Nếp nhà sàn của người Tày ở Bắc Kạn
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, người Tày là một dân tộc chiếm tỷ lệ cao so với các dân tộc Mông, Dao, Nùng... Đồng bào dân tộc Tày có lịch sử định cư lâu đời ở nơi đây.
Nhà sàn có nhiều ở các địa phương khác, nhưng riêng ở Bắc Kạn, từ thời ông bà ngoại tôi, nhà sàn được dựng lên với các chức năng đa dạng ngoài việc là một không gian sống cụ thể. Nguyên vật liệu chủ yếu là các loại gỗ rừng, nhà nào đơn giản hơn, khó khăn hay neo người thì bà con cũng có thể thay thế phần tường nhà bằng tre nứa đan thành tấm, riêng phần cột nhà, khung nhà thì phải bằng gỗ mới đủ lực để trụ vững nâng đỡ cả ngôi nhà.
Phần sàn nhà luôn để thoáng rộng là có chức năng riêng, giúp bà con có thể để nông cụ, giống như một chiếc kho mở rộng. Một góc gầm sàn còn là nơi chất củi để dành chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt ở vùng núi. Bà con sẽ thiết kế luôn những cây sào bằng tre treo dưới sàn nhà để làm nơi phơi đồ, vừa bảo đảm đón được nắng gió, vừa tránh được trời trở mưa bất chợt, phòng khi nhà không có ai ở nhà thì quần áo vẫn không bị ướt. Bên cạnh đó, gầm sàn còn thiết kế một góc để đặt mấy ổ rơm trên nóc chuồng cho gà đẻ trứng. Lý do bà con nuôi vật nuôi dưới gầm là để tránh thú dữ vì thời xưa, ở vùng núi xa xôi hẻo lánh còn có thú hoang, đặc biệt như rắn rất thích trứng gà, do vậy, nuôi gà dưới gầm sàn chính là bảo vệ một phần nguồn thực phẩm, thức ăn, bảo đảm cuộc sống của con người.
Nhà sàn của người Tày ở Bắc Kạn. |
Sau này thì bà con có cải tạo không gian sống, khi đông cư dân hơn, chuồng nuôi được dịch ra xa vì không còn nỗi lo bị mất mát như thế hệ xưa kia. Ngày trước, nhà sàn của bà con luôn lợp mái bằng lá cọ, những đồi cọ ngay gần nhà giúp bà con thay mái dễ dàng. Theo thời gian, thói quen này thay đổi, phần vì nguyên liệu mới thay thế phong phú hơn như nhà lợp mái ngói, mái tôn và phần còn lại do việc dùng mái lá tuy có ưu điểm mát về mùa hạ nhưng vào mùa đông lạnh, có mưa và độ ẩm cao, nhà dễ bị dột.
Có thể nói, ngôi nhà sàn của bà con người Tày ở Bắc Kạn đã được cải tiến nhiều theo thời gian. Riêng bậc cầu thang và tổ chức không gian sống của ngôi nhà thì cơ bản mọi nhà đều giống nhau. Sẽ có một không gian để ban thờ ở gian chính giữa ngôi nhà, gian bên hông ban thờ (thường là gian trong cùng) sẽ thiết kế buồng ngủ cho các thành viên, ngăn cách giữa các buồng ngủ thường bằng các tấm ván và có rèm cửa theo phong cách dân tộc từ vải cho đến hoa văn. Không gian sinh hoạt chung sẽ là ở giữa ngôi nhà, bếp cũng được đặt giữa nhà. Nhưng sau này, khi người Tày mở rộng không gian sống thì phần bếp được tách riêng.
Về cơ bản, phần bếp theo truyền thống của người Tày có tác dụng để nấu nướng hằng ngày, là không gian quây quần của cả gia đình mỗi bữa cơm và cũng là nơi sưởi ấm vào mùa đông, vì thế, dẫu mùa đông lạnh giá đến đâu chăng nữa, bếp than âm ỉ được ủ trong tro bếp có tác dụng như một lò sưởi, tỏa nhiệt cho cả ngôi nhà. Cũng ở trong nếp nhà sàn, các hoạt động văn hóa tâm linh được diễn ra truyền đời: Nghi lễ cưới xin, ăn hỏi, lễ đầy tháng, lễ cúng đầu năm... Riêng với thủ tục ma chay thì người Tày sau 3 năm đưa ông bà về với tiên tổ sẽ không còn cúng giỗ hằng năm nữa, mà tất cả hoạt động tưởng nhớ ông bà tổ tiên sẽ diễn ra ngoài ngôi nhà, trong hoạt động tảo mộ nơi ông bà nằm lại.
Bản thân nếp nhà chứa trong lòng nó nhiều di sản phi vật thể, đó chính là cách con người sống trong đó. Nếp nhà sàn của người Tày ở Bắc Kạn là một trong những di sản địa phương như thế. Từ nếp nhà sàn đơn sơ, con người trở thành một phần của văn hóa. Do đó, giữ gìn được nếp nhà xưa là bảo tồn được nét văn hóa đặc sắc của ông cha để lại cho hậu thế.
Bài và ảnh: VŨ HỒNG PHƯƠNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.