, Đại tá, NSND Nguyễn Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cho hay.
Để làn điệu chèo vang mãi
“Qua những hình tượng trên sân khấu, khán giả cảm nhận được các diễn viên có tình yêu nghề thật nồng thắm. Họ đã gạt những vấn đề mưu sinh hằng ngày để đến với liên hoan bằng tất cả sự đam mê của mình. 27 vở diễn của 16 đơn vị với sự cống hiến hết mình của hàng trăm diễn viên dự thi dù có những thành công khác nhau, nhưng tất cả đều được thể hiện nghiêm túc, chân thành, sáng rõ về chủ đề tư tưởng, hấp dẫn về hình thức, đậm tính nhân văn, thời sự, hữu ích cho xã hội”, PSG, TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật liên hoan nhận xét.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cũng chỉ ra những hạn chế. Trước hết, về tác giả, tuy đã xuất hiện một số gương mặt mới nhưng đội ngũ biên kịch chèo chưa đông, chưa mạnh (ở liên hoan này chỉ có 7 tác giả chính chèo). Do đó vẫn chưa tìm thấy nhiều tác phẩm có “tích hay, trò lạ”, có hình thức mới mẻ, đột phá, mà phần lớn vẫn là tích cũ, trò cũ, diễn cũ, trang trí, phục trang cũ. Với đạo diễn, tuy là có nghề, có kinh nghiệm nhưng không ít trong số họ lặp lại chính mình, làm cũ chính mình trong ca, trong múa. Với nghệ sĩ biểu diễn, không ít diễn viên hát phô, hát chênh nhịp, hát sến, quên lời, nói ngọng, rơi đạo cụ trên sân khấu không biết xử lý...
Vấn đề đau đáu của chèo, từ liên hoan, theo PGS, TS Trần Trí Trắc: “Hiện thực cơ chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế vẫn chưa vào chèo và chèo vẫn chưa thể hiện được xung đột trung tâm, nhân vật trung tâm, hành động trung tâm của thời đại “chuyển dịch giá trị” vào sáng tạo của nghệ sĩ. Nghệ sĩ phải chăng đang đứng ngoài cuộc và đang thờ ơ với cuộc sống đương thời? Chúng ta cần mở những hội thảo khoa học để thẩm định và nhận thức cụ thể về vấn đề này”.
Cảnh trong vở “Đất liền và biển cả” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa đoạt giải Vở diễn xuất sắc nhất liên hoan. |
Điều đáng ghi nhận là trong bối cảnh hiện nay, tuy một bộ phận không nhỏ công chúng thờ ơ với nghệ thuật sân khấu truyền thống, trong đó có sân khấu chèo, thì khán phòng Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam suốt 16 ngày diễn ra liên hoan luôn đông kín khán giả. Rõ ràng, liên hoan hay những cuộc thi luôn là cầu nối hiệu quả, gắn kết giữa những người làm nghệ thuật với khán giả yêu thích sân khấu chèo. Có lẽ vượt qua những khó khăn thường nhật, các nghệ sĩ, diễn viên đã say sưa, thăng hoa với vai diễn, cống hiến hết mình cho khán giả.
NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Ngày 20-10-2021, Chính phủ đã đồng ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật chèo là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Với những cố gắng, nỗ lực, chúng tôi mong muốn và hy vọng công chúng yêu chèo nhiều hơn thông qua những liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp như thế này. Đây là dịp cơ quan quản lý nhà nước rà soát lại hướng đi của các đoàn nghệ thuật, tìm ra những tài năng mới, nhân tố mới giúp nghệ thuật chèo khởi sắc”.
Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.