Phân loại rác thải tại nguồn vẫn khó!
Từ ngày 1-1-2025, người dân phải chấp hành quy định của Luật Bảo vệ môi trường là phân loại rác thải tại nhà. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Song, sau gần 2 tháng quy định có hiệu lực, thực tế cho thấy việc phân loại rác vẫn chưa thực hiện được bởi còn gặp nhiều vướng mắc.
Theo quy định, người dân phải phân loại rác tại nguồn thành 3 nhóm: Rác tái sử dụng, tái chế; rác thực phẩm; rác sinh hoạt khác.
Tuy nhiên, việc thực hiện lại gặp nhiều vướng mắc như: Các đơn vị thu gom rác chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa được trang bị các dụng cụ thu gom rác thải đã phân loại; người dân chưa được phổ biến về tần suất và địa điểm thu gom rác đã phân loại...
Về phía cơ quan chức năng cũng chưa có cơ chế giám sát để xử lý. Ghi nhận thực tế tại TP Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, việc phân loại rác thải tại nguồn vẫn chưa thực hiện được. Thậm chí, nhiều nơi, rác thải còn được đổ thành đống ngổn ngang ven đường.
![]() |
Người dân phân loại rác tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. |
Chị Nguyễn Phương Thanh ở căn hộ 2014, tòa A1, chung cư Ecolife Capitol, 58 Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: “Ban quản lý tòa nhà chung cư đã thông báo về việc phân loại rác theo quy định. Tuy nhiên, địa điểm thu gom rác tại các tầng không có thùng rác riêng cho rác hữu cơ hay rác tái chế”.
Bà Nguyễn Thị Liễu, căn hộ 502, tập thể 9B Lê Quý Đôn, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: “Nhà tôi đã thực hiện phân loại rác từ nhiều năm qua. Loại tái chế được thì để bán ve chai, còn lại thì chia làm 2 là rác hữu cơ và các loại khác. Vậy nhưng người thu gom rác lại đổ lẫn với nhau. Việc phân loại và xử lý rác còn gặp khó khăn vì cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu”.
Trên đây là thực tế không chỉ xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội. Hiện nay, đa phần người dân chưa thực hiện, vẫn để chung các loại rác thải với nhau. Về thu gom, chủ yếu sử dụng các phương tiện thô sơ, không được che đậy, phương thức xử lý rác thải chủ yếu là chôn lấp. Điều này vừa gây ô nhiễm, vừa lãng phí nguồn tài nguyên chất thải. Một số nơi đã áp dụng việc phân loại rác tại nguồn thì chính quyền địa phương lại thiếu nhân lực để giám sát và kiểm tra.
Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết: “Hiện tại, hạ tầng thu gom và xử lý rác thải tại các thành phố lớn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số. Cơ sở vật chất như thùng rác công cộng phân loại còn hạn chế và không được đồng bộ là nguyên nhân chính khiến công tác phân loại rác tại nguồn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Hầu hết các địa phương chưa có đủ tiềm lực để thực hiện đồng bộ giải pháp phân loại rác thải. Dù người dân và doanh nghiệp đồng thuận thực hiện phân loại rác thải đúng theo tiêu chí nhưng quá trình phân loại rác và việc xử lý chất thải rắn tại nguồn khó thực hiện. Thực tế, các thiết bị, hạ tầng cơ sở hiện tại chưa đủ đáp ứng, như việc chưa có tuyến riêng hay chưa thể bố trí các điểm tập kết, phân loại được quy hoạch bài bản, bảo đảm công năng, phù hợp với từng loại rác".
Luật sư Trần Văn Quyết, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Khi luật đã có hiệu lực nhưng chưa đi vào cuộc sống thì cần phải xem xét đang có vấn đề ở chỗ nào, việc ban hành các văn bản dưới luật đã phù hợp chưa? Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ áp dụng mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt đã đủ sức răn đe song chưa thể áp dụng trong điều kiện hiện nay, khi người dân chưa được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện phân loại chất thải. Việc xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn cả là nâng cao nhận thức cộng đồng và xây dựng hệ thống hỗ trợ hiệu quả”.
Để áp dụng quy định cũng như giám sát, cần một hệ thống nhân lực và công nghệ đủ mạnh. Tuy nhiên, hiện tại những yếu tố này vẫn còn rất hạn chế. Do đó, để quy định phân loại, xử phạt hành vi không phân loại rác thải tại nguồn thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các cơ quan chức năng, người dân và các tổ chức xã hội, bảo đảm cơ sở hạ tầng cho việc phân loại, xử lý rác.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống camera giám sát nơi công cộng, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm.
Bài và ảnh: HUYỀN TRANG
Tin mới
Quy định mới về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy
Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2025/NĐ-CP quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.
Tăng mức phạt vi phạm hành chính về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Nghị định số 24/2025/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiều quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đắk Lắk: Bắt 2 vụ sản xuất, buôn bán cà phê bột giả
Chiều ngày 21/2/2025, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị đã phát hiện xử lý 2 vụ sản xuất, buôn bán cà phê bột giả, thu giữ nhiều tang vật.
Tinh hoa văn hóa dân tộc hội tụ tại "ngôi nhà chung"
Trong khuôn khổ Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2025 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, đông đảo nhân dân và du khách đã có dịp trải nghiệm những tập tục, sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.
Hoa hướng dương khoe sắc tại công viên bờ sông Sài Gòn
Thảm hoa hướng dương khoe sắc bên bờ sông Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh tạo nên một sắc vàng rực rỡ, trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách trong suốt những ngày đầu xuân mới.
Hà Nội công bố lịch thi lớp 10 THPT năm học 2025-2026
Ngày 24-2, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025-2026.