Mở đường xuyên núi trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Là một trong số ít dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc-Nam triển khai theo phương thức đối tác công-tư (PPP), dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo đang nỗ lực vượt khó, phấn đấu về đích trước tiến độ.
Hạng mục quan trọng nhất của dự án là hầm Núi Vung với chiều dài hơn 2km đang dần được nối liền, khơi thông tuyến đường xuyên núi. Không chỉ tiến độ, các đơn vị thi công cũng đặt chất lượng công trình là mục tiêu hàng đầu, huy động vào công trường lượng lớn nhân lực và máy móc, thiết bị hiện đại.
Nhọc nhằn "mở núi khai sơn"
Theo con đường công vụ trải dài trên địa hình đồi núi, chúng tôi đến công trường thi công hầm Núi Vung thuộc địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Nằm ở vị trí hẻo lánh, thưa thớt dân cư, để mở đường vào đến cửa hầm là cả một kỳ công của những người "mở núi khai sơn". Theo ông Nguyễn Tấn Đông, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, đại diện nhà đầu tư dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo, đối với thi công hầm, công tác chuẩn bị mất nhiều thời gian, như tại hầm Núi Vung, đơn vị thi công mất 6 tháng, đào một lượng lớn đất đá để đến được cửa hầm.
Ông Hồ Sỹ Tài, Chỉ huy trưởng công trường hầm Núi Vung cho biết, hầm được khoan từ hai đầu, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn vì địa chất thay đổi, vừa thi công vừa gia cố mái hầm. Hiện nay, cửa hầm phía Bắc có địa chất ổn định hơn nên tiến độ tốt hơn với tốc độ khoan hầm khoảng 4m/ngày. Mũi thi công từ phía Nam gặp địa chất yếu, phức tạp, đá phong hóa mạnh, không liền khối nên tốc độ chỉ đạt 1-1,5m/ngày. Trước thách thức này, đơn vị thi công của Tập đoàn Đèo Cả đã áp dụng nhiều giải pháp, đơn cử như thay vì khoan toàn bộ mặt cắt gương hầm trên diện tích 120m2 thì ưu tiên khoan trước 70-80m2 để thông hầm, đồng thời tăng thêm mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ.
![]() |
Thi công hầm Núi Vung, hạng mục quan trọng, khó khăn nhất của dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh: PHAN TRUNG |
Với chiều dài 80km, cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo đi qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Không chỉ có công tác thi công hầm, dự án cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn vật liệu như đất đắp, đá, cát và tình trạng giá nguyên vật liệu tăng đột biến cũng ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ dự án. Một số mỏ vật liệu phục vụ dự án Cam Lâm-Vĩnh Hảo được nêu trong thiết kế nhưng thực tế không có khả năng khai thác. Nhà đầu tư phải chủ động cùng với địa phương tìm kiếm các mỏ vật liệu khác thay thế. UBND tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận cho phép khai thác đất đắp tại hai mỏ Phước Hữu, Phước Vinh nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn vật liệu cho dự án.
Đơn vị thi công đã chủ động đánh giá chất lượng vật liệu đá từ khoan hầm, làm nền đường để phân loại và tận dụng tối đa; xay, nghiền thành các loại cốt liệu cho bê tông xi măng, bê tông nhựa, móng đường cấp phối đá dăm; đến nay cơ bản chủ động được nguồn vật liệu tại chỗ, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu về đá các loại của dự án. Bên cạnh đó, nhà thầu cũng có nhiều giải pháp để thu hút nhân sự cho dự án, đặc biệt là lao động kỹ thuật có tay nghề cao với số lượng khoảng 2.000 cán bộ, công nhân. Ngoài ra còn huy động 750 máy móc, thiết bị vào dự án phục vụ thi công, trong đó nhiều thiết bị hiện đại được đầu tư mới như thiết bị khoan hầm, giàn khoan xoay phá đá cứng thi công cọc nhồi, trạm nghiền, trạm trộn...
Dồn lực vì mục tiêu về đích
Đánh giá về những yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ dự án, ông Nguyễn Tấn Đông chia sẻ, quan trọng hàng đầu là thi công hầm Núi Vung. "Địa chất xấu làm phát sinh chi phí, nhưng chúng tôi luôn lấy tiến độ, chất lượng là mục tiêu hàng đầu. Với kinh nghiệm tham gia nhiều dự án hầm lớn trên cả nước và những giải pháp thi công đang triển khai cùng công tác chuẩn bị chu đáo, dự phòng các yếu tố rủi ro, chúng tôi bảo đảm sẽ rút ngắn tiến độ hầm Núi Vung", ông Nguyễn Tấn Đông bày tỏ. Dự kiến, tháng 3-2023 sẽ thông hầm, bảo đảm mục tiêu cuối năm 2023 hoàn thành hầm Núi Vung, rút ngắn tiến độ 3 tháng so với kế hoạch.
Đối với phần đường, mục tiêu đặt ra của dự án đến cuối năm 2022 hoàn thành toàn bộ thi công nền đường, chuẩn bị thi công mặt đường khi thời tiết thuận lợi. Dự kiến, tháng 9-2023 sẽ xong phần đường. Trong giai đoạn sắp tới, để chuẩn bị thi công mặt đường, vật liệu nhựa đường sẽ là yếu tố có thể ảnh hưởng đến dự án. Đơn vị thi công đã đàm phán và ký hợp đồng đặt hàng trước với nhà cung cấp, bảo đảm đáp ứng đủ vật liệu kể cả trong điều kiện thi công liên tục, cường độ lớn.
Theo ông Đặng Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần Cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo (doanh nghiệp dự án), thời gian qua, giá nhiên liệu và các loại vật liệu thiết yếu như: Xi măng, sắt thép, xăng dầu, vật liệu nổ... vượt quá dự phòng của dự án, gây khó khăn cho doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công. Công ty Cổ phần Cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo đề nghị cơ quan quản lý nhà nước bổ sung nội dung hợp đồng khi chỉ số giá xây dựng trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá để tính dự phòng, được điều chỉnh các loại vật liệu thiết yếu. Kinh phí này do nhà đầu tư bỏ ra và được điều chỉnh vào thời gian thu phí của dự án. Hợp đồng dự án hiện chưa có hạng mục trạm dừng nghỉ, tiếp nhiên liệu... tạo ra nhiều bất cập trong thi công, quản lý vận hành đồng bộ. Nhà đầu tư kiến nghị Bộ Giao thông vận tải giao nhà đầu tư tiếp tục triển khai hạng mục này, nhằm bảo đảm hoàn thành đồng bộ, thông suốt dự án vào cuối năm 2023.
MẠNH HƯNG
Tin mới
Nhiều cửa hàng công khai bán hàng thời trang giả tại các tuyến phố du lịch ở Đà Nẵng
Chiều 20/5, dưới sự giám sát của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, các tổ công tác thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra nhiều cửa hàng thời trang có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng tại các tuyến phố du lịch trung tâm Thành phố.
Ninh Thuận: Phát hiện gần 1.000 sản phầm quần áo không rõ nguồn gốc bán qua ZALO, FACEBOOK.
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận vừa tiến hành xác minh và tổ chức kiểm tra đột xuất cơ sở bán hàng online qua các kênh zalo, Facebook, phát hiện lượng lớn quần áo vi phạm.
Nghệ An: Tăng cường và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn huyện Thanh Chương
Ngày 19/5/2025, Đội QLTT số 8, Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh B.V.P có địa chỉ tại Khối 11, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương với mức phạt tiền 10 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu.
Lào Cai: Tạm giữ lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 19/5/2025 của UBND tỉnh Lào Cai mở cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lào Cai và chỉ đạo của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai mở đợt cao điểm đấu tranh, kiểm tra, xử lý vi phạm về thuốc, sữa, sản phẩm bảo vệ sức khoẻ giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2025.
Trên 5.000 đồ chơi trẻ em có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ bị thu giữ
Đội Quản lý thị trường số 1 - Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Ninh Bình kiểm tra và xử lý cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em có hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu và kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Lạng Sơn: Phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng liên quan đến khai báo sai lệch về hàng hóa quá cảnh
Trong thời gian từ ngày 14 đến 21/5/2025, Chi cục Điều tra chống buôn lậu (Cục Hải quan) phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu số 1 và Hải quan khu vực VI liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng liên quan đến khai báo sai lệch về hàng hóa quá cảnh tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn).