Phạm Phú Bằng - một tấm gương lớn Bộ đội Cụ Hồ làm báo
Trái tim của nhà báo Phạm Phú Bằng đã ngừng đập sau 95 mùa xuân cuộc đời, 79 năm cầm súng và cầm bút.
Giờ này đây, khi tiễn biệt ông, trong tâm tưởng chúng tôi hiện ra hình ảnh một cánh chim bằng mong mỏi của dòng họ các vị quan đầu triều Phạm Phú Thứ, Phạm Phú Tiết giàu lòng yêu nước thương nòi đã bay lên cùng bão táp cách mạng và chiến tranh, hòa bình và đổi mới, dựng xây. Ông là hiện thân tự nhiên và tự giác của sự tất yếu và kỳ diệu cách mạng đã nâng bước, nâng tầm con người Việt Nam thành những công dân, chiến sĩ thế hệ Hồ Chí Minh làm chủ vận mệnh dân tộc. Riêng sự nghiệp làm báo 74 năm gắn bó với Báo Quân đội nhân dân (QĐND) của ông trong cõi lòng những người cùng thời và cả những lớp hậu sinh chúng tôi, rồi sau chúng tôi nữa, cùng đông đảo đồng nghiệp làng báo và nhân dân, bạn đọc các lứa tuổi, ông thực sự là một tấm gương lớn của Bộ đội Cụ Hồ làm báo. Vâng, tờ báo của Bộ đội Cụ Hồ phải có những Bộ đội Cụ Hồ cầm bút và ông đã cùng đồng đội làm cho tờ báo xứng đáng với tên gọi tờ báo do Bác Hồ đặt tên.
Máu và chữ ở chiến hào
Năm 2000, phát biểu tại lễ đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân của Báo QĐND, tổ chức tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), nhà báo Phạm Phú Bằng thổn thức: “Lúc này, cảm xúc đầu tiên của tôi về tờ báo anh hùng của chúng ta chính là những mất mát, hy sinh của biết bao cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta, trong đó có những liệt sĩ của Báo QĐND. Tấm gương của họ mãi mãi thôi thúc chúng ta”. Nghe lời ông, chúng tôi thầm thì nói với nhau: “Và chính ông nữa, người làm báo bao phen có mặt ở các chiến hào, thực sự vào sinh ra tử”.
“Phú Bằng còn sống à”, “Phú Bằng đã về!”... Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, những tiếng reo của đồng đội cứ luôn vang lên như thế sau mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch. “Tùy quân ký giả” được ghi trong tờ giới thiệu của cấp trên, phóng viên Phạm Phú Bằng đã xông vào trận đánh ác liệt trên núi Cánh Diều-Non Nước (Ninh Bình). Tại đây, dù bị thương nhẹ song ông đã cùng một đơn vị nhỏ của ta chiến đấu kiên cường giữ vững trận địa trước sự áp đảo về binh lực, hỏa lực của quân Pháp. Khi được lệnh rút lui, ông đã cùng anh em hoàn thành công tác thương binh liệt sĩ và khôn khéo thoát khỏi vòng vây. Sau trận đánh này, ông được cấp trên tặng thưởng huân chương đầu tiên trong đời bộ đội.
Đến thẳng những nơi đang vang tiếng súng là phương châm của các phóng viên ngay từ những ngày tháng đầu tiên Báo QĐND ra đời, mà Phạm Phú Bằng là một trong những người tiêu biểu. Ông liên tục đi cùng bộ đội trong các chiến dịch: Hà Nam Ninh, Trần Hưng Đạo, Đường số 18, rồi các chiến dịch: Tây Bắc, Thượng Lào... Tại Chiến dịch Thượng Lào, phóng viên Phạm Phú Bằng đã thực hiện cuộc hành quân bộ vừa đi vừa chạy cùng Đại đoàn 308 trong hàng chục ngày liên tục. Tất cả đều đói lả, kiệt sức. Đúng lúc đồng đội tưởng ông sẽ chết thì được anh em bộ đội và người dân Lào kịp thời cho bát cháo và bát thuốc cấp cứu.
“Sống đi chết lại” thực sự là trạng thái mà ông đã trải qua trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ông bị thương nặng sau một trận chiến không cân sức giữa Sài Gòn. Đồng đội đi chôn cất những người hy sinh đã phát hiện ông còn thoi thóp thở... Vết thương rất nặng ấy còn để lại những di chứng suốt cuộc đời. Sau này, cứ mỗi khi tái phát, phải nằm phòng điều trị đặc biệt, anh em chúng tôi lại trào nước mắt thương và lo. Vậy mà những điều kỳ diệu lại đến.
Đợt công tác dài không kỳ hạn của ông vào chiến trường Nam Bộ với nhiệm vụ làm nòng cốt xây dựng Báo Quân Giải phóng đã tạm kết thúc, ông nằm trên cáng thương về hậu tuyến ra Bắc điều trị. Rồi chỉ ít năm sau, vào mùa xuân năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, ông lại có mặt ở chiến trường. Lần này là trong vai trò sĩ quan thuộc đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong phái đoàn liên hợp quân sự bốn bên đóng tại Trại Davis ở khu vực sân bay Tây Sơn Nhất, Sài Gòn. Sau thời gian làm việc tại đây, khi các phóng viên khác kết thúc nhiệm vụ trở ra Hà Nội thì Phạm Phú Bằng được giao ở lại làm nhiệm vụ thực hiện những phần việc thanh sát, giải quyết các trường hợp tử sĩ và lập mộ cho anh em. Thiếu tá Phạm Phú Bình-lúc này ông mang tên Bình-“sĩ quan mồ mả” là biệt hiệu mà sĩ quan các bên gọi ông. Làm nhiệm vụ gì thì cũng kèm theo nhiệm vụ viết báo. Trong các anh em phóng viên ta, không ai viết nhiều, viết sâu như ông. Bút ký “Vòng quanh Sài Gòn” đăng nhiều kỳ trên Báo QĐND thời gian này là tác phẩm xuất sắc tiêu biểu. Vì sao giữa lòng Sài Gòn bốn bề là quân địch, đi đâu cũng bị chúng bám sát, ngăn trở mà ông có được nhiều tư liệu sống thế? Mà cách viết của ông lại đặc lối hành văn Sài Gòn? Nhiều bí quyết nghề nghiệp lắm. Sau này, ông kể với chúng tôi, chính sĩ quan, binh lính Mỹ và Sài Gòn là nguồn tư liệu. Chính trong 1-2 phút xe dừng lại giữa đường phố là cơ hội để hỏi chuyện người dân...
Cách lấy tài liệu, cách viết và phong cách chân thực mà sáng tạo, đa dạng đã hình thành nên cây bút nhiệt huyết và đặc sắc Phạm Phú Bằng từ những ngày ông lăn lộn bám sát các chiến hào Điện Biên Phủ. Ông kê gối, ba lô trên đường hành quân hay tựa lưng vào vách hầm Sở chỉ huy Mường Phăng ở chiến hào trận địa mà viết. Ông tập trung nghe, quan sát, thực hiện nhiệm vụ của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy để viết đúng, viết trúng, viết nhanh. Tờ báo in ra, ông ôm xấp báo nóng hổi băng núi rừng ra thẳng trận địa. Ông căng tờ báo bên vách hào, đọc báo và kể chuyện cho bộ đội, rồi nghe họ kể. Những bài báo có tiếng lòng của lãnh đạo, chỉ huy, của chiến sĩ ra đời từ đó. Tác phẩm xuất sắc đáng nhớ nhất của ông là bài báo “Đêm nay Bác không ngủ”. Tờ báo QĐND xuất bản ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ có sức cổ động kịp thời, tại chỗ được sự cuốn hút rất riêng, rất hiện đại, thiết thực của nhóm nhỏ phóng viên tinh nhuệ, trong đó có Phạm Phú Bằng. Cho đến tận ngày nay, các thế hệ những người làm báo trẻ lần giở từng trang vẫn háo hức, say mê...
Thiếu tướng, Tổng biên tập Đoàn Xuân Bộ cùng các đồng chí trong Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân thăm đồng chí Phạm Phú Bằng nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6-2023. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Khi viết những dòng này, tôi vẫn không nguôi nỗi tiếc nuối đối với các anh chị em lớp sau khi không thể có được hồ sơ đầy đủ về thành tích, chiến công của ông để đề đạt nguyện vọng phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho ông. Nhưng dẫu sao phẩm chất anh hùng trong ông đã và sẽ mãi là niềm tự hào, nguồn động viên lớn lao với lớp lớp người làm báo Báo QĐND.
Tầm nhìn và sự nhạy bén
Trưa, chiều 30-4-1975, mấy phóng viên trẻ chúng tôi có mặt ở dinh Độc Lập, Sài Gòn thì ngay sau đó, nhà báo Phạm Phú Bằng cũng vào kịp. Giữa lúc thành phố hân hoan náo nức thì ông cùng nhóm phóng viên đi miền Tây Nam Bộ, để rồi chính ông, quân hàm Thiếu tá trên ve áo, đứng ra tiếp nhận sự đầu hàng của viên sĩ quan thuyền trưởng cùng binh lính một chiến hạm địch ngay trên Quân cảng Cà Mau.
Bản lĩnh, tầm nhìn và sự nhạy bén đã giúp nhà báo Phạm Phú Bằng nhận định và quyết định kịp thời, chính xác trong hoạt động làm báo.
Các năm 1978, 1979, khi số đông phóng viên tỏa đi các hướng biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và đất bạn Campuchia thì không ai biết ông đi mũi nào. Đột nhiên, bài báo “Một mùa xuân ấm” của ông về đất nước Angkor và Quân tình nguyện Việt Nam xuất hiện trên trang nhất Báo QĐND Tết Kỷ Mùi 1979. Rồi vệt bài nhiều kỳ “Cam-pu-chia - sự phản bội” của ông ra mắt. Một tác phẩm báo chí kỹ càng nhiều lớp sự kiện cho thấy cái nhìn tinh tường và sự chuẩn bị dày công, cẩn thận của ông. Khi chiến sự biên giới phía Bắc vừa diễn ra, tôi đang ở Lạng Sơn thì ông xuất hiện. Ông bảo phải tìm gặp tôi vì ông vừa phát hiện một hướng tiếp cận, hơi vòng nhưng nhanh nhất và gần nhất với tiền duyên mặt trận. Theo hướng dẫn của ông, tôi đến được và viết bài thành công. Còn ông, lại một lần nữa những bài báo đầy cảm nhận sâu xa, thuyết phục bắt đầu từ đường ray tàu hỏa liên vận Việt-Trung bị gỉ sét, cỏ mọc um tùm và những vết đạn, những ngôi nhà sàn, nhà công sở đổ nát. Ông từng học Khoa Báo chí của Đại học Bắc Kinh, từng dành dụm tiền sinh hoạt để đến được với nhiều vùng trên đất Trung Hoa mênh mông. Đó là thực tế giúp ông thêm hiểu đất nước này và quan hệ hai nước.
Còn nhớ, khi vừa về Báo, lần đầu tiên tôi được gặp ông là khi cụ Phạm Phú Tiết, thân sinh của ông, đang ngồi trông số sách chữ nho cụ đang hong trước sân, còn ông đứng bên cạnh áp chiếc đài bán dẫn vào tai nghe bản tin tiếng Anh. Tôi hỏi thăm, ông bảo nghe để biết thêm, nghe để học thêm. Sau đó, ông tâm sự, tuy mang tiếng là con quan song ông đã sớm lao động cùng gia đình, chỉ được học ít. Vì vậy, cả cuộc đời cầm súng và viết báo cũng là cả cuộc đời tự học. Không học tiếng Pháp, tiếng Anh, sao có thể nói chuyện được với người nước họ, sao có thể hiểu biết về đối thủ trên chiến trường. Sau này, khi có những dịp tiếp và đi cùng những người Pháp, ông nói tiếng Pháp của ông tự học là chính, thứ “tiếng Pháp chiến hào”.
Thế đấy, bản lĩnh, tầm nhìn chiến trường và thế cuộc ông có được là do dạn dày trận mạc cùng không ngừng học hỏi và đọc. Nhà ông chen chật sách, sách để kín cả các hành lang và cầu thang gác. Tâm tính cởi mở, vốn thực tế cùng tri thức chung phong phú của ông là lý do nhiều trí thức, học giả và những người ham hiểu biết hay tìm đến ông. Đó cũng là một lý do các đồng chí Tổng biên tập như Nguyễn Đình Ước, Trần Công Mân trước đây và các Tổng biên tập kế nhiệm sau này đều quý trọng ông. Những năm tháng biến động lớn của thế giới và khởi đầu công cuộc đổi mới trên đất nước ta, chẳng mấy tối không thấy ông cùng Tổng biên tập Trần Công Mân gặp nhau trao đổi từ thời cuộc, công việc báo chí cho đến những bài viết cụ thể. Đâu phải chỉ chúng tôi thích nói chuyện với ông. Ở cơ quan Tạp chí Văn nghệ Quân đội, các nhà văn, nhà thơ cũng vậy. Một nhà văn lớp trước nổi tiếng sắc sảo đã viết bài rất hay về ông đăng trên Tạp chí với đầu đề “Người kể chuyện thuê”...
Những điểm đến bình dị
“Mọi biến động qua đi, còn lại là văn hóa”-trên thế giới nhiều khác biệt, đây là điều mọi người thống nhất cao và ngày càng tôn trọng. Ở Phòng biên tập Văn hóa-Thể thao của chúng tôi, trong thời gian dài nhà báo Phạm Phú Bằng làm Trưởng phòng, dĩ nhiên luôn tìm cách viết kỹ, viết mới về văn hóa. Trưởng phòng nói thẳng: “Tớ ít biết về văn chương-nghệ thuật, các cậu là nhà báo, lại là nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, người nghiên cứu... phải đi sâu về mảng này”. Ông nói vậy, nhưng sao ông viết về đoàn tuồng Ninh Bình diễn vở “Sơn Hậu” hay thế, chất tuồng Bắc, tuồng Nam đâu ra đấy. Ông ít theo dõi điện ảnh, song lại có sáng kiến và chủ trì cuộc tọa đàm rất chất lượng giữa nhóm phóng viên báo với lãnh đạo và đại diện đạo diễn, diễn viên điện ảnh. Và khi xem bộ phim Mỹ về những chiến binh chữa cháy một tòa nhà cao tầng, ông đã bật dậy cầm bút viết ngay bài cảm xúc và suy ngẫm về cuộc sống nhiều bất trắc thời hiện đại và vai trò của những chiến binh thời bình vì cuộc sống người dân.
Một dịp khác, khi các tác giả cuốn sách “Văn hóa truyền thống Liễu Đôi” (Hà Nam) đến tặng sách cho ông, thay vì ông viết hoặc giao cho chúng tôi viết bài giới thiệu sách, ông quyết định kéo tôi về thẳng Liễu Đôi. Và sau đấy là cả một trang báo đầy đặn ông viết về sự sống động của truyền thống làng quê này, cùng công phu của dân làng và các tác giả sưu tầm làm nên cuốn sách. Tính báo chí về văn hóa là thế, là để tạo nên một sự kiện có tiếng vang, khích lệ các miền quê lưu truyền, phát huy truyền thống văn hóa trong cuộc sống hiện nay.
Cũng vì tấm lòng và sự thấm đẫm văn hóa dân tộc trong ông mà nhiều cơ quan báo chí, nhiều người làm báo, cơ quan du lịch, cơ quan tổ chức văn hóa trong Nam, ngoài Bắc mời ông cộng tác, tư vấn, viết bài, đặt hộ bài hay làm hướng dẫn viên du lịch đặc biệt. Khi ông đã nghỉ hưu, chúng tôi mong ông không chỉ viết báo và chỉ bảo chúng tôi mà còn tự kiểm lại kho tàng bài viết khổng lồ để làm chí ít một tập sách. Hoặc ông tự viết lại nhiều điều, nhiều việc ông chưa từng viết, kể cả những chuyện về cuộc đời mình. Vậy nhưng ông vẫn thích lên đường. Gần thì ông thăm hỏi các gia đình nghèo ở các phố lân cận, cầm máy ảnh đi chụp cảnh người và phố, chụp anh chị em lớp sau của Báo QĐND. Có bức ảnh ông chụp rất thú vị về người phụ nữ bán hàng rong tranh thủ lúc vắng khách ngồi nghỉ đã giở cuốn "Truyện Kiều" ra đọc. Vào TP Hồ Chí Minh, ông dành mấy đêm lê la hỏi chuyện những người ngủ lại bên hè đường, bên sông Sài Gòn. Tham gia trong tổ chức Quỹ Văn hóa Việt Nam-Thụy Điển cùng nhà văn hóa, học giả Hữu Ngọc, ông đến với những di tích lịch sử ít được biết đến ở các tỉnh biên giới xa xôi để tìm hiểu, lập hồ sơ nhận chút tiền tài trợ từ quỹ để kịp thời bảo vệ di tích. Cùng đó là những khoản đóng góp bảo tồn hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa khác.
Nhiều lần chúng tôi đến nhà tìm gặp ông thì thấy chị Hồi-vợ ông-cười tươi: “Anh ấy lại đi rồi, lại đi miền núi”. Còn đi được là ông đi. Khi ông đã yếu thì lớp con cháu thay ông. Trước cửa nhà ông cứ ít ngày lại có đợt tập kết quần áo, sách vở, bánh kẹo... để những chuyến xe chở đến các bản làng, trường học vùng cao...
MẠNH HÙNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.