Nga tuyên bố "làm mọi thứ" để ngăn chặn xung đột hạt nhân
Tờ India Today ngày 20-11 cho hay, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây tuyên bố nước này vẫn giữ nguyên cam kết tránh để xảy ra chiến tranh hạt nhân. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi của nước này.
“Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc làm mọi thứ để ngăn chặn xung đột hạt nhân”, ông Lavrov phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Rio de Janeiro, Brazil trước đó một ngày, đồng thời nói thêm rằng Nga tiếp tục ủng hộ một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Cũng theo India Today, Điện Kremlin tái khẳng định rằng vũ khí hạt nhân chỉ là biện pháp răn đe, nhưng nhấn mạnh sự trả đũa là điều không thể tránh khỏi nếu Nga bị tấn công.
![]() |
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters |
Trước đó, ngày 19-11, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga. Theo hãng thông tấn TASS, nguyên tắc cơ bản của học thuyết này đó là “việc sử dụng vũ khí hạt nhân là biện pháp cuối cùng để bảo vệ chủ quyền của nước Nga”. TASS nêu rõ: “Sự xuất hiện của các mối đe dọa và rủi ro quân sự mới đã thúc đẩy Nga làm rõ các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân. Đặc biệt, học thuyết sửa đổi mở rộng phạm vi các quốc gia và liên minh quân sự chịu sự răn đe hạt nhân, cũng như danh sách các mối đe dọa quân sự mà sự răn đe đó được thiết kế để đối phó”.
Ngoài ra, học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga nhấn mạnh, hiện Nga coi bất kỳ cuộc tấn công nào của một quốc gia phi hạt nhân được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân là “một cuộc tấn công chung” nhằm vào nước Nga. Moscow cũng có quyền xem xét đưa ra phản ứng hạt nhân đối với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa chủ quyền của nước này, hoặc một vụ phóng máy bay chiến đấu, tên lửa và máy bay không người lái quy mô lớn của đối phương nhằm vào lãnh thổ Nga, vượt qua biên giới Nga và một cuộc tấn công vào đồng minh Belarus.
Giải thích về văn bản nói trên, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, những sửa đổi được đưa ra liên quan đến tình hình hiện tại và học thuyết để ngỏ khả năng đáp trả hạt nhân nếu Ukraine sử dụng tên lửa của phương Tây để tấn công Nga. Người phát ngôn Peskov lưu ý rằng, Moscow luôn duy trì lập trường có trách nhiệm và thực hiện các bước cần thiết để giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân và ngăn chặn sự xấu đi của quan hệ quốc tế.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng tuyên bố học thuyết nói trên cần phải được phân tích kỹ lưỡng ở cả trong và ngoài nước Nga. "Đây là một văn bản rất quan trọng. Rõ ràng văn kiện này đòi hỏi phải được phân tích sâu sắc ở trong nước và có lẽ cả ở nước ngoài", ông Peskov nói với báo giới.
“Phiên bản” gần đây nhất của học thuyết hạt nhân Nga được thông qua vào tháng 6-2020, thay thế một văn bản tương tự có hiệu lực trong 10 năm trước đó.
Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng phản đối học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga. Trong khi đó, theo hãng thông tấn Anadolu, Trung Quốc kêu gọi “kiềm chế-giảm leo thang” và đối thoại giữa Nga và Ukraine sau khi Moscow cập nhật học thuyết hạt nhân còn Kiev sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công Nga. “Trong hoàn cảnh hiện tại, tất cả các bên cần giữ bình tĩnh và kiềm chế, cùng nhau hợp tác thông qua đối thoại, tham vấn để giảm bớt căng thẳng và giảm thiểu rủi ro chiến lược”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian nói với các phóng viên tại Bắc Kinh.
Theo Sputnik, trong một thông báo liên quan, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết, Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ các xu hướng ở Nga trong bối cảnh học thuyết hạt nhân của nước này có nhiều thay đổi.
ANH VŨ
Tin mới
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.