Ngân hàng kiểm soát rủi ro bằng chuyển dịch dòng vốn từ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp sang lĩnh vực khác
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, ngân hàng thì, rủi ro ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp đến an toàn hệ thống tín dụng ở mức thấp. Nhưng, hiện nay, nhiều ngân hàng đã có sự dịch chuyển dòng vốn từ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sang cho vay lĩnh vực khác.
Con số
Theo thống kê, ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhiều nhất là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) hiện sở hữu 43.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm gần 12% so với quý trước và giảm mạnh đến 43,3% so với mức 76.800 tỷ đồng trái phiếu hồi cuối quý I/2022.
Báo cáo tài chính mới nhất của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho thấy, giá trị TPDN ngân hàng này sở hữu đã giảm từ mức 27.589 tỷ đồng cuối quý I xuống còn 23.274 tỷ đồng khi kết thúc quý II và tiếp tục giảm còn 22.300 tỷ đồng cuối quý III. Như vậy, so với quý đầu năm, TPBank đã giảm hơn 19% giá trị trái phiếu nắm giữ.
Ngân hàng kiểm soát rủi ro bằng chuyển dịch dòng vốn từ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp sang lĩnh vực khác. Ảnh minh họa internet.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) có sự biến động rõ nét trong đầu tư TPDN. Giá trị danh mục TPDN sở hữu tính đến cuối quý III/2022 giảm 46,6% kể từ đầu năm. Số dư TPDN trong danh mục đầu tư của HDBank là 5.400 tỷ đồng, chỉ chiếm hơn 1% tổng tài sản. Giảm nắm giữ trái phiếu đã góp phần giúp HDBank ghi nhận tăng trưởng cho vay khách hàng 09 tháng đạt mức 28,7%. Tỷ trọng cho vay bán lẻ (cho vay cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa) chiếm 97% tổng dư nợ cho vay.
Đánh giá của chuyên gia
Việc mua, bán TPDN là một trong những hoạt động nghiệp vụ bình thường của ngân hàng. Đầu tư vào TPDN được ngân hàng xác định như một khoản cho vay trung, dài hạn. Do đó, kiểm soát rủi ro là điều tất yếu.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thì, việc các ngân hàng giảm nắm giữ TPDN ở thời điểm này không quá khó hiểu. Bởi nhu cầu về vốn của doanh nghiệp những tháng cuối năm đặc biệt tăng cao khi Tết Nguyên đán lại khá sát với Tết Dương lịch, trong khi đó room tín dụng hiện không còn nhiều. Vì vậy, muốn có dư địa để cho vay ra thì ngân hàng ắt sẽ phải giảm bớt nguồn tín dụng vào trái phiếu.
Ngân hàng kiểm soát rủi ro bằng chuyển dịch dòng vốn từ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp sang lĩnh vực khác. Ảnh minh họa internet.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích: TPDN phát hành trong thời gian trước đây phần lớn là dưới hình thức riêng lẻ, thiếu xếp hạng tín nhiệm, báo cáo tài chính kém minh bạch... Mặc dù các khoản đầu tư của ngân hàng đều được thẩm định kỹ lưỡng nhưng trong bối cảnh nhiều biến động, không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, nguy cơ trả nợ cũng có vấn đề nên ngân hàng chỉ giảm bớt lượng trái phiếu sở hữu, giảm bớt rủi ro. Nhất là với TPDN đã đến hạn thanh toán, ngân hàng cũng tìm cách thu hồi nợ, đảm bảo hạn chế nguy cơ gia tăng nợ xấu, ổn định sức khỏe của ngân hàng.
FiinRatings đánh giá rủi ro của tín dụng TPDN đến an toàn hệ thống tín dụng hiện nay là rất thấp. Dư nợ trái phiếu tính đến thời điểm cuối tháng 09/2022 đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương với hơn 13% GDP năm 2021. Nếu không tính các trái phiếu ngân hàng thì số dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là 908.800 tỷ đồng và các nhà phát hành bất động sản là 455.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.
Cũng theo FiinRatings, các ngân hàng đang nắm giữ danh mục TPDN phi ngân hàng với quy mô vào khoảng 284.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,37% trên tổng tài sản sinh lời tại thời điểm 30/06/2022. Con số này phản ánh quy mô đầu tư TPDN của ngân hàng còn khá nhỏ và chất lượng trái phiếu được ngân hàng đánh giá kỹ lưỡng có tính phân hóa cao nên sẽ không phải là vấn đề lớn đối với chất lượng tín dụng ngân hàng.
"Mức độ ảnh hưởng chỉ có thể lớn hơn đối với một số ngân hàng có phân bổ tín dụng trái phiếu doanh nghiệp lớn hơn 10% tổng dư nợ tín dụng của họ", FiinRatings nhận định.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, tuy quy mô TPDN mà các ngân hàng đang sở hữu là rất nhỏ, rủi ro không quá lớn, nhưng "khẩu vị" của nhiều ngân hàng vẫn thiên về tập trung cho vay khách hàng và thực hiện cơ chế quản trị rủi ro tốt hơn. Mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng vẫn tiếp tục xu hướng tăng mạnh, trở nên cạnh tranh hơn với các sản phẩm TPDN. Do đó, khả năng các doanh nghiệp sẽ gặp khó khi tái cơ cấu trái phiếu đến hạn là cao.
Nguyễn Vân Quỳnh (t/h)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.