• Click để copy

Nguy cơ bất ổn chính trị đe dọa các ngành công nghiệp chủ chốt của Đức

Theo Reuters, bất ổn chính trị trong nước sẽ là mối đe dọa lớn với các ngành công nghiệp chủ chốt của Đức, khi nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái và tình hình thế giới diễn biến phức tạp.

Liên minh cầm quyền “đèn giao thông” của Đức đã chính thức sụp đổ khiến Berlin có khả năng rơi vào tình trạng bế tắc chính trị kéo dài trong nhiều tháng. 3 đảng trong liên minh cầm quyền “đèn giao thông” gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và Đảng Xanh đã tranh cãi nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan đến những đề xuất cải cách kinh tế. Đỉnh điểm của những tranh cãi này dẫn đến việc Thủ tướng Olaf Scholz sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner của FDP, khiến đảng này rút khỏi liên minh 3 đảng và đánh dấu sự chấm dứt của liên minh cầm quyền “đèn giao thông” tồn tại từ năm 2021.

Từ nay cho đến khi Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, Thủ tướng Scholz sẽ không còn sự ủng hộ thường trực của đa số trong Quốc hội. Do đó, ông hiện là thủ tướng của một chính phủ thiểu số. Điều này có nghĩa là để có được đa số phiếu cho các dự án lập pháp riêng lẻ vẫn đang chờ xử lý tại Quốc hội vào cuối tháng 12 năm nay, Chính phủ liên minh thiểu số hiện nay của Thủ tướng Scholz sẽ cần sự ủng hộ của phe đối lập-Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU).

Nguy cơ bất ổn chính trị đe dọa các ngành công nghiệp chủ chốt của Đức
 Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên phải) tham dự một cuộc họp tại Quốc hội liên bang ngày 7-11. Ảnh: Reuters 

Trong cuộc họp báo tối 6-11 vừa qua, Thủ tướng Scholz đã đề cập đến một loạt biện pháp cải cách dự kiến sẽ được phê duyệt vào tháng 12 về những vấn đề nóng như lương hưu và nhập cư. Tuy nhiên, Reuters cho rằng, những biện pháp cải cách này sẽ khó có thể được thông qua, bởi hiện nay Thủ tướng đã không còn sự ủng hộ thường trực của đa số trong Quốc hội và đang đứng trước yêu cầu triệu tập một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và bầu cử sớm của phe đối lập.

Sau khi liên minh “đèn giao thông” tan rã, Thủ tướng Scholz muốn Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ vào ngày 15-1-2025, mở đường cho cuộc bầu cử tại nước này có thể diễn ra chậm nhất là vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, lãnh đạo phe đối lập Friedrich Merz, người đứng đầu CDU đã kêu gọi Chính phủ Đức tổ chức cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào tuần tới, thay vì vào năm sau. Ông Merz lập luận việc chờ đến tháng 1-2025 để bỏ phiếu tín nhiệm như đề xuất là quá muộn, đồng thời cảnh báo rằng Đức không thể để tình trạng bất ổn kéo dài trong khi phải đối mặt với suy thoái kinh tế, cơ sở hạ tầng đang xuống cấp và quân đội chưa sẵn sàng cho những thách thức hiện tại. Ông Merz cho rằng, cần tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm muộn nhất là vào đầu tuần tới với mục tiêu tổ chức bầu cử vào nửa cuối tháng 1-2025.

Trong khi đó, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ CSU Alexander Dobrindt cũng cho rằng, đợi đến tháng 1-2025 mới bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ và đến mùa xuân mới tổ chức bầu cử là thể hiện "sự thiếu tôn trọng cử tri".

Nhận định về vấn đề này, nhà khoa học chính trị người Đức Jana Puglierin cho biết, Đức có thể rơi vào tình trạng bế tắc chính trị trong vòng 6-7 tháng. Theo bà Puglierin, thời gian cần thiết để Đức có một chính phủ hoạt động đầy đủ sau khi Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner của FDP bị sa thải khỏi liên minh cầm quyền phải mất nửa năm. Xem xét đến nghi thức cần thiết thông thường để thành lập một chính phủ mới thông qua bầu cử, bà Puglierin dự đoán Đức có thể không có sự lãnh đạo hiệu quả cho đến giữa năm sau.

Xáo trộn chính trị tại Đức xảy ra vào thời điểm đặc biệt, khi Berlin có thể phải đối mặt với những căng thẳng thương mại với Washington sau chiến thắng của ông Donald Trump tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Theo Reuters, sự trở lại của ông D.Trump làm dấy lên mối lo ngại về mức thuế quan mà ông dự kiến sẽ áp với các sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu và Trung Quốc. Nếu ông D.Trump thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử và áp mức thuế 20% đối với các nhà sản xuất châu Âu, nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đức dự kiến sẽ giảm 1,5% trong năm 2027 và 2028. Nhà kinh tế học Robin Winkler của Deutsche Bank cho rằng, đây sẽ là viễn cảnh “bất ổn nhân đôi” khi mà bất ổn về chính trị đi kèm với những khó khăn về kinh tế. Điều này sẽ là mối đe dọa lớn với các ngành công nghiệp ô tô, ngân hàng, năng lượng của Đức.

GIA HUY

Bài liên quan

Tin mới

Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan

Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.

Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.

Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam

Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.

Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình

Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.