Người lớn mắc sởi có nguy hiểm không?
Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, nên khả năng lây lan nhanh và nguy cơ biến chứng cao nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Người lớn có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai và người chưa có miễn dịch nguy cơ mắc sởi cao và gặp các biến chứng nặng như: Viêm phổi, tiêu chảy cấp, viêm loét giác mạc… Vậy bệnh sởi ở người lớn có nguy hiểm không, cách điều trị như thế nào?
Bệnh sởi ở người lớn nguy hiểm
Bệnh sởi có khả năng lây lan nhanh chóng, do virus dễ lây qua đường tiếp xúc thông thường. Khác với trẻ nhỏ, bệnh sởi ở người lớn sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm não, liệt, động kinh... Tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân bị biến chứng là khá cao, lên tới 15%.
Cụ thể, người có bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), suy thận, ung thư… dễ bị sởi tấn công và gây bội nhiễm, dẫn đến biến chứng nặng.
Nghiên cứu trên 294 người lớn mắc sởi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh từ tháng 10-2018 đến tháng 5-2020 cho thấy, bệnh nhân sởi kèm bệnh mạn tính như: Gan, đái tháo đường, hen phế quản, tim mạch… có tỷ lệ biến chứng viêm phổi cao hơn so với nhóm không có bệnh nền.
Bởi virus sởi gây phá hủy trí nhớ miễn dịch sau nhiều năm, khiến người bệnh sau khi mắc sởi dễ nhiễm thêm các mầm bệnh khác như phế cầu, lao, ho gà, cúm… Việc kiểm soát bệnh nền gặp nhiều khó khăn, tăng nguy cơ biến chứng và tử vong.
![]() |
Tiêm vaccine phòng sởi tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. |
Còn đối với phụ nữ mang thai, thai phụ có hệ miễn dịch yếu, nếu chưa có miễn dịch với sởi có nguy cơ cao nhiễm bệnh nếu tiếp xúc nguồn lây, với khả năng lây hơn 90%. Bệnh sởi có thể gây biến chứng sản khoa như sảy thai, sinh non, thai chết lưu...
Một nghiên cứu trên 28 thai phụ mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh năm 2018 - 2020 cho thấy, tỷ lệ biến chứng viêm phổi và biến cố thai kỳ ở phụ nữ mang thai mắc sởi lần lượt lên đến 17,9% và 32,1%.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, thai phụ nhiễm sởi có nhịp tim và thân nhiệt đều tăng cao, đến 39 - 40 độ C, khiến tim thai phải làm việc quá sức. Tình trạng này tăng nguy cơ tử vong cho mẹ, thai lưu, sảy thai, chuyển dạ sinh non. Nếu mẹ mắc sởi vào cuối thai kỳ, trẻ sinh ra có nguy cơ nhiễm sởi tiên phát, viêm não xơ cứng bán cấp dẫn tới tử vong...
Theo bác sĩ Chính, bệnh sởi có tính chất lây nhiễm hàng đầu và dễ lây thành dịch. Trung bình một người mắc sởi có thể lây cho 12 - 18 người khác.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội), số ca mắc sởi từ cuối năm 2024 đến nay tăng nhanh, 35% gặp biến chứng như tổn thương gan, viêm giác mạc, nhìn mờ, viêm phổi, viêm não. Gần đây nhất, bệnh viện tiếp nhận người đàn ông 50 tuổi gặp biến chứng viêm não do sởi dẫn đến lơ mơ, nguy kịch. Bệnh nhân bị lây bệnh khi chăm sóc con, bị sốt, mệt, ho nhưng không nghĩ người lớn mắc sởi, nên ban đầu chỉ chữa viêm họng cấp.
Các chuyên gia y tế cho biết, do quan niệm bệnh sởi chỉ có thể xuất hiện ở trẻ em, người lớn thường chủ quan khi mắc bệnh sởi, không có những biện pháp cách ly, các chế độ chăm sóc dinh dưỡng cũng như vệ sinh tốt. Đây là nguyên nhân khiến bệnh dễ dàng lây lan trong cộng đồng và có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề.
Cách phòng bệnh sởi hiệu quả
Những ngày gần đây, số ca mắc sởi vẫn tiếp tục gia tăng, trong đó đã ghi nhận trường hợp biến chứng nặng và tử vong. Hiện, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh hiệu quả.
Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, người lớn có thể tiêm phòng bằng các loại vaccine như: Vaccine sởi đơn giá (MVVAC - Việt Nam) hoặc vaccine phối hợp sởi - quai bị - rubella (Priorix - Bỉ và MMR II - Mỹ). Lịch tiêm gồm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng. Tiêm đầy đủ hai mũi vaccine có hiệu quả phòng bệnh lên đến 98%.
Phụ nữ nên tiêm vaccine ngừa sởi trước khi mang thai 3 tháng, tốt nhất là 3 tháng, tối thiểu là một tháng tùy từng loại vaccine, để cơ thể có đủ thời gian sinh ra kháng thể phòng bệnh, không ảnh hưởng đến thai nhi. Vaccine còn giúp mẹ truyền kháng thể thụ động sang thai nhi, bảo vệ bé trong những tháng đầu tiên sau khi chào đời, khi chưa đủ tuổi chủ động tiêm ngừa vaccine sởi.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có thể bùng phát thành dịch. Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc khi tiếp xúc với các nguồn chứa mầm bệnh như dịch tiết người bệnh, mặt bàn, vòi nước, tay nắm cửa chứa virus...
Người mắc sởi dễ gặp các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy cấp, viêm loét giác mạc, có thể dẫn đến mù lòa, suy dinh dưỡng. Mẹ bầu mắc sởi có thể đe dọa tính mạng, khiến thai chết lưu, sinh non, sinh nhẹ cân.
Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh; chủ động tiêm vaccine phòng bệnh sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tuổi.
Cùng với đó, áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là khi chăm sóc trẻ, giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, uống đầy đủ nước mỗi ngày, bổ sung các loại thực phẩm có nhiều vitamin A.
Bài, ảnh: MINH TRANG
Tin mới
Cảnh giác với các hội, nhóm tuyên truyền, sử dụng, mua bán trang phục lính ngụy trên không gian mạng
Thời gian qua, nhiều bài viết, hình ảnh được đăng tải trên các hội, nhóm, trang mạng xã hội của một số người sử dụng, mua bán trang phục lính ngụy gây khó chịu, phản cảm cho người đọc, người nhìn và bức xúc trong dư luận.
Vụ ngộ độc rượu: 1 người tử vong, 5 người được cứu
Liên quan đến vụ ngộ độc rượu khiến 6 người nhập viện cấp cứu, chiều 1-4, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh thông tin, nạn nhân P.N.Q.K. (25 tuổi, ở tỉnh Tiền Giang) đã tử vong.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Nhà vua Vương quốc Bỉ
Ngày 1-4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe đang thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.
Trình Chính phủ văn bản tinh gọn bộ máy trước ngày 6-4
Ngày 1-4, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật đã họp phiên thứ 5, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Lê Thành Long, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Thúc đẩy hợp tác khoa học, nghiên cứu và đào tạo giữa Việt Nam và Bỉ
Ngày 1-4, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhà Vua và Hoàng hậu Vương quốc Bỉ, đoàn Bộ trưởng - Thủ hiến Bỉ cùng lãnh đạo các đại học, cơ quan nghiên cứu đã có chuyến thăm Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).
Động đất tại Myanmar: “Phép màu” sau 91 giờ bị vùi lấp dưới đống đổ nát
Lực lượng cứu hộ tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar đã giải cứu thành công một phụ nữ 63 tuổi vào sáng 1-4, sau 91 giờ bị chôn vùi dưới đống đổ nát.