• Click để copy

Nỗ lực cứu đói toàn cầu bị đình trệ vì mất viện trợ

Trong bài viết đăng tải ngày 7-2, Reuters nhận định hệ thống toàn cầu trong ngăn ngừa và ứng phó với nạn đói đang bị tê liệt, xuất phát từ việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump nỗ lực cắt giảm và định hình lại viện trợ nước ngoài của Mỹ.

Reuters cho rằng, hệ thống cứu trợ và giám sát nạn đói quốc tế đã phải chịu nhiều đòn giáng ngay cả trước khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, trong bối cảnh phải vật lộn để quản lý cuộc khủng hoảng nạn đói đang lan rộng khắp thế giới. Các chuyên gia nhấn mạnh việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết định cắt giảm viện trợ nước ngoài đang làm tê liệt nỗ lực toàn cầu trong việc ngăn ngừa và ứng phó với nạn đói trên thế giới.

Thêm vào đó, Reuters ngày 6-2 trích dẫn các nguồn tin cho biết, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã lên kế hoạch giữ lại chưa đến 300 nhân viên tại Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID)-cơ quan chính của Mỹ về cung cấp viện trợ nhân đạo nước ngoài, trong tổng số hơn 10.000 nhân viên của cơ quan này trên toàn cầu. Cụ thể, các nguồn tin cho biết chỉ có 294 nhân viên của USAID được giữ nguyên công việc, trong đó văn phòng ở châu Phi chỉ có 12 người và văn phòng ở châu Á có 8 người. Tờ The Indian Express cho rằng kế hoạch cắt giảm nhân sự nói trên đang đe dọa các chương trình nhân đạo quan trọng trên toàn thế giới và có thể khiến cuộc sống của cả nhân viên USAID lẫn những người nhận viện trợ bị đảo lộn.

Nỗ lực cứu đói toàn cầu bị đình trệ vì mất viện trợ
Một tình nguyện viên phân phát thực phẩm cho người dân ở Omdurman, Sudan, tháng 9-2023. Ảnh: Reuters 

Điều đáng nói là đến nay, Mỹ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất cho các nỗ lực cứu đói trên toàn thế giới. Ước tính chỉ trong vòng 5 năm qua, Mỹ đã cung cấp 64,6 tỷ USD viện trợ nhân đạo. Con số này chiếm ít nhất 38% trong tổng số đóng góp được Liên hợp quốc ghi nhận.

Theo Marcia Wong, cựu quan chức cấp cao của USAID, hiện có khoảng 500.000 tấn thực phẩm trị giá 340 triệu USD đang bị giữ lại vì các tổ chức nhân đạo phải chờ Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận để phân phối. Khoản viện trợ bằng tiền mặt của Mỹ nhằm giúp người dân ở Sudan và dải Gaza mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm cũng đã bị dừng lại. Tương tự, việc tài trợ cho các bếp ăn cộng đồng do các tình nguyện viên điều hành nhằm cung cấp thực phẩm cho người dân ở những khu vực không thể tiếp cận được với viện trợ truyền thống, cũng chịu chung cảnh ngộ. Ngoài ra, hiện Mỹ đã ban hành lệnh ngừng hoạt động với hai nhà sản xuất thực phẩm bổ sung dinh dưỡng lớn, làm giảm nguồn cung cấp thực phẩm vốn dùng để cứu sống các trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng trên toàn thế giới.

Đáng chú ý, trong số viện trợ lương thực đang bị bỏ ngỏ trên toàn thế giới có gần 30.000 tấn dành cho trẻ em và người lớn bị suy dinh dưỡng cấp tính ở Sudan, nơi đang bị nạn đói hoành hành, và số lương thực này có nguy cơ bị hư hỏng trước khi được phân phát đến tay người cần.

Trong khi đó, Mạng lưới hệ thống cảnh báo sớm nạn đói (FEWS NET), một tổ chức của Mỹ thường xuyên đưa ra cảnh báo an ninh lương thực nhằm ngăn ngừa nạn đói, đã bị đóng cửa. Việc mất mạng lưới này khiến các tổ chức cứu trợ không còn nguồn hướng dẫn quan trọng về địa điểm và cách triển khai cứu trợ nhân đạo.

Báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực năm 2024 cho thấy, trong năm 2023, gần 282 triệu người ở 59 quốc gia và vùng lãnh thổ đã phải trải qua tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng hoặc sinh kế của họ. Ngay cả trước khi Mỹ tạm dừng viện trợ, hệ thống chống nạn đói của thế giới đã chịu sức ép rất lớn do xung đột và bất ổn chính trị.

ANH VŨ

Bài liên quan

Tin mới

Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin

Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.

Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện

Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.

Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?

Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.

TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng

Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.

Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao

Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.

Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B

Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.