Ngành dệt may, da giày tại TP Hồ Chí Minh vượt khó, nỗ lực sản xuất
Dưới tác động của nhiều nguyên nhân trong và ngoài nước, ngành dệt may và da giày tại TP Hồ Chí Minh đã gặp nhiều khó khăn trong thời điểm cuối năm 2022. Các doanh nghiệp thuộc ngành đang nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh với quyết tâm cao từ sau kỳ nghỉ tết.
Nỗ lực sản xuất đầu năm
Sau gần ba tuần chính thức làm việc sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão, lực lượng lao động các ngành da giày, dệt may tại TP Hồ Chí Minh đã trở lại tương đối đầy đủ với tinh thần làm việc khẩn trương, năng suất lao động cao. Là doanh nghiệp chuyên về da giày đứng chân tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần 32 (Tổng cục Hậu cần) đã hứng khởi với quyết tâm tăng tốc ngay từ tuần đầu, tháng đầu sau tết. Tham quan Xí nghiệp 32-5, chúng tôi chứng kiến hơn 450 công nhân hăng say làm việc cho ra thành phẩm nhiều mặt hàng giày xuất khẩu.
Người lao động làm việc tại Xí nghiệp 32-5, Công ty Cổ phần 32. |
Vừa thoăn thoắt đôi tay với công việc phụ dán cho thợ may các sản phẩm giày, chị Thái Thị Kim Phụng (công nhân Xí nghiệp 32-5) chia sẻ: “Lực lượng công nhân ở xí nghiệp đã làm việc tích cực ngay từ những ngày đầu ra quân sau tết. Chúng tôi rất phấn khởi vì công ty, cũng như xí nghiệp bảo đảm được việc làm ổn định mặc dù ngành da giày đang gặp nhiều khó khăn”.
Trực tiếp kiểm tra, đôn đốc người lao động làm việc, ông Dương Văn Lâm, Giám đốc Xí nghiệp 32-5 cho biết thêm: “Mặt hàng da giày xuất khẩu khó tránh khỏi tác động của các cuộc xung đột trên thế giới, dịch bệnh... Tuy nhiên, xí nghiệp đang bảo đảm đủ đơn hàng, chăm lo tốt việc làm cho người lao động, sẵn sàng đón nhận các đơn hàng xuất khẩu tiếp theo”.
Đội ngũ cán bộ công ty, xí nghiệp kiểm tra, động viên người lao động làm việc. |
Còn tại Công ty Cổ phần 28.1, Tổng công ty 28 (Tổng cục Hậu cần), Đại tá Trần Doãn Thoan, Giám đốc công ty trao đổi với chúng tôi rằng: “Công ty chuyên về thực hiện áo vest nam cho thị trường nước ngoài nên chủ động ký thỏa thuận năng lực sản xuất với các đối tác, bảo đảm tốt nguồn đơn hàng là giải pháp hiệu quả được công ty triển khai thời gian qua. Năm nay, lực lượng lao động sau tết không bị thiếu hụt, kết hợp với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nguyên liệu, vật tư chu đáo đã giúp các mặt sản xuất được khởi động nhanh chóng với năng suất cao. Toàn công ty đang tập trung cho cho những đơn hàng vào thị trường Hoa Kỳ, Australia, châu Âu...”.
Với thâm niên 31 năm làm việc tại Công ty Cổ phần 28.1, anh Nguyễn Văn Ấn, làm việc ở vị trí ủi thành phẩm tâm sự: “Khí thế lao động rộn ràng từ sau tết giúp đội ngũ công nhân phấn khởi lắm. Sau dịch bệnh, nỗi lo việc làm, thu nhập luôn thường trực đối với người lao động ngành dệt may như chúng tôi, nhưng ở Công ty Cổ phần 28.1 nhờ những chính sách chăm lo chu đáo, cải thiện môi trường làm việc nên người lao động đã gắn bó tốt với doanh nghiệp”.
Người lao động Công ty Cổ phần 28.1 phấn khởi khi có đơn hàng, việc làm ổn định. |
Chủ động khắc phục nhiều khó khăn, các doanh nghiệp dệt may, da giày ở TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực giữ vững thị phần, tìm kiếm mở rộng thêm thị trường, bảo đảm đơn hàng dồi dào, tạo việc làm cho người lao động... Theo chia sẻ của ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (huyện Bình Chánh), nhờ làm tốt công tác tìm kiếm khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiện công ty đã có đơn hàng đến tháng 6-2023 với hơn 50% số lượng hàng là sản phẩm và khách hàng mới.
Thích ứng linh hoạt để phát triển
Năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn cho các ngành sản xuất xuất khẩu như dệt may, da giày khi nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi mạnh. Các thị trường xuất khẩu chính đều giảm hoặc tăng không đáng kể. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn… và phải tuân thủ nhiều chính sách khác của nhãn hàng.
Theo nhận định của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh, tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu của ngành vẫn chưa có chuyển biến trong những tháng đầu năm 2023 và dự báo còn kéo dài. Một số doanh nghiệp triển khai giảm ca làm, giờ làm để duy trì dây chuyền sản xuất và giữ việc làm cho người lao động. So với những ngành hàng thiết yếu, các ngành hàng thời trang thường bị tác động giảm cầu sớm và phục hồi chậm hơn.
Sản xuất giày bộ đội tại Xí nghiệp 32-7, Công ty Cổ phần 32. |
Đồng tình với nhận định trên, theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (TP Thủ Đức), những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu dệt may có thể sẽ kéo dài ít nhất là hết quý I hoặc quý II-2023. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực xoay sở để thích ứng nhằm duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Ông Việt phân tích thêm rằng, sản phẩm dệt may mang tính thời trang xu hướng, luôn đổi mới nên không thể sản xuất sẵn để dự trữ chờ phục hồi. Đây là thách thức lớn cho doanh nghiệp của ngành.
Để duy trì sản xuất trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, phần lớn doanh nghiệp dệt may, da giày tại TP Hồ Chí Minh đã thay đổi nhiều phương án, điều chỉnh kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh để thích ứng. Các doanh nghiệp phải vừa làm vừa cập nhật thông tin thị trường, những biến động, xu hướng mới để giảm thiểu rủi ro. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm đối tác, khách hàng trong và ngoài nước để nhận thêm những đơn hàng tiêu dùng theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài” để tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp cũng nhận định rằng, muốn hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định phải có sự chuẩn bị dài hơi, nhất là dự trữ nguyên phụ liệu để khi thị trường phục hồi trở lại, có thể tập trung tăng công suất ngay, đón đầu và đáp ứng các đơn hàng lớn hơn.
Ngành dệt may, da giày cần được hỗ trợ nhiều hơn để phát triển tốt trong thời gian tới. |
Chia sẻ về cách làm hiệu quả của doanh nghiệp, Trung tá Ngô Thành Thắng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần 32 chia sẻ rằng: “Năm 2022, công ty đạt 105% kế hoạch năm là động lực mạnh mẽ để năm 2023 phấn đấu đạt kết quả khả quan hơn. Cùng với thị trường xuất khẩu truyền thống, công ty đã tìm kiếm được nguồn khách hàng mới, mở rộng thị trường Đông Nam Á, cũng như tăng cường khai thác thị trường nội địa... Toàn công ty giữ nhịp sản xuất ổn định, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững, không ngừng cải thiện thu nhập cho người lao động”.
Bài và ảnh: HỒNG GIANG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.