• Click để copy

Phát huy di sản thống nhất và sống động của người Việt

Tồn tại hơn 7 thế kỷ, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc thuộc 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương luôn là di sản văn hóa sống động trong đời sống của người Việt. Quần thể di tích danh thắng không chỉ thể hiện rõ nét nhiều khía cạnh trong cuộc sống tâm linh, tín ngưỡng, giao lưu văn hóa, giao thương, quân sự của văn hiến Đại Việt xưa mà còn có ý nghĩa cả ở khu vực châu Á rộng lớn hơn.

Nhận diện tính liên hoàn, toàn cầu của di sản

 Đoàn chuyên gia Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS)-tổ chức tư vấn cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về di sản thế giới-những ngày trung tuần tháng 8 đã tiến hành thực địa, thẩm định đối với hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc. Hồ sơ di sản xây dựng theo dạng chuỗi liên hoàn không gian văn hóa, tiến triển hữu cơ tại vùng Đông Bắc Việt Nam, với 20 điểm, cụm điểm di tích là thành phần của 6 di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt; trong đó, tại Bắc Giang có 2 di tích quốc gia đặc biệt là chùa Vĩnh Nghiêm-trường đào tạo tăng ni đầu tiên ở Việt Nam, đặc biệt, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ năm 2012 và chùa Bổ Đà hiện đang lưu giữ Bảo vật quốc gia Bộ mộc bản kinh Phật.

PGS, TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, đại diện đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ di sản khẳng định, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc nổi bật ở châu Á và trên thế giới với vị thế là nơi khai sinh Phật giáo Trúc Lâm độc đáo của Việt Nam; đồng thời là quê hương của họ Trần-dòng họ vào các thế kỷ 13, 14 đã tạo dựng nên một trong những triều đại quân chủ rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam. “Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn và chặt chẽ giữa tư tưởng tôn giáo và quyền lực nhà nước, các lãnh tụ của Phật giáo Trúc Lâm và các vua Trần đã làm thay đổi đời sống tinh thần, xã hội, kinh tế, chính trị và quân sự của đất nước, tạo nên một quốc gia Đại Việt vững mạnh, có chủ quyền. Mối liên hệ hài hòa giữa con người và môi trường được thể hiện qua việc bố trí các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh ở những nơi có đặc điểm địa chất, địa hình thuận lợi, sẵn có tài nguyên thiên nhiên phục vụ sinh hoạt, đồng thời bảo đảm an toàn trước thiên tai, địch họa. Sự hiểu biết sâu sắc về các đặc điểm địa hình, thủy văn, chế độ thủy triều và thời tiết cũng góp phần vào sự phát triển, quốc phòng, an ninh của đất nước”, PGS, TS Nguyễn Lân Cường nêu rõ.

Sau 3 năm chuẩn bị, đầu năm 2024, hồ sơ di sản được trình lên UNESCO để xét công nhận di sản thế giới. Thuộc tính nổi bật của quần thể di tích là nơi hiện hữu nhiều công trình tín ngưỡng, tâm linh như: Đền, miếu, am, chùa, lăng mộ, bảo tháp và các địa điểm linh thiêng liên quan khác thờ Phật, các vị thần linh, anh hùng dân tộc... Nổi bật ở vùng đất này đó là nơi phát tích Thiền phái Trúc Lâm độc đáo của Việt Nam. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã sáng lập Phật giáo Trúc Lâm, tạo tiền đề để các vị tổ sư, thiền sư, tăng ni đến đây tu tập, phát tâm tín ngưỡng, biên soạn kinh văn, làm thơ, viết truyện, đắc đạo và nhập niết bàn. Những chứng cứ lịch sử rõ nhất được tìm thấy ở nhiều am, chùa, đền, miếu, lăng tẩm, mộ tháp, kết hợp cùng các di chỉ khảo cổ quan trọng là những minh chứng sinh động về sự hình thành, phát triển cực thịnh của Phật giáo Trúc Lâm. Mặc dù hơn 7 thế kỷ đã qua song đến nay, tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm cùng với hệ thống di tích vẫn là những di sản văn hóa sống, được thực hành, gìn giữ và phát huy giá trị.

Phát huy di sản thống nhất và sống động của người Việt
 
Phát huy di sản thống nhất và sống động của người Việt
Du khách tham quan và nghe hướng dẫn về giá trị Di sản tư liệu thế giới Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). 

Hồ sơ được Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang xây dựng với 2.139 trang tài liệu bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh; 101 sơ đồ, bản đồ, 196 bản vẽ kiến trúc, 260 bản vẽ khảo cổ, 1.141 bản ảnh, tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi 3 tỉnh.

Phát huy giá trị quần thể di sản

 Theo đánh giá của UNESCO trong văn bản phúc đáp hồ sơ đề cử công nhận và ghi vào danh mục Di sản thế giới đối với Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc đáp ứng tất cả yêu cầu kỹ thuật được hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới. Đây là hồ sơ khoa học đệ trình có nhiều tiêu chí theo Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới (Công ước 1972) nhất, vừa nghiên cứu, vừa chứng minh, vừa viết với tiến độ nhanh, tích cực, khẩn trương.

Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết, sau khi nộp hồ sơ, các địa phương đã triển khai nhiều công việc, như: Truyền thông, chỉnh trang di tích, xây dựng các bảng biển, quy chế... Hiện 3 địa phương đã lên kế hoạch xây dựng một hội đồng phối hợp quản lý khu di sản; đồng thời dự thảo quy chế quản lý di sản của 3 địa phương. Đặc biệt, để chuẩn bị cho đợt thẩm định quan trọng này của ICOMOS đánh giá đúng, toàn diện về những giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, tính xác thực của quần thể di sản, các địa phương, đơn vị có trách nhiệm đã triển khai nhiều đợt thông tin, tuyên truyền rộng rãi về giá trị di sản tới các đối tượng, lan tỏa rộng rãi tới cộng đồng nhằm ủng hộ cho di sản; góp phần bảo vệ sự thành công của hồ sơ di sản.

Theo PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đại diện đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc có dạng chuỗi liên hoàn, do đó, câu chuyện về di sản thực sự rất khó, ngay cả nhiều nhà nghiên cứu cũng chưa hiểu thấu đáo nếu không đi sâu nghiên cứu. Chính vì thế, về việc tuyên truyền, trước hết, các ban quản lý di tích phải nắm rất chắc các di tích mà mình quản lý nằm trong những giai đoạn nào, thuộc loại hình nào, hay đóng góp cái gì cho câu chuyện di sản thế giới. Các ban quản lý di tích kết hợp với các chuyên gia, kết hợp sự chỉ đạo của cấp trên in ấn tờ rơi, viết những bài đơn giản về giá trị, về nhận diện di sản để tuyên truyền cho bà con nhân dân; chỉnh trang và gìn giữ môi trường sạch đẹp.

Sau khi thực địa các di tích, ông Ratish Nanda, chuyên gia của ICOMOS, đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc làm rõ mối liên hệ giữa các di tích; tính xác thực, toàn vẹn và giá trị nổi bật toàn cầu của các di tích; công tác khoanh vùng, cắm mốc cũng như hiện trạng bảo tồn các giá trị gốc của di tích; quy chế, kế hoạch quản lý di sản đề cử và định hướng phát huy di sản đề cử của địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn chuyên gia ICOMOS, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh, đây là hồ sơ di sản chưa có tiền lệ ở Việt Nam, khi phạm vi nghiên cứu xây dựng trải rộng ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương, với khối lượng công việc lớn, cần tập trung nhân lực, trí tuệ cùng sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng hơn 100 chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực tiến hành khảo sát, nghiên cứu và xây dựng hồ sơ. Việc thẩm định thực địa của chuyên gia ICOMOS tại quần thể di tích lần này rất quan trọng, là cơ sở để UNESCO xem xét và công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc ghi danh Di sản văn hóa thế giới trong Kỳ họp thứ 47 tổ chức năm 2025, cũng là dịp kỷ niệm 80 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bài và ảnh: HÀ VƯƠNG

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.