• Click để copy

Nghệ An tìm cách giữ chân người bảo vệ rừng

Trong hai năm qua, tỉnh Nghệ An đã có 158 người bảo vệ rừng bao gồm cán bộ kiểm lâm, lực lượng giữ rừng chuyên trách nghỉ việc. Nguyên nhân chính là bởi công việc vất vả, hiểm nguy, trong khi chế độ tiền lương quá thấp, không bảo đảm cuộc sống.

Áp lực về trách nhiệm

Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với hơn 1 triệu héc-ta, trong đó, diện tích có rừng là 962.899ha, diện tích rừng tự nhiên hơn 790.000ha. Tiềm năng phát triển lâm nghiệp của tỉnh rất lớn, trong đó có phát triển thị trường mua bán tín chỉ hấp thụ carbon từ rừng.

Hiện nay, các đơn vị lâm nghiệp công lập đảm trách quản lý hơn 318.000ha rừng tự nhiên; trong đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang trực tiếp quản lý, bảo vệ hơn 131.000ha. Đơn cử như Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện Tương Dương (Nghệ An), toàn bộ đơn vị gồm 60 cán bộ, nhân viên, lao động hợp đồng nhưng phải đảm đương 68.000ha diện tích rừng. Tính trung bình mỗi người đảm nhận bảo vệ hơn 1.000ha rừng. Ông Nguyễn Tất Hòa, Trưởng BQL rừng phòng hộ huyện Tương Dương chia sẻ: “Hai năm trở lại đây, có 9 người trong đơn vị chúng tôi xin thôi việc để tìm công việc tốt hơn”. Cùng chung thực trạng, tại BQL rừng phòng hộ huyện Thanh Chương, trong 3 năm qua cũng đã có 10 cán bộ, nhân viên xin nghỉ việc.

Anh Phan Văn Trung, nhân viên BQL rừng phòng hộ huyện Tương Dương nhiều lần viết đơn xin nghỉ việc nhưng cơ quan đã hết mực động viên anh ở lại. Công tác trong ngành được hơn 20 năm, hằng tháng, anh Trung phải đi rừng hơn 20 ngày. Mỗi lần đi tuần tra, chỉ tính riêng quãng đường đi bộ từ trạm đến khu vực rừng phòng hộ cũng tiêu tốn của anh Trung khoảng trên dưới 7 giờ đồng hồ, chưa kể quãng đường đi kiểm tra trong rừng hằng tuần. Mỗi chuyến đi, anh Trung và mọi người đều phải mang theo lương thực, thực phẩm với số lượng đủ dùng cả tuần. Đến nay, sau hơn 20 năm làm việc, lương của anh Trung chỉ ở mức 6 triệu đồng/tháng. Năm 2017, anh Trung lúc đó là Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Tam Hợp (BQL rừng phòng hộ huyện Tương Dương) phát hiện một khu vực rừng phòng hộ giáp biên giới Việt-Lào bị lâm tặc chặt tỉa. Anh báo cáo lên cấp trên nhưng không bắt được thủ phạm nên bị khởi tố “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Anh Trung bị kỷ luật, cách chức, khai trừ Đảng, chịu mức án 1 năm tù treo. Anh Trung ngậm ngùi nói: “Công việc đã vất vả, hiểm nguy, lương thấp đã đành còn rất áp lực, chỉ cần rừng bị chặt phá là sẽ chịu kỷ luật”. Khi chưa xảy ra vụ chặt phá rừng và bị kỷ luật, anh Trung đã viết đơn xin nghỉ việc nhưng cơ quan, cấp trên động viên ở lại vì cũng đã cống hiến gần 20 năm trong ngành. Sau khi bị kỷ luật, anh đã 3 lần viết đơn xin thôi việc nhưng vì thiếu người, cấp trên và đồng nghiệp động viên làm việc đến thời gian nghỉ hưu nên anh vẫn cố gắng ở lại tới bây giờ.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, thời gian gần đây, có 6 cán bộ kiểm lâm, cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng của tỉnh Nghệ An bị khởi tố về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do liên đới đến tội phạm phá rừng. Có thời điểm đến 5 hạt trưởng hạt kiểm lâm địa bàn xin thôi việc, sau đó được cấp trên làm công tác tư tưởng thì 3 người rút đơn...

 Tại cuộc họp HĐND tỉnh Nghệ An mới đây, tình trạng cán bộ, nhân viên tại các BQL rừng phòng hộ, hạt kiểm lâm xin nghỉ việc được đưa ra thảo luận một cách cấp thiết. Nhiều ý kiến đề nghị tỉnh quan tâm có chế độ cho lực lượng bảo vệ rừng, bởi đây là ngành nghề đặc thù, khó khăn, vất vả, chế độ đãi ngộ thấp, không thu hút được nguồn nhân lực.

Nghệ An tìm cách giữ chân người bảo vệ rừng

 Lực lượng bảo vệ Vườn Quốc gia Pù Mát trên đường tuần tra. Ảnh: TRẦN XUÂN CƯỜNG.

Cần ban hành chính sách mới

Trên thực tế, ở nơi nào rừng tự nhiên nhiều thì ở đó đời sống của bà con nhân dân và lực lượng bảo vệ rừng rất khó khăn. Theo quy định của Nhà nước, rừng tự nhiên không được khai thác và tận dụng các sinh kế. Hiện nay, đơn giá quản lý, bảo vệ rừng còn thấp, cao nhất là 400.000 đồng/ha, thấp nhất là 100.000 đồng/ha. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) đề xuất Chính phủ tăng lên 1.100.000 đồng/ha, nhưng khi trình Quốc hội chưa được thông qua... Vì vậy, thu nhập bình quân của người bảo vệ rừng chuyên trách chỉ ở mức 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Ðã vậy, lương lại thường xuyên bị chậm khiến đời sống lực lượng bảo vệ rừng càng khó khăn. Có thời điểm, trong vòng nửa năm, người bảo vệ rừng không nhận được lương do kinh phí cấp xuống chậm, trong khi các đơn vị không có nguồn tiền khác để tạm ứng.

Trước những khó khăn đó, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An xây dựng nghị quyết đặc thù, tăng mức kinh phí bảo vệ rừng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Việc rà soát để quy hoạch phân giao 3 loại rừng rất khó khăn vì đất rừng đã được Chính phủ khống chế nên việc thay đổi quy hoạch nhằm tăng diện tích rừng sản xuất, rừng trồng để phát triển kinh tế cho bà con và lực lượng bảo vệ rừng không thể thực hiện được”. Ngoài ra, Nghệ An đang làm việc với Bộ NN-PTNT để triển khai thực hiện dự án liên doanh với tổ chức quốc tế nhằm thực hiện việc mua bán tín chỉ hấp thụ carbon. Đón đầu và triển khai việc mua bán tín chỉ carbon hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống cho lực lượng bảo vệ rừng, đầu tư cho sự phát triển xanh và bền vững của rừng.

Thực trạng chế độ, chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng chưa được thỏa đáng diễn ra không chỉ tại Nghệ An mà là vấn đề chung trong cả nước. Bởi vậy, các bộ, ngành, địa phương cần sớm có những quyết sách kịp thời tháo gỡ, sửa đổi, ban hành các chính sách phù hợp với tình hình, làm sao để lực lượng bảo vệ rừng được thụ hưởng đúng với sức lao động bỏ ra, cả về vật chất lẫn tinh thần mới có thể yên tâm làm nhiệm vụ.

HOÀNG HOA LÊ

Bài liên quan

Tin mới

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tiêu hủy hơn 38.000 sản phẩm tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu
Bà Rịa - Vũng Tàu: Tiêu hủy hơn 38.000 sản phẩm tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu

Sáng ngày 19/9/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành tiêu hủy lượng hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu với tổng trị giá hàng hóa ước tính hơn 1,6 tỷ đồng.

Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An
Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An

Chiều ngày 19/9/2024, Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thừa Thiên Huế
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thừa Thiên Huế

Thực hiện Kế hoạch số 37/KH-VPTT ngày 28/9/2024 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về việc kiểm tra, đôn đốc, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các chuyên đề, kế hoạch, chỉ đạo về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ngày 17/9/2024, tại Trụ sở Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389/TTH), Đoàn công tác của Văn Phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã làm việc với Ban Chỉ đạo 389/TTH.

Nghĩa tình tương thân tương ái đối với vùng thiên tai, bão lũ tại Cục QLTT tỉnh Yên Bái
Nghĩa tình tương thân tương ái đối với vùng thiên tai, bão lũ tại Cục QLTT tỉnh Yên Bái

Bão Yagi (cơn bão số 3) đi qua đã để lại những mất mát vô cùng to lớn cho đồng bào tại một số địa phương khu vực miền Bắc nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những trận sạt lở đất kinh hoàng vùi lấp nhiều ngôi nhà, lũ ống, lũ quét, hàng ngàn ngôi nhà trong toàn thành phố bị ngập lụt phải đi sơ tán…cơn bão số 3 đã cướp đi sinh mạng của bao người và cuốn trôi nhiều tài sản của người dân tại các địa phương, không thể kể hết được những mất mát của đồng bào các tỉnh phía Bắc và những nỗi đau mà đồng bào tỉnh Yên Bái đang phải gánh chịu.

Nhiều sản phẩm không đạt chất lượng bị yêu cầu thu hồi, tiêu hủy
Nhiều sản phẩm không đạt chất lượng bị yêu cầu thu hồi, tiêu hủy

Nhiều lô hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm gồm kem dưỡng trắng da chống nắng và kem bôi da vừa bị Cục Quản lý Dược Bộ Y tế ra thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc.

Kết luận rà soát hành chính thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam sang Mỹ
Kết luận rà soát hành chính thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam sang Mỹ

DOC vừa thông báo kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 20 thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra - basa phi lê đông lạnh của Việt Nam. 8 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có liên quan.