Ngày 17/11/2010, Quốc hội đã ban hành luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, với phạm vi điều chỉnh: quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên trong thực tế quyền của người tiêu dùng chưa được xã hội quan tâm đúng mức như kỳ vọng của các nhà quản lý. Đặc biệt là nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để trở thành “người tiêu dùng thông minh”, thì các tổ chức cá nhân khi tham gia giao dịch mua bán cần nắm vững một số nguyên tắc sau:
- Quyền được đảm bảo an toàn tính mạng, an toàn về sức khỏe, an toàn về tài sản: Tổ chức cá nhân kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản chịu trách nhiệm đảm bảo các quyền này cho người tiêu dùng.
- Quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
- Quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, như đã đề cập ở trên là vô cùng kém, nếu không muốn nói là gần như bằng không, thể hiện ở một số nội dung sau:
- Trách nhiệm bảo hành hàng hóa: Rất nhiều doanh nghiệp khi bán hàng cho người tiêu dùng đã không cung cấp giấy tiếp nhận bảo hành (trong đó phải ghi rõ thời gian thực hiện bảo hành), đối với hàng hóa có bảo hành. Đây là hành vi vi phạm phổ biến hiện nay của rất nhiều doanh nghiệp khi cung ứng hàng hóa cho người tiêu dùng. Trong khi đó rất nhiều người tiêu dùng chưa quan tâm đến vấn đề này.
- Trách nhiệm về thông tin hàng hóa và thu hồi hàng hóa có khuyết tật: Thông tin về hàng hóa (trong đó có ghi nhãn hàng hóa), thông tin về cảnh báo, thông tin về giá cả, thông tin về cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế v.v… là trách nhiệm mà bên cung cấp buộc phải thực hiện cho người tiêu dùng. Tuy nhiên trong thực tế những nội dung trên đây chỉ có rất ít doanh nghiệp thực hiện, còn phần lớn là người tiêu dùng tự “xoay xở” khi gặp những sự cố không mong muốn về hàng hóa, dịch vụ mà mình đã sử dụng.
Công chức Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật
Một điều rất đáng được chú ý trong thời đại bùng nổ thông tin, đó là việc thổi phồng quá mức về chất lượng hàng hóa thông qua hình thức quảng cáo. Hiện nay việc lạm dụng từ ngữ được các công ty quảng cáo khai thác triệt để, những từ ngữ không ai có thể kiểm chứng được liên tục xuất hiện như “chất lượng hàng đầu”, “ số 1”, “loại thượng hạng”,… những nội dung quảng cáo nói trên đã đưa người tiêu dùng lạc vào một ma trận thông tin về hàng hóa không biết đâu thật, đâu giả và không có cơ quan quản lý nào thẩm định và can thiệp.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một vấn đề chưa bao giờ hết nóng và ngày càng nóng trong xã hội hiện nay, đã có rất nhiều bài báo, bài viết của nhiều nhà báo có tên tuổi, của nhiều chuyên gia đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên hiệu lực và hiệu quả mang lại chưa cao. Để góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước hết các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác phổ biến pháp luật một cách rộng rãi và thật sự hiệu quả cho toàn xã hội. Các cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm về trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Và, trên hết mỗi một người tiêu dùng hay là “người tiêu dùng văn minh” hiểu biết quy định của pháp luật.