Nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải đăng ký giấy phép kinh doanh tại Việt Nam
Đây là thông tin vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tại buổi họp báo thường kỳ tháng 5-2023. Theo đó, các nền tảng xuyên biên giới mà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (như Netflix, App TV, Amazon...), Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đều yêu cầu đăng ký giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam nếu như muốn cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam.
Về xử lý vi phạm các nền tảng xuyên biên giới ở Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cho biết, trong năm vừa qua, Bộ TT&TT đã xử phạt hơn 20 công ty quảng cáo quốc tế vì vi phạm quy định quảng cáo. Thời gian qua, có hiện tượng nhiều doanh nghiệp trong nước đặt quảng cáo lên các nền tảng xuyên biên giới và bị gắn vào những nội dung bẩn, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Cục PTTH&TTĐT đã thực hiện nhiều giải pháp để chấn chỉnh, cũng như hướng lái dòng tiền quảng cáo của các doanh nghiệp trong nước về những nơi có nội dung sạch, nền tảng sạch.
Hiện nay, chúng ta chưa có cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý các nền tảng xuyên biên giới chưa có tư cách pháp nhân tại Việt Nam. Gần đây, Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP quản lý và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Theo đó có quy định chế tài để xử lý các OTT (là giải pháp cung cấp nội dung như hình ảnh, tin nhắn, gọi điện cho người dùng dựa trên việc tận dụng không gian rộng lớn internet), các nhà cung cấp xuyên biên giới về phát thanh, truyền hình không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
Quang cảnh buổi họp báo. |
Đối với các nền tảng xuyên biên giới mà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (như Netflix, App TV, Amazon...), Cục PTTH&TTĐT đều yêu cầu đăng ký giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam nếu như muốn cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam. Đối với việc xử lý các nền tảng xuyên biên giới trong lĩnh vực mạng xã hội, cung cấp các dịch vụ nội dung khác thì hiện nay chúng ta chưa có quy định. Bộ TT&TT đang nghiên cứu, tham mưu để dần dần hoàn thiện quy định pháp luật này.
Chia sẻ thêm thông tin, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ, việc Bộ TT&TT xử phạt Công ty TNHH Truyền thông WPP - một đại lý lớn về quảng cáo, cũng là thông điệp khẳng định, các nền tảng xuyên biên giới dù không đặt trụ sở tại Việt Nam, nếu vi phạm đều bị xử lý.
“Chúng ta phải nắn dòng tiền quảng cáo trên không gian mạng về những kênh nội dung được xác thực. Điều này có lợi cho các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước. Hiện nhiều doanh nghiệp lớn đã lên kế hoạch, lập danh sách và tham khảo Bộ TT&TT các “kênh” xác thực để tự ngăn chặn vi phạm về quảng cáo”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ TT&TT đã làm việc với Samsung, LG tại Việt Nam để yêu cầu các doanh nghiệp này tích hợp nút cứng thương hiệu truyền hình, phát thanh của Việt Nam trên điều khiển tivi, giúp người xem trong nước xem các chương trình trong nước thuận tiện...
Bộ TT&TT có nhiều biện pháp xử lý vi phạm các nền tảng xuyên biên giới ở Việt Nam/ Ảnh minh họa/chinhphu.vn. |
6 biện pháp xử lý cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo
Để chấn chỉnh, xử lý tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, Bộ TT&TT chỉ đạo triển khai thực hiện 6 biện pháp sau: Một là, chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý tình trạng sim có thông tin thuê bao không đúng quy định (sim rác).
Hai là, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo; điều tra, xử lý các trạm BTS giả. Thứ ba là đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc xây dựng, triển khai các hệ thống ngăn chặn cuộc gọi rác; áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến. Đồng thời, các công cụ cho phép người sử dụng chủ động ngăn chặn cuộc gọi rác từ thiết bị đầu cuối của mình. Thứ tư là ngăn chặn và xử lý vi phạm gọi điện quảng cáo vào số điện thoại thuộc danh sách không quảng cáo (Donotcall). Thứ năm là đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử thực hiện cuộc gọi rác. Thứ sáu là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chống cuộc gọi rác.
Hạn chế hình ảnh ca sĩ, nghệ sĩ vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong hoạt động biểu diễn
Về biện pháp xử lý đối với các ca sĩ, nghệ sĩ vi phạm trên không gian mạng, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết, từ trước tới nay, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục PTTH&TTĐT chưa bao giờ sử dụng cụm từ “phong sát” hay “cấm sóng” nghệ sĩ.
Ông Lê Quang Tự Do cũng cho biết, tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023 diễn ra cuối năm 2022, Cục PTTH&TTĐT đã nêu rõ, qua nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của một số nước gần với nước ta, như Trung Quốc, Hàn Quốc có sử dụng biện pháp "phong sát", "tẩy chay", "cấm sóng" nghệ sĩ vi phạm. Tuy nhiên, áp dụng vào Việt Nam, Bộ TT&TT và Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) thống nhất quan điểm là hạn chế hình ảnh những nghệ sĩ vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong hoạt động biểu diễn.
Theo ông Lê Quang Tự Do, sở dĩ Việt Nam không dùng các cụm từ “phong sát” hay “cấm sóng”, là bởi khi dùng các từ này sẽ coi như một quy định pháp luật. Theo luật pháp Việt Nam, để cấm một hoạt động của công dân, nội dung bị cấm phải được đưa vào luật.
Bộ VHTT&DL và Bộ TT&TT dự kiến sử dụng 1 biện pháp mềm, đó là vận động các cơ quan báo chí, cơ quan tổ chức sự kiện ủng hộ Nhà nước, cùng chung tay làm sạch môi trường hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Cụ thể, không cổ vũ, không khuyến khích, không mời những nghệ sĩ có vi phạm về đạo đức, có lối sống lệch chuẩn theo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ VHTT&DL ban hành.
Bài, ảnh: VĂN PHONG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.