Ngăn chặn thất thoát, lãng phí trong đầu tư công
Trong những năm gần đây, nhiều giải pháp siết chặt công tác quản lý, nâng cao chất lượng việc sử dụng nguồn lực công đối với các dự án đầu tư xây dựng đã được thực hiện. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán hằng năm cho thấy tại nhiều dự án đầu tư xây dựng vẫn còn xảy ra các sai sót trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, thanh toán, tạm ứng, quản lý tiến độ... Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về những tồn tại, sai phạm xảy ra tại một số dự án đầu tư xây dựng, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước?
Bà Hà Thị Mỹ Dung: Qua kiểm toán lĩnh vực này, KTNN đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng, từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khâu thanh toán, quyết toán. Trong đó có thể kể đến một số sai sót phổ biến như: Phê duyệt dự án chưa phù hợp quy hoạch được duyệt, chưa phù hợp với chủ trương đầu tư, xác định nguồn vốn, nội dung đầu tư chưa phù hợp, điều chỉnh dự án chưa bảo đảm quy định; thiết kế chưa hợp lý, không sát với thực tế dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung; áp dụng sai định mức, đơn giá xảy ra tại hầu hết dự án được kiểm toán; áp dụng hình thức chỉ định thầu chưa bảo đảm quy định; có trường hợp tiêu chí trong hồ sơ mời thầu làm hạn chế tính cạnh tranh giữa các nhà thầu; việc nghiệm thu, thanh toán còn chưa đúng về khối lượng, đơn giá... Kết quả kiểm toán thời gian qua trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.
Bà Hà Thị Mỹ Dung. Ảnh: HẢI THU |
PV: Vừa qua, tại một số dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó cơ quan chức năng vẫn phát hiện sai phạm trong hoạt động đấu thầu... Bà lý giải như thế nào về vấn đề này?
Bà Hà Thị Mỹ Dung: Về vấn đề này, trước hết chúng ta cần xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của KTNN. Theo đó, KTNN là cơ quan có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Hoạt động kiểm toán là hoạt động chuyên môn có sự khác biệt với các hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra khác.
Cụ thể, mục tiêu chính của các cuộc kiểm toán do KTNN thực hiện là xác nhận tính trung thực, hợp lý của các Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; đánh giá tính tuân thủ, tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của các hoạt động, chương trình, dự án được kiểm toán. Đối tượng và phạm vi kiểm toán liên quan đến các hoạt động quản lý tài chính công, tài sản công của một đơn vị, một chương trình, dự án trong giai đoạn được lựa chọn kiểm toán; không phải là một vụ việc, một vấn đề cụ thể...
Với những đặc thù trên, hiệu quả hoạt động của KTNN chủ yếu tập trung ở khía cạnh phòng ngừa, phát hiện các sai phạm và kiến nghị xử lý tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công... Trường hợp phát hiện ra hành vi có dấu hiệu tội phạm, KTNN kiến nghị hoặc chuyển cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định. Thực tế thời gian vừa qua, KTNN đã chuyển nhiều hồ sơ, vụ việc đến các cơ quan để phục vụ cho hoạt động điều tra, giám sát...
Đối với lĩnh vực kiểm toán đầu tư xây dựng, KTNN thực hiện kiểm toán trên cơ sở hồ sơ tài liệu do chủ đầu tư, ban quản lý dự án cung cấp. Đối tượng kiểm toán là các hoạt động đầu tư xây dựng đã diễn ra (như hạng mục công trình đã nghiệm thu, sổ sách đã kiểm kê, hàng hóa đã được mua nhập kho, xuất kho sử dụng...), nên không chứng kiến quá trình thi công, không chứng kiến việc nghiệm thu vật tư, vật liệu đầu vào, không chứng kiến việc nghiệm thu giai đoạn thi công của dự án, nghiệm thu quỹ tồn ngân). Điều kiện về phương tiện kỹ thuật (phương tiện, máy móc để xác định được chất lượng công trình đối với các hạng mục chìm khuất, sản phẩm yêu cầu máy móc thiết bị chuyên dụng như xác định chất lượng bề mặt nhựa đường, chất lượng bê tông...) cũng hạn chế.
Hoạt động nghiệp vụ của Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: HẢI THU |
Thực tế cho thấy, các trường hợp sai phạm mang tính chất nghiêm trọng trong hoạt động đấu thầu vừa qua đều có sự cấu kết, thông đồng hết sức tinh vi giữa các cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan; hồ sơ thầu được hợp thức hóa theo quy định... và nằm ngoài khả năng, phạm vi tiếp cận, phương pháp kiểm toán của KTNN.
PV: Như vậy, để ngăn chặn, hạn chế các tồn tại, sai phạm xảy ra đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách không chỉ là trách nhiệm của các đơn vị quản lý dự án mà còn cần sự nỗ lực của các cơ quan thanh tra, kiểm tra như KTNN. Theo bà, cần có các giải pháp cụ thể ra sao?
Bà Hà Thị Mỹ Dung: Để ngăn chặn hiệu quả những hành vi tiêu cực, vi phạm, về phía KTNN, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa và bổ sung bảo đảm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, tăng cường kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng quan trọng quốc gia, kiểm toán việc thực hiện các cơ chế đặc thù; KTNN tham gia ngay từ khâu xem xét quyết định chủ trương đầu tư đến quá trình triển khai thực hiện, thanh, quyết toán.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, KTNN đề nghị các bộ, ngành và địa phương sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đã được KTNN chỉ ra còn tồn tại bất cập, mâu thuẫn để việc thực hiện của các đơn vị được thông suốt; hạn chế tình trạng phải vận dụng văn bản quy phạm pháp luật trong thực tế đối với những trường hợp chưa được quy định rõ ràng. Đồng thời, các đơn vị cần kịp thời đôn đốc, kiểm tra, khắc phục những tồn tại đã được KTNN phát hiện và kiến nghị.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
THU HẢI (thực hiện)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.