• Click để copy

Oman - nhân tố đặc biệt ở vùng Vịnh

Thời gian qua, vai trò của các quốc gia thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) trở nên nổi bật do cân bằng thành công mối quan hệ với các cường quốc toàn cầu. Trong đó, Oman nổi lên như một nhân tố đặc biệt nhờ tận dụng hiệu quả chính sách trung lập truyền thống trong một khu vực bất ổn.

Theo The New York Times, Washington dựa vào Muscat như một kênh hậu thuẫn quan trọng cho các cuộc đàm phán gián tiếp với Tehran, trong bối cảnh khu vực Trung Đông chứng kiến nhiều bất ổn. Sự trung lập của quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này là dấu ấn trong chính sách đối ngoại suốt 50 năm trị vì của Quốc vương Qaboos bin Said Al Said, hiện tiếp tục được Quốc vương Haitham bin Tariq Al Said duy trì. Bất chấp thực tế Oman là đối tác quốc phòng truyền thống của cả Mỹ và Anh, chính sách đối ngoại độc lập giúp nước này duy trì tốt quan hệ với Iran cũng như với các quốc gia khác, trong đó có cả một số đối thủ “đáng gờm” của Washington và London.

Có thể kể đến cuộc diễn tập chung cứu hộ trên biển Ấn Độ Dương và eo biển Hormuz giữa Iran và Oman hồi đầu tháng 10. Qua đó khẳng định vai trò của Oman trong duy trì an ninh khu vực, đặc biệt là tại eo biển Hormuz, nơi 20% lưu lượng dầu mỏ thế giới đi qua. Diễn tập cũng là cơ hội để Muscat tỏ rõ quyết tâm sẵn sàng vun đắp quan hệ sâu sắc hơn với Tehran.

Chính sách trung lập cũng giúp Oman không bị cuốn vào vòng xoáy xung đột khu vực như tại Yemen và Syria, khiến nước này trở thành đối tác hấp dẫn, điểm đến đầy hứa hẹn với thương mại Nga. Hồi đầu tháng 10, người đứng đầu Hội đồng Shura của Oman Khalid Al Maawali có chuyến thăm 3 ngày tới Moscow, nơi ông gặp gỡ các quan chức cấp cao và giới đầu tư Nga. Chuyến thăm diễn ra sau khi Oman tham gia Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Petersburg năm 2024, nơi cả hai bên nhất trí tăng cường hợp tác hậu cần và an ninh lương thực.

Oman - nhân tố đặc biệt ở vùng Vịnh
Quốc vương Oman Haitham bin Tariq Al Said (bên trái) và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Tehran (Iran), ngày 28-5-2023. Ảnh: AP 

Thương mại song phương Nga-Oman tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây, từ 84 triệu USD năm 2014 lên 400 triệu USD năm 2023, với giao dịch thương mại tăng 60% chỉ trong giai đoạn 2022-2023. Cảng Sohar của Oman trở thành nơi trung chuyển tái xuất dầu của Nga sang Đông Phi. Ở chiều ngược lại, đầu tư của Oman cũng bắt đầu khơi thông dòng chảy sang Nga. Năm 2022, quỹ đầu tư Southern Sea thuộc sở hữu nhà nước Oman mua lại cổ phần của Demetra-Holding, một trong những công ty xuất khẩu lúa mì lớn nhất Nga.

Việc Nga chuyển trọng tâm sang Oman diễn ra vào thời điểm Washington gây sức ép buộc các đồng minh vùng Vịnh khác phải tránh xa Moscow. Một ví dụ là Washington đã tăng áp lực kiểm soát các công ty và ngân hàng Nga hoạt động tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hoặc có liên kết với các công ty của UAE. Trong khi đó, áp lực từ chi phí sinh hoạt tăng cao ở Dubai đẩy các doanh nghiệp Nga hướng đến Oman như một giải pháp thay thế.

Dĩ nhiên, quan hệ đối tác Nga-Oman khiến Mỹ và các đối tác phương Tây cảm thấy “khó ở”, song vai trò quan trọng của Muscat đối với an ninh năng lượng và an ninh khu vực mới là điều sống còn. Theo quan điểm của Washington, sự trung lập của Oman đem lại lợi ích ròng, giúp Washington quyền tiếp cận các cảng và căn cứ không quân của Oman để bảo vệ các tuyến đường vận chuyển và thể hiện sức mạnh quân sự Mỹ tại Trung Đông. Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng với Iran, sự hợp tác của Oman là vô cùng quan trọng giúp bảo đảm việc vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz, nhờ đó duy trì an ninh năng lượng toàn cầu.

Ngoài vai trò quan trọng trong chính sách an ninh khu vực của Washington, Muscat còn cung cấp cho Mỹ một kênh ngoại giao hiệu quả. Dưới thời cầm quyền của Tổng thống Barack Obama, Washington bắt đầu dựa nhiều hơn vào năng lực trung gian của Oman trong cuộc xung đột ở Yemen, cũng như trong các cuộc đàm phán ký kết thỏa thuận hạt nhân đa phương với Iran vào năm 2015. Ngay cả khi quan hệ Mỹ-Iran tan vỡ năm 2018 sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, rồi khủng hoảng quan hệ đôi bên được bồi thêm bởi tranh cãi xoay quanh vụ sát hại tướng Iran Qasem Soleimani năm 2020, Oman vẫn là kênh ngoại giao kín tiếng giúp kết nối Washington với Tehran khi cần kíp.

Không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của nhiều quốc gia vùng Vịnh trong kiềm tỏa căng thẳng khu vực, như nỗ lực trung gian của Qatar, Ai Cập trong các cuộc đàm phán trao trả con tin và lệnh ngừng bắn ở Gaza. Tuy nhiên, vai trò của Oman cũng khá đặc biệt, đó là tạo điều kiện mở ra các cuộc đối thoại giữa các địch thủ “không đội trời chung”, một động thái được thực hiện nhờ chính sách trung lập tuyệt đối của quốc gia nhỏ bé này.

HÀ PHƯƠNG

Bài liên quan

Tin mới

Quân sự thế giới hôm nay (7-4): Nga tăng cường sản xuất pháo hiện đại
Quân sự thế giới hôm nay (7-4): Nga tăng cường sản xuất pháo hiện đại

Quân sự thế giới hôm nay (7-4) có những nội dung sau: Nga tăng cường sản xuất pháo hiện đại; Tàu ngầm HMCS Corner Brook sẵn sàng triển khai ở Ấn Độ Dương; Trung Quốc thử nghiệm tên lửa siêu thanh phóng từ trên không mới.

Giá xăng dầu hôm nay (7-4): “Trượt dốc không phanh”
Giá xăng dầu hôm nay (7-4): “Trượt dốc không phanh”

Giá xăng dầu thế giới tiếp tục “lao dốc không phanh”. Giá xăng dầu trong nước nhiều khả năng cũng sẽ giảm.

Giá vàng hôm nay (7-4): Giảm mạnh
Giá vàng hôm nay (7-4): Giảm mạnh

Giá vàng hôm nay (7-4): Mặc dù giá vàng có nguy cơ giảm trong ngắn hạn, nhưng các chuyên gia cho rằng, xu hướng trung hạn của vàng vẫn còn nguyên.

Tỷ giá USD hôm nay (7-4): Đồng USD sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá
Tỷ giá USD hôm nay (7-4): Đồng USD sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá

Tỷ giá USD hôm nay: Rạng sáng 7-4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD hiện ở mức 24.886 đồng.

Thời tiết hôm nay (7-4): Miền Bắc có mưa rào và rải rác có dông
Thời tiết hôm nay (7-4): Miền Bắc có mưa rào và rải rác có dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 7-4, miền Bắc có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ mưa to với lượng mưa 15-30mm. Miền Đông Nam Bộ có nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp, nguy cơ hỏa hoạn và sốc nhiệt.

Tin thể thao (7-4): Lịch thi đấu chung kết bóng chuyền Cúp Hùng Vương 2025, tuyển thủ Việt Nam chấn thương nặng
Tin thể thao (7-4): Lịch thi đấu chung kết bóng chuyền Cúp Hùng Vương 2025, tuyển thủ Việt Nam chấn thương nặng

Cập nhật tin thể thao ngày 7-4 với tâm điểm lịch thi đấu chung kết bóng chuyền Cúp Hùng Vương 2025, tuyển thủ Việt Nam chấn thương nặng.