Mỹ cần bao nhiêu tàu sân bay?
Theo Tạp chí Popular Mechanics, tàu sân bay lâu nay được xem là biểu tượng cho sức mạnh hải quân của Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay, một vấn đề đặt ra là Mỹ thực sự cần bao nhiêu tàu sân bay?
Trong một bài viết mới đây, Tạp chí Popular Mechanics cho biết, mặc dù hải quân Mỹ hiện đang sở hữu tổng cộng 11 tàu sân bay nhưng gần như chưa bao giờ tất cả trong số đó được triển khai thực hiện nhiệm vụ cùng một lúc. Hải quân Mỹ thường chỉ triển khai 3 hoặc 4 tàu sân bay cùng vào một thời điểm trong hầu hết trường hợp. Cũng từng có thời điểm, con số này lên tới 5 chiếc. Đó là những gì diễn ra vào tháng 12-2022, khi các tàu sân bay: USS Nimitz, USS Ronald Reagan, USS George H.W.Bush, USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln được triển khai thực hiện nhiệm vụ tại các vùng biển trên thế giới.
Theo Tạp chí Popular Mechanics, việc triển khai lực lượng của quân đội Mỹ (áp dụng từ các tàu sân bay của hải quân cho đến các sư đoàn chiến đấu của lục quân) thường tuân theo nguyên tắc 1/3. Ví dụ như với tàu sân bay, vào một thời điểm bất kỳ nào đó, chỉ có 1/3 số tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển, 1/3 số khác chờ sẵn sàng thay thế chúng và 1/3 còn lại là "nhàn rỗi".
Tạp chí Popular Mechanics cho rằng nguyên tắc 1/3 cho phép các đơn vị của quân đội Mỹ có thời gian chuẩn bị về nhân lực và vũ khí để thực hiện nhiệm vụ. Tất nhiên là trong trường hợp khẩn cấp, nguyên tắc này sẽ được điều chỉnh để "một đơn vị vốn đã hoàn thành nhiệm vụ có thể ở lại thêm, trong khi đơn vị thay thế vẫn được triển khai, giúp người chỉ huy tăng gấp đôi lực lượng". Đơn cử như gần đây nhất là tàu sân bay USS Gerald R.Ford lẽ ra theo dự kiến ban đầu sẽ quay về nước vào ngày 17-10-2023, nhưng sau đó vẫn ở lại thực hiện nhiệm vụ tại Địa Trung Hải tới ngày 1-1-2024 trong bối cảnh xảy ra xung đột giữa Israel và phong trào Hamas tại dải Gaza.
"Mặc dù có thể điều chỉnh nguyên tắc 1/3 nhưng việc này sẽ khiến khoảng thời gian triển khai thực hiện nhiệm vụ trên biển thông thường là 6 tháng của một tàu sân bay Mỹ bị kéo dài thêm, từ đó không chỉ làm hao mòn vũ khí, trang bị kỹ thuật mà quan trọng hơn cả là ảnh hưởng tới các thủy thủ và gia đình họ", bài viết nêu rõ.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R.Ford và USS Dwight D.Eisenhower của Mỹ tại Địa Trung Hải, tháng 11-2023. Ảnh: Popular Mechanics |
Nhấn mạnh quân đội Mỹ có nhiều căn cứ không quân tại các nước đồng minh, Tạp chí Popular Mechanics cho rằng nhu cầu đối với tàu sân bay "không thực sự quá lớn". Tạp chí này tính toán rằng Mỹ cần tổng cộng 15 tàu sân bay để có thể triển khai 5 chiếc cùng vào một thời điểm trong hầu hết trường hợp và 8-9 chiếc trong trường hợp khẩn cấp nhằm thể hiện "năng lực răn đe đáng tin cậy". Có hai giải pháp để Mỹ tăng số lượng tàu sân bay từ 11 chiếc như hiện nay lên 15 chiếc theo tính toán của Tạp chí Popular Mechanics. Giải pháp đầu tiên và cũng là dễ thấy nhất chính là đóng thêm tàu sân bay. Giải pháp tiếp theo là kéo dài tuổi thọ phục vụ của các tàu sân bay có trong biên chế. Ví dụ như có thể cho tàu sân bay USS Nimitz "nghỉ hưu" vào năm 2032 thay vì loại biên vào năm 2025 như kế hoạch hiện nay.
Tạp chí Popular Mechanics cũng lưu ý rằng mỗi tàu sân bay chỉ là một phần của nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG). Mỗi tàu sân bay có thể trị giá 11 tỷ USD và chi phí cho các máy bay được trang bị trên tàu có thể tốn thêm 5 tỷ USD nữa. Để bảo vệ một tàu sân bay thường cần ít nhất 3 tàu khu trục trị giá khoảng 2 tỷ USD/chiếc. Mỗi CSG còn có thể được phối thuộc một tàu ngầm, trị giá khoảng 4 tỷ USD. Đạn dược cho các tàu và máy bay trong CSG sẽ tốn khoảng 1 tỷ USD nữa.
"Nói tóm lại là mỗi CSG sẽ tốn khoảng 27 tỷ USD. Đó là chưa kể mỗi CSG cần khoảng 7.000 nhân sự và nhiều thập niên sau khi tàu sân bay bị loại biên, hải quân Mỹ vẫn phải trợ cấp cho những người đã nghỉ hưu... Số lượng tàu sân bay có liên quan trực tiếp tới việc Mỹ muốn chi bao nhiêu tiền và sẵn sàng chấp nhận bao nhiêu rủi ro", Tạp chí Popular Mechanics khẳng định.
Hằng năm, theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ, hải quân Mỹ phải gửi kế hoạch phát triển hạm đội tàu chiến, trong đó có tàu sân bay, của lực lượng này trong vòng 30 năm tiếp theo. Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 1 năm nay, Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS) cho biết mặc dù có tới 3 phương án phát triển hạm đội tàu chiến trong 3 thập niên tới được hải quân Mỹ đưa ra trong kế hoạch mới nhất nhưng số lượng tàu sân bay mà lực lượng này dự kiến sở hữu chỉ dao động trong phạm vi 9-12 chiếc thay vì 15 chiếc như tính toán của Tạp chí Popular Mechanics.
HOÀNG VŨ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.