Phát huy giá trị danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”
Ngày 16-7-1999, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. 24 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã nỗ lực để không chỉ xứng đáng với danh hiệu cao quý mà còn phát huy danh hiệu này, đóng góp tích cực trong công cuộc phát triển Thủ đô thời kỳ hội nhập hiện nay.
Hữu xạ tự nhiên hương
Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” được trao tặng Hà Nội không chỉ vì Thủ đô đại diện cho khát vọng hòa bình ngàn đời của dân tộc Việt Nam mà UNESCO còn đánh giá trên nhiều tiêu chí khác, đó là: Thúc đẩy đoàn kết xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, chống phân biệt đối xử và ủng hộ đối thoại cộng đồng; hoạt động mẫu mực trong phát triển văn hóa, giáo dục, đặc biệt là giáo dục công dân và thế hệ trẻ; giải quyết các vấn đề xã hội, các vấn đề về đô thị hóa và xử lý môi trường sinh thái.
Trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội phấn đấu không ngừng, tích cực đóng góp trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ, công bằng xã hội; đồng thời nỗ lực xây dựng một thành phố hòa bình, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu. Đến nay, bộ mặt Hà Nội hiện lên là một thành phố năng động nhưng vẫn giữ những nét truyền thống, không đánh đổi lợi ích kinh tế trước mắt làm ảnh hưởng đến môi trường, bảo đảm an ninh xã hội, quyền con người. Hà Nội với sức bật mạnh mẽ xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trở thành trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế...
Xét ở khía cạnh là trung tâm giao lưu quốc tế, lượng du khách tham quan Hà Nội luôn tăng cao, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 2 triệu lượt. Cùng với đó, dễ dàng nhận thấy ngày càng nhiều người nước ngoài chọn sinh sống và làm việc tại đây. Ca sĩ, diễn viên, người mẫu Nga Sonya Firsova sống và làm việc tại Hà Nội từ năm 2019, cho biết: “Tôi thấy môi trường sống ở Hà Nội rất lý tưởng để phát triển sự nghiệp bản thân. Tôi đặc biệt có rất nhiều ấn tượng với Thủ đô Hà Nội”.
Gia đình người nước ngoài tham gia Giải chạy Báo Hànộimới - Vì hòa bình. Ảnh: BẢO TRUNG |
Hữu xạ tự nhiên hương, chính môi trường hòa bình, ổn định chính trị, người dân thân thiện nên Hà Nội từ lâu đã được chọn là nơi tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế như: Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới... Việc Hà Nội hướng tới mục tiêu “Thành phố của sự kiện” là điều hoàn toàn khả thi trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.
Giao lưu để phát triển
Trên con đường phát triển, trong một số lĩnh vực cụ thể như: Bảo tồn di sản, phát triển công nghiệp văn hóa, bảo vệ môi trường, quy hoạch cảnh quan... Hà Nội chưa có nhiều kinh nghiệm, rất cần tham khảo cách làm và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Công tác đối ngoại nói chung, trong đó có đối ngoại nhân dân vì thế cần được đẩy mạnh để huy động tâm sức, tài lực của các tổ chức, cá nhân quốc tế với Hà Nội. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bà Trần Thị Phương, Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội cho biết: “Những thành tựu trong sự phát triển của Thủ đô Hà Nội có sự đóng góp tích cực của công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại nhân dân nói riêng. Ðến nay, Hà Nội có quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố các nước và vùng lãnh thổ, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới. Trong đó, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước. Các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, các phái đoàn ngoại giao, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế đều đặt trụ sở tại Hà Nội đã tạo cho các nhà đầu tư một mạng lưới liên lạc tốt nhất để chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm”.
Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá: Hà Nội còn rất nhiều dư địa phát triển, đặc biệt nếu biết phát huy tiềm lực con người và bản sắc văn hóa, lịch sử của Thủ đô nghìn năm văn hiến độc đáo. Cuối năm 2019, Hà Nội chính thức ghi danh vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Từ “Thành phố vì hòa bình” đến “Thành phố sáng tạo” không chỉ đơn thuần là có thêm danh hiệu để tự hào mà còn là động lực để Thủ đô quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến sự bền vững, phát huy sức sáng tạo của những người tâm huyết với Hà Nội.
Trọng tâm là phải tổ chức các sự kiện, hoạt động để huy động nguồn lực cho “Thành phố sáng tạo” để những người hoạt động trong ngành văn hóa nghệ thuật, kinh doanh, kỹ thuật... có được sự hợp tác tốt nhất trong việc thực hiện mục tiêu chung vì sự phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Trong đó, những sự kiện văn hóa nghệ thuật có thể lấy chủ đề xuyên suốt là đấu tranh vì hòa bình, nhấn mạnh đến sự chia sẻ, đồng cảm giữa những nền văn hóa khác nhau. Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” cũng vì thế sẽ tiếp tục tỏa sáng, động lực cho sự phát triển của Thủ đô trong thời gian tới.
HÀM ĐAN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.