Người dân chủ động tiêm vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết
Tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, số ca mắc và ca bệnh nặng liên tục tăng. Đáng chú ý, chủng virus Den-2 hiện đang chiếm ưu thế, được giới chuyên môn cảnh báo có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn, thậm chí dẫn đến sốc sốt xuất huyết và các xuất huyết nội tạng. Đặc biệt, việc tái nhiễm sốt xuất huyết, nhất là với một chủng virus khác lần đầu mắc cũng làm tăng đáng kể nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hơn.
Số ca mắc sốt xuất ở các tỉnh phía Nam tăng nhanh
Cả nước đang bước vào mùa cao điểm dịch sốt xuất huyết, khi thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi vằn truyền bệnh phát triển. Theo báo cáo của Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), tính đến giữa tháng 7, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó khu vực miền Nam chiếm hơn 70% tổng số ca.
Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay gần đây, một số bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã bị quá tải khi tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết với hàng trăm ca rơi vào sốc do sốt xuất huyết. Nhiều bệnh nhi và người lớn nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Theo thống kê, Bệnh viện Nhi Đồng 2 ghi nhận 4 trường hợp tử vong trên tổng số gần 700 ca bệnh sốt xuất huyết. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cũng có gần 2.000 bệnh nhân nhập viện, trong đó 4 ca đã tử vong.
Chia sẻ về tình hình điều trị bệnh sốt xuất huyết, TS, BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, khoảng 20-30% bệnh nhi đến khám do sốt xuất huyết đã phải nhập viện do có dấu hiệu bệnh chuyển nặng. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 50-60 bệnh nhân nặng với nhiều ca biến chứng sốc, suy đa cơ quan khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.
![]() |
Tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết tại VNVC. |
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn nhận định: “Nếu như trước đây, bệnh chủ yếu mắc và trở nặng ở trẻ nhỏ thì hiện độ tuổi mắc có khuynh hướng chuyển sang nhóm trẻ lớn hơn từ 10-15 tuổi và người lớn, cho thấy bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết”. Bác sĩ Tuấn cảnh báo năm 2025, sốt xuất huyết có khả năng bùng phát rất cao vì rơi vào chu kỳ dịch 3-5 năm, tương tự đợt dịch lớn năm 2022 với hơn 370.000 ca mắc và 140 ca tử vong.
Đặc biệt đáng chú ý, theo các nghiên cứu giám sát dịch tễ, Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết (Den-1, Den-2, Den-3, Den-4). Tuy nhiên, hiện tuýp virus Den-2 đang chiếm ưu thế trong cộng đồng so với Den-1 trước đây. Đây là chủng có khả năng gây ra các biến chứng nghiêm trọng như sốt xuất huyết nặng và hội chứng sốc do sốt xuất huyết, đồng thời liên quan đến các đợt bùng phát dịch cao hơn. Sự thay đổi tuýp virus gây bệnh cũng tạo ra khoảng trống miễn dịch, khiến số ca sốt xuất huyết dễ tăng cao. Nguy hiểm hơn, người đã từng mắc các tuýp virus khác trước đây cũng có nguy cơ gặp biến chứng nặng khi tái nhiễm với tuýp virus Den-2.
Hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các phương pháp điều trị bệnh chủ yếu là điều trị theo triệu chứng. Một số người mắc sốt xuất huyết giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ rệt, chủ quan tự mua thuốc uống hoặc tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bệnh có thể đột ngột trở nặng ở giai đoạn giảm sốt hoặc hết sốt từ ngày thứ 3, thứ 7. Người bệnh cần đặc biệt chú ý các dấu hiệu bất thường để nhập viện kịp thời. Nếu điều trị chậm trễ, người bệnh có thể nhanh chóng rơi vào sốc, giảm tiểu cầu, thoát huyết tương, cô đặc máu khiến các cơ quan nội tạng không nhận đủ máu và oxy dẫn đến suy đa cơ quan.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có cơ địa thừa cân béo phì, người lớn tuổi, người mắc các bệnh nền mạn tính với hệ miễn dịch yếu cần theo dõi sát các triệu chứng của sốt xuất huyết để nhập viện kịp thời. Phụ nữ mang thai nhiễm sốt xuất huyết còn tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, nhất là giai đoạn chuyển dạ, nguy cơ xuất huyết nặng và gặp các biến chứng có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Mẹ mắc sốt xuất huyết chuyển dạ có thể truyền virus cho trẻ khi chào đời, khiến trẻ có nguy cơ tử vong cao.
Sốt xuất huyết gây ra 3 biến chứng nguy hiểm gồm thoát huyết tương, xuất huyết các cơ quan và suy đa cơ quan. Trong đó, virus làm tăng tính thấm thành mạch gây thoát huyết tương, giảm thể tích tuần hoàn máu dẫn đến sốc, tụt huyết áp, ngừng tim. Virus còn gây giảm tiểu cầu dẫn đến xuất huyết các cơ quan và mất máu nặng có thể tử vong. Bên cạnh đó, virus cũng tấn công vào đa các cơ quan gây suy gan, suy thận, suy tim, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp…
Người dân chủ động tiêm vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết
Việt Nam đã chính thức sử dụng vaccine sốt xuất huyết Takeda (Nhật Bản) từ tháng 9-2024. Vaccine này là thành quả nghiên cứu nhiều thập kỷ. Vaccine phòng ngừa đầy đủ 4 tuýp virus sốt xuất huyết (Den-1, Den-2, Den-3, Den-4), được chỉ định cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn. Người chưa mắc bệnh hay đã mắc bệnh đều cần tiêm để giảm nguy cơ nhiễm, tái nhiễm và biến chứng nặng. Lịch tiêm đơn giản chỉ 2 mũi cách nhau 3 tháng, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh hơn 80% và nguy cơ nhập viện hơn 90%. Vaccine này không dùng cho phụ nữ mang thai nên cần tiêm xong ít nhất 1-3 tháng trước khi có thai.
Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC lưu ý, người dân cần tiêm vaccine sốt xuất huyết sớm, không đợi cao điểm mùa dịch mới tiêm chủng. Lý do là sau tiêm, vaccine cần trung bình 2 tuần để tạo kháng thể bảo vệ. Mỗi người cần tiêm đủ 2 mũi vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối đa. Việc này giúp giảm tỷ lệ mắc sốt xuất huyết, biến chứng, tốn kém chi phí điều trị.
Bất kỳ ai cũng có khả năng mắc sốt xuất huyết, trong khi bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người có các bệnh lý mãn tính càng có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng và kéo dài sau khỏi bệnh. Tình hình sốt xuất huyết gia tăng đang gây áp lực lớn cho ngành y tế.
Bác sĩ Chính cũng lưu ý, khi sốt liên tục từ hai ngày trở lên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt như aspirin hoặc tự truyền dịch vì có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Bệnh nhân cần được bác sĩ thăm khám để phân loại mức độ bệnh và chỉ định điều trị phù hợp. Cần nhập viện ngay khi có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như li bì, mệt mỏi, nôn ói và đau bụng nhiều, chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu không liên quan kỳ kinh nguyệt…
Bên cạnh tiêm vaccine sốt xuất huyết từ sớm, người dân nên tiếp tục chủ động diệt muỗi, bọ gậy và phòng, chống muỗi đốt bằng cách dùng bình xịt, các dụng cụ diệt muỗi; loại bỏ các dụng cụ chứa nước thải, nước đọng, nuôi cá trong bể nước để diệt bọ gậy; mặc quần áo dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày…
PHONG LAN
Tin mới
Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới (Thông báo số 81-TB/TW ngày 18-7-2025). Sau đây là toàn văn Thông báo số 81-TB/TW.
Bão Wipha vào Biển Đông: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khả năng có mưa lớn diện rộng
Bão Wipha đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 3. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 21 đến 24-7, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khả năng có đợt mưa lớn diện rộng.
13 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão số 3
Ngày 19-7, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành văn bản số 780/ĐĐ-QLĐĐ gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ (gồm Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão số 3.
EVN yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó bão số 3 (WIPHA)
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa ban hành Công điện số 4665/CĐ-EVN gửi các đơn vị thành viên, yêu cầu khẩn trương triển khai việc ứng phó với bão số 3 (WIPHA).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định giao Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Ngày 19-7, thực hiện Công văn số 16105-CV/VPTW ngày 17-7-2025 của Bộ Chính trị về công tác nhân sự, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1559/QĐ-TTg ngày 17-7-2025 về việc điều động đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Thanh tra Thường trực Thanh tra Chính phủ, về công tác tại Bộ Nông nghiệp và Môi trường và giao Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Quản lý thị trường thành phố Hà Nội: Đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025
Từ đầu năm 2025, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch công tác, đặc biệt chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.