• Click để copy

Nền kinh tế Đức khó “trụ hạng”

Đức có nguy cơ mất vị trí nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào tay Ấn Độ trong vài năm tới, mà một trong những nguyên nhân là do lĩnh vực sản xuất của nước này phụ thuộc vào năng lượng của Nga...

Theo RT, báo cáo mới công bố của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại London (Anh) dự đoán thời điểm dự kiến sẽ xảy ra cuộc “soán ngôi” đáng chú ý này là năm 2027. Theo báo cáo, khủng hoảng năng lượng khiến tốc độ tăng trưởng của đầu tàu kinh tế châu Âu tiếp tục chậm lại và có nguy cơ bị tụt lại sau Ấn Độ vào năm 2027. CEBR cũng cho biết nền kinh tế Đức bị đánh giá là sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong những năm tới. Cú sốc giá năng lượng đã đẩy lạm phát ở Đức leo thang. Mức tăng giá cả trong năm 2023 được dự báo khoảng 6,3%, thấp hơn so với mức 8,7% vào năm 2022, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình gần đây.

Còn theo DW, kinh tế Đức phải đối mặt với nhiều vấn đề chứ không riêng việc liên quan tới khí đốt của Nga. Năm 2023 được giới chuyên gia đánh giá là một năm trì trệ của nền kinh tế Đức và “những lý do khiến nước Đức gặp khó khăn thì dường như ai cũng biết”. Đó là người tiêu dùng đang chần chừ chi tiêu do lạm phát và giá cả tăng. Thêm vào đó, nền kinh tế toàn cầu trì trệ đang gây căng thẳng cho các nhà xuất khẩu, lĩnh vực từng là động lực của nền kinh tế. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi xanh đầy tham vọng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu do Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck thúc đẩy, đang tiêu tốn rất nhiều tiền. Trong khi đó, nền kinh tế thiên về sản xuất của Đức phải vật lộn với khối lượng thương mại toàn cầu yếu hơn. Một trong những nguyên nhân tác động đáng chú ý nữa đó là do sự phụ thuộc vào Trung Quốc với những con số thống kê cho thấy, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 12,8% trong tổng lượng hàng hóa nhập khẩu của nước này.

<a title=
Khu phố mua sắm ở thành phố Konstanz của Đức. Ảnh: Reuters 

Trở lại vấn đề giá năng lượng, có thể kể ra một số tác động cụ thể đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu do mất đi nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga. Nhiều tập đoàn quốc tế đang “chùn bước” trong các kế hoạch đầu tư của mình tại Đức do lo ngại giá năng lượng không ổn định, nhưng lại đang xây dựng các cơ sở mới ở nước ngoài. Ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của Đức cũng đang trải qua cú sốc cực lớn vì những nguyên nhân khác nhau. Nhà kinh tế học Isabell Koske của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận thấy, cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 ảnh hưởng đến Đức nhiều hơn các nước khác vì ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng hơn ở quốc gia này. 

Trong khi đó, ngân sách cho năm 2024 bị cắt giảm đáng kể cũng gây quan ngại cho nền kinh tế Đức. Hồi giữa tháng 11-2023, Tòa án Hiến pháp Đức đã bác bỏ việc tái phân bổ 60 tỷ Euro (khoảng 65 tỷ USD) tồn đọng trong quỹ Covid-19 để sử dụng cho mục tiêu khí hậu và hiện đại hóa nền kinh tế. Trong bối cảnh Chính phủ Đức đang gấp rút chuẩn bị cho chương trình tài khóa năm 2024, phán quyết của Tòa án Hiến pháp Đức đã làm đảo lộn kế hoạch chi tiêu. Phán quyết này ảnh hưởng tới các quỹ ngoài ngân sách khác mà Đức đã áp dụng nhiều năm qua để tài trợ cho chính sách “phanh nợ” nhằm hạn chế mức thâm hụt ngân sách công vượt quá 0,35% GDP. Chính sách “phanh nợ” của Đức được áp dụng từ năm 2009, dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chính sách này được miễn thực thi trong giai đoạn 2020-2022 để có thể gia tăng các khoản chi tiêu công khẩn cấp đối phó với cuộc khủng hoảng. Năm 2023, chính sách này được áp dụng trở lại và là lý do Tòa án Hiến pháp Đức không chấp nhận chuyển đổi mục đích sử dụng số tiền 60 tỷ Euro nói trên.

Ngân sách năm 2024 bị cắt giảm sẽ kéo theo việc cắt giảm chi phí theo kế hoạch, ít trợ cấp hơn và giá năng lượng cao hơn, từ đó có thể khiến nền kinh tế chậm lại, thậm chí gây ra lạm phát. Bộ Kinh tế và Khí hậu Đức ước tính, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm tới nửa điểm phần trăm. Nhà kinh tế trưởng Carsten Brzeski của Ngân hàng ING còn đưa ra dự báo hai yếu tố rủi ro mới đối với nền kinh tế Đức sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp, đó là "thắt lưng buộc bụng" tài chính và bất ổn chính trị. Dự báo này không phải không có cơ sở bởi với ngân sách hạn hẹp, các phương án tiết kiệm sẽ không thể không tính tới. 

Chính phủ Đức hiện vẫn giả định khả năng GDP của nước này sẽ tăng 1,3% cho năm 2024. Nhưng phần lớn nhà nghiên cứu kinh tế có uy tín đều dự đoán mức tăng trưởng GDP của Đức sẽ dưới 1% vào năm 2024. Chuyên gia Stefan Schneider từ Deutsche Bank cũng cho rằng, nền kinh tế Đức sẽ suy giảm vào năm 2024. Trong khi đó, một cuộc khảo sát của Viện Kinh tế Đức (IW) cho thấy, phần lớn doanh nghiệp Đức đều cho thấy tâm lý bi quan. 30 trong tổng số 47 hiệp hội kinh tế được khảo sát cho biết, tình hình hiện tại của họ tồi tệ hơn so với một năm trước, trong đó có những ngành mũi nhọn, sử dụng nhiều lao động như chế tạo máy, cơ khí, điện, xây dựng và bán lẻ.

XUÂN PHONG

Bài liên quan

Tin mới

Lạng Sơn: Phát hiện, xử lý 4.100 đơn vị sản phẩm là thực phẩm nhập lậu
Lạng Sơn: Phát hiện, xử lý 4.100 đơn vị sản phẩm là thực phẩm nhập lậu

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6, Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn phối hợp cùng Đội 389 tỉnh Lạng Sơn và Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện phương tiện vận chuyển thực phẩm bao gói sẵn có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.

Kiểm soát chặt nhiễm khuẩn bệnh viện
Kiểm soát chặt nhiễm khuẩn bệnh viện

Tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) trong các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) giai đoạn 2025-2030 do Bộ Y tế vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, KSNK là một trong những trụ cột quan trọng trong bảo đảm an toàn cho người bệnh, chất lượng dịch vụ y tế và năng lực ứng phó của hệ thống y tế trước các bệnh truyền nhiễm.

Công đoàn Y tế Việt Nam ký kết thỏa thuận bảo đảm quyền lợi cho người lao động ngành Y
Công đoàn Y tế Việt Nam ký kết thỏa thuận bảo đảm quyền lợi cho người lao động ngành Y

Ngày 11-4, Công đoàn Y tế Việt Nam và Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động ngành Y tế trong giai đoạn 2025-2028.

Bộ Y tế ban hành danh mục chỉ số cận lâm sàng phục vụ cho bệnh án điện tử
Bộ Y tế ban hành danh mục chỉ số cận lâm sàng phục vụ cho bệnh án điện tử

Ngày 11-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đã ký Quyết định số 1227/QĐ-BYT đã ban hành Danh mục mã dùng chung đối với kỹ thuật, thuật ngữ chỉ số cận lâm sàng (đợt 1).

Rộn ràng chào đón ngày truyền thống ở Trường Sĩ quan Lục quân 1
Rộn ràng chào đón ngày truyền thống ở Trường Sĩ quan Lục quân 1

Những ngày tháng 4, có mặt tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, ngay từ cổng trường, chúng tôi nhận thấy cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống được trải khắp từ cổng trường đến các ngả đường vào từng đơn vị.

Nỗi lo kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025
Nỗi lo kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025

Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chính thức áp dụng những điều chỉnh lớn về hình thức, nội dung và cách thức đánh giá.