Nghiêm trị hành vi buôn bán thực phẩm "bẩn"
Đấu tranh ngăn chặn hành vi kinh doanh, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hết hạn sử dụng... (gọi chung là thực phẩm "bẩn") luôn là vấn đề được dư luận quan tâm, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng.
Thời gian qua, nhiều vụ kinh doanh thực phẩm "bẩn" đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, không ít đối tượng vẫn bất chấp pháp luật, đạo đức để thực hiện hoặc tiếp tay cho hành vi này.
Mới đây, Phòng 6, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã phát hiện, triệt phá một kho hàng thực phẩm đông lạnh với quy mô lớn (lên tới hơn 90 tấn hàng) không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại địa bàn huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Đây là kho hàng của Công ty TNHH An Việt có địa chỉ tại Lô 45-2 khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều sản phẩm được thị trường ưa chuộng với giá bán hàng chục triệu đồng cho một sản phẩm, như: Đùi lợn muối Tây Ban Nha, dê muối nguyên con...
Lực lượng chức năng thu giữ thực phẩm không rõ nguồn gốc tại kho hàng của Công ty TNHH An Việt. |
Tuy nhiên, các sản phẩm này đều không đủ điều kiện bán ra thị trường, bởi có xuất xứ từ nước ngoài và trong tình trạng "3 không": Không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định. Nhìn bằng mắt thường, khó phát hiện ra đây là thực phẩm "bẩn" nhưng trên tem mác cho thấy nhiều sản phẩm đã hết hạn sử dụng từ 1 đến gần 2 năm... Đại tá Bùi Đức An, Trưởng phòng 6 cho biết: "Phương thức hoạt động của các đối tượng buôn bán, kinh doanh thực phẩm "bẩn" này là nhập lậu hoặc tạm nhập tái xuất rồi tìm cách tuồn vào thị trường nội địa tiêu thụ. Đặc biệt, để tránh bị phát hiện, các đối tượng nhập hàng di chuyển vào ban đêm, thường xuyên thay đổi cung đường... Nếu không kịp thời phát hiện, xử lý, số thực phẩm "bẩn" nói trên sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng”.
Pháp luật hiện hành đã có đầy đủ chế tài đối với tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm "bẩn". Về xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ quy định rõ một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt hành chính đến 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức, cùng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 1 đến 6 tháng, đình chỉ hoạt động có thời hạn... Nếu vi phạm nghiêm trọng còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 317, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, không ít doanh nghiệp sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính vẫn tái diễn hành vi buôn bán, kinh doanh thực phẩm "bẩn". Ông Bùi Anh Hào, kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội bày tỏ: "Hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm "bẩn" phải bị coi là tội ác, bởi nó trực tiếp hủy hoại sức khỏe cộng đồng. Chúng ta cần kiên quyết đấu tranh với thực phẩm "bẩn" để có được môi trường sống an toàn hơn”.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh doanh, buôn bán thực phẩm "bẩn" vẫn khá phổ biến là do lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát và đấu tranh, xử lý còn mỏng so với yêu cầu thực tế. Cùng với đó, công tác đấu tranh, xử lý hành vi này ở một số nơi vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có biểu hiện bao che, tiêu cực. Ngoài ra, hiện nay, một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa chú trọng lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng khi sử dụng. Do đó, để có thể hạn chế, ngăn chặn thực phẩm "bẩn", cần có sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, từ cơ quan quản lý, lực lượng chức năng đến mỗi người dân.
Bài và ảnh: THU THỦY
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.