• Click để copy

Phát triển du lịch xanh ở Quảng Nam: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Sau gần hai năm triển khai thực hiện bộ tiêu chí du lịch xanh, đến nay, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đã có những chuyển biến tích cực trên con đường xanh hóa sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững từ mô hình hiện tại sang du lịch xanh, tỉnh Quảng Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp cả trước mắt và lâu dài.

Những chuyển biến tích cực

Gần hai năm nay, dịch vụ du lịch cộng đồng làng chài Tân Thành (phường Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn, thú vị của làng chài từ tour kéo lưới, câu mực, đi thuyền thúng... đến các hoạt động tôn vinh văn hóa như: Học hát bài chòi, hò khoan, khiêu vũ, vẽ tranh, làm đồ tái chế...

Tìm hiểu thực tế cho thấy, dịch vụ du lịch cộng đồng làng chài Tân Thành là một trong những sản phẩm OCOP 4 sao trong lĩnh vực dịch vụ du lịch đầu tiên của tỉnh Quảng Nam, đoạt Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2023, được Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP Hội An đánh giá cao.

Phát triển du lịch xanh ở Quảng Nam: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
  Khu phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Để cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam về Chương trình phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5177/KH-UBND ngày 10-8-2021 về phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025, Quyết định số 3570/QĐ-UBND ngày 4-12-2021 về ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh tỉnh Quảng Nam. Đây là bộ tiêu chí du lịch xanh đầu tiên của Việt Nam trên 6 lĩnh vực: Khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay, doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch dựa vào cộng đồng và điểm tham quan.

Đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch xanh thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: “Qua gần hai năm triển khai thực hiện, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, đến nay, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đang có chuyển biến rất tích cực trên con đường xanh hóa sản phẩm du lịch. Hiện có nhiều sản phẩm, mô hình du lịch được doanh nghiệp quan tâm đầu tư như: Mô hình lưu trú du lịch xanh kết hợp hoạt động trải nghiệm văn hóa dân gian; mô hình du lịch làng quê, làng nghề, du lịch cộng đồng, người dân tích cực tham gia các hoạt động du lịch địa phương, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch hiệu quả như tuần hoàn rác-tái chế, đưa nông nghiệp sạch, hữu cơ vào sản phẩm tạo hệ sinh thái du lịch, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo tồn và phát huy tài nguyên du lịch, các giá trị văn hóa-lịch sử, cảnh sắc thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan sinh thái theo hướng thân thiện với môi trường...”.

Nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết

Trao đổi với các doanh nghiệp, các chuyên gia trong ngành du lịch, chúng tôi được biết, việc chuyển đổi từ mô hình hiện tại sang du lịch xanh cần có sự thay đổi trong tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp, thay đổi cách thức quản trị và các quy trình trong doanh nghiệp, truyền thông nội bộ, huấn luyện lại nhân sự, thay đổi cả sản phẩm dịch vụ và marketing. Tuy nhiên, do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, phần lớn doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang trong giai đoạn khắc phục hậu quả, vì vậy, việc chuyển đổi mô hình sang hướng phát triển du lịch xanh chưa nằm trong mối quan tâm ưu tiên của doanh nghiệp. Đây là rào cản lớn ảnh hưởng đến việc vận động doanh nghiệp tham gia thực hiện bộ tiêu chí du lịch xanh trong thời gian qua. Vì vậy, sau gần hai năm thực hiện, đến nay mới chỉ có 11 doanh nghiệp lưu trú và lữ hành được UBND tỉnh Quảng Nam cấp chứng nhận đạt yêu cầu của bộ tiêu chí du lịch xanh. Con số này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số hàng nghìn doanh nghiệp, đơn vị, điểm đến du lịch đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, để thuyết phục doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng du lịch xanh cần xác định rõ những lợi ích mà họ nhận được. Thực tế là chỉ cần doanh nghiệp quyết định và thông tin đến khách hàng, đối tác, nội bộ về việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ mang tính bền vững, doanh nghiệp đó đã tạo được ấn tượng tốt hơn về thương hiệu của mình. Đây là những giá trị khó có thể đo đếm được. Tuy nhiên, do quy mô và tầm nhìn khác nhau, không phải tất cả doanh nghiệp đều ghi nhận được giá trị vô hình đó. Do vậy, cần có thêm sự động viên, hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, hiệp hội du lịch để doanh nghiệp có động lực áp dụng các bộ tiêu chí du lịch xanh. Thiết thực và hiệu quả nhất là những chiến dịch truyền thông đúng mức độ, trúng mục tiêu về điểm đến xanh, kết hợp giới thiệu những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo hướng bền vững.

Ông Văn Bá Sơn, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, thực tế hiện nay, phát triển du lịch xanh tỉnh Quảng Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: Ảnh hưởng của thiên tai gây khó khăn trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đang bắt đầu diễn ra mạnh mẽ càng làm gia tăng áp lực cho việc xử lý chất thải rắn đô thị và xử lý nước thải, rác thải; kết nối hạ tầng giao thông còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư; thiếu cơ chế khuyến khích đầu tư, phát triển xanh nên chưa tạo được sức hút cho các doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư phát triển mô hình du lịch xanh. Bên cạnh đó, sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động du lịch còn hạn chế, chưa tổ chức thực hành du lịch xanh ở hầu hết lĩnh vực; thiếu cơ chế khuyến khích thực hành du lịch xanh...

Trên cơ sở kết quả thực hiện chương trình phát triển du lịch xanh thời gian qua, ông Phan Xuân Thanh đề xuất các bên liên quan xem lại thông điệp truyền thông, có thể là: “Quảng Nam định hướng trở thành điểm đến du lịch xanh” thay vì “Quảng Nam-điểm đến du lịch xanh” như hiện nay, vì nó tạo kỳ vọng quá mức đối với du khách. Trong dài hạn, tỉnh Quảng Nam cần xây dựng một chiến lược bài bản để phát triển du lịch bền vững, chiến lược này liên quan đến cả vấn đề quy hoạch, chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm, truyền thông và marketing. Tất cả đều phải bảo đảm tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

 Bài và ảnh: THÀNH NAM

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.