• Click để copy

Quản lý vận tải: Sao lại “hiện đại... thụt lùi”?

Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ có khá nhiều quy định “thụt lùi”. Trong khi Đảng, Nhà nước đang chủ trương ứng dụng triệt để công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, thì dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ lại bỏ hết những quy định liên quan đến nội dung này.

Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để hai bộ luật quan trọng này sớm đi vào cuộc sống; khắc phục hiệu quả những bất cập, hạn chế trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã gây nhiều hệ lụy và bức xúc cho xã hội suốt bao năm qua.

Đáng chú ý là, ngày 1-11-2024, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 501/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp rà soát dự thảo các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Các bộ, ngành liên quan cần rà soát, bổ sung các nội dung quy định cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm đầy đủ, liên thông đồng bộ với các cơ quan chức năng khác để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải và trật tự, an toàn giao thông, thuận tiện để người dân, doanh nghiệp tra cứu, thực hiện. Bên cạnh đó, bổ sung các nội dung quy định về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, tiến tới giảm hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trực tiếp... Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu kinh nghiệm của các nước đối với việc quản lý phương tiện giao thông thông minh để hoàn thiện hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý.

Về dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu kỹ các quy định của Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thể hiện các nội dung đổi mới phương thức quản lý, khắc phục triệt để những tồn tại, bất cập trong hoạt động kinh doanh vận tải thời gian qua. Trong đó, phải rà soát lại các nội dung quy định về lộ trình, hành trình, thời gian và điều kiện cho xe xuất bến, khắc phục tình trạng "xe dù, bến cóc", xe kinh doanh vận tải chèn ép nhau và chèn ép hành khách… gây mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông và cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, rà soát bổ sung nội dung quy định về xây dựng, ban hành quy chuẩn về điểm dừng, điểm đỗ xe trên hành trình theo hướng từng điểm dừng, đỗ phải bảo đảm an toàn giao thông, có mái che, an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường và có đầy đủ thông tin về hành trình của phương tiện đi/đến… để hành khách dễ tiếp cận và bảo đảm minh bạch trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ rõ ràng như vậy, thế nhưng, nghiên cứu dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo, các chuyên gia vận tải và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp vận tải hết sức ngạc nhiên khi thấy dự thảo nghị định này có nhiều nội dung thiếu chặt chẽ, tạo “lỗ hổng” lớn trong quản lý vận tải đường bộ và chắc chắn không thể khắc phục được tình trạng "xe dù, bến cóc", xe hợp đồng trá hình cạnh tranh không lành mạnh với xe chở khách theo tuyến cố định, gây mất trật tự giao thông...

Quản lý vận tải: Sao lại “hiện đại... thụt lùi”?
Xe ô tô 45 chỗ chở khách theo hợp đồng tự do đi lại trên phố Phủ Doãn (Hà Nội), gây cản trở giao thông.

Đặc biệt, dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ có khá nhiều quy định “thụt lùi” so với Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, điều rất bất thường là: Trong khi Đảng, Nhà nước đang chủ trương ứng dụng triệt để công nghệ 4.0, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, đồng thời giảm thời gian, chi phí, thủ tục hành chính, thì dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ lại bỏ hết những quy định liên quan đến nội dung này.

Ví dụ thứ nhất: Tại khoản 8, điều 4, Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định: Trước ngày 1-7-2020 đối với các bến xe khách từ loại 1 đến loại 4 và trước ngày 1-7-2021 đối với các bến xe khách còn lại phải sử dụng phần mềm quản lý bến xe khách để quản lý hoạt động xe ra, vào bến và cung cấp thông tin (gồm: Tên bến xe; tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến; số lượng hành khách khi xe xuất bến thực tế) trên Lệnh vận chuyển của từng chuyến xe hoạt động tại bến về Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ, Bộ GTVT). Từ ngày 1-7-2022, trước khi xe xuất bến, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định thực hiện cung cấp nội dung (gồm: Tên bến xe; tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến; số lượng hành khách khi xe xuất bến thực tế) trên Lệnh vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT.

Thế nhưng, dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ đã bỏ quy định này, thay vào đó là quy định: Đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe khách xác nhận vào Lệnh vận chuyển của đơn vị kinh doanh vận tải khi xe xuất bến. Nội dung xác nhận gồm: Phương tiện, số lượng hành khách và giờ xe xuất bến. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định thực hiện lưu trữ Lệnh vận chuyển của các chuyến xe đã thực hiện trong thời gian tối thiểu 3 năm.

Ví dụ thứ hai: Tại khoản 5, điều 7, Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển theo quy định tại khoản 2 (trừ điểm e, điểm g) Điều 15 của Nghị định này đến Sở GTVT nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (Email). Từ ngày 1-1-2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT.

Thế nhưng, dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ đã bỏ quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT. Thay vào đó chỉ quy định đơn giản: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng lưu trữ hợp đồng vận chuyển kèm theo danh sách hành khách tối thiểu 3 năm.

Như vậy, việc quản lý bằng công nghệ hiện đại, số hóa và lưu trữ trên hệ thống phần mềm quản lý chung của Bộ GTVT có kết nối liên thông để quản lý chặt chẽ, khách quan thì đã bị bỏ. Thay vào đó là quy định doanh nghiệp tự lưu lệnh vận chuyển, tự lưu trữ hợp đồng bằng giấy. Theo các chuyên gia thì điều này chẳng có ý nghĩa gì, vì thực tế doanh nghiệp vận tải muốn chế biến “lệnh vận chuyển” và “hợp đồng vận chuyển” thế nào cũng được (để trốn thuế).

Cũng cần nói thêm rằng, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30-5-2023 “Về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ”, thế nhưng đến nay, Bộ GTVT vẫn chưa triển khai xây dựng hệ thống phần mềm công nghệ để quản lý và có dữ liệu kết nối liên thông với Bộ Công an, Bộ Tài chính để quản lý, chống thất thu thuế trong vận tải hành khách đường bộ. Đã thế, dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ còn bỏ nội dung hết sức quan trọng này. Điều đó thể hiện chưa quan tâm đến chuyển đổi số, không ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT.

Các chuyên gia về vận tải cho rằng: “Thực tế các “xe dù” sợ nhất là bị quản lý bằng phần mềm công nghệ vì rất khó có thể gian lận để trốn thuế. Nếu bỏ quản lý bằng phần mềm công nghệ hiện đại, giao cho doanh nghiệp vận tải tự làm và tự lưu trữ hợp đồng giấy thì chắc chắn “xe dù”, xe hợp đồng hoạt động trá hình như xe khách chạy theo tuyến cố định càng dễ gian lận, đối phó”.

Quản lý vận tải: Sao lại “hiện đại... thụt lùi”?
Trên đường Giải Phóng (Hà Nội) có nhiều xe ô tô đăng ký chở khách theo hợp đồng nhưng hoạt động trá hình, chở khách theo tuyến cố định, tự do đi vào các tuyến phố nội đô đón, trả khách. Trong khi các xe chạy tuyến cố định buộc phải vào bến xe. 

Điều rất bất thường, vừa đi ngược với xu thế phát triển tất yếu, vừa gây lãng phí vô cùng lớn nữa là: Trong khi nhiều nước đã bắt buộc xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp camera kết nối với giám sát hành trình và cung cấp dữ liệu về hệ thống phần mềm quản lý của Bộ GTVT để quản lý các điều kiện kinh doanh vận tải và quản lý về an toàn giao thông, “phạt nguội” khi có vi phạm bảo đảm chính xác, khách quan, có tác dụng rất lớn trong phòng, chống những vi phạm trong hoạt động vận tải, thì dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ lại bỏ quy định lắp camera như trước đây đã quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP (xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe, bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch); mà bây giờ chỉ yêu cầu lắp camera để giám sát lái xe. Như vậy, khi thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã có hàng vạn xe ô tô kinh doanh vận tải lắp đầy đủ hệ thống camera, sắp tới lại bỏ, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng mà công tác quản lý lại lỏng lẻo hơn rất nhiều (?)

Việc dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ bỏ bớt nhiều quy định ưu việt trong công tác quản lý vận tải, nhất là những quy định về áp dụng công nghệ số hiện đại vào công tác quản lý, giám sát, sẽ khiến cho vấn nạn “xe dù”, “bến cóc” ngày càng nghiêm trọng hơn, vì khi không có sự quản lý bằng công nghệ số bảo đảm sự công khai, minh bạch, thì rất khó phòng tránh gian lận, tiêu cực. Lúc đó, không chỉ có nhà xe tìm mọi cách vi phạm, gian lận để trốn thuế, thu nhiều lợi nhuận, mà lực lượng chức năng cũng dễ “bảo kê” để cùng hưởng lợi.

Cần nhớ rằng, những năm qua, nước ta đã ban hành nhiều nghị định, thông tư về quản lý vận tải đường bộ. Trước mỗi lần ban hành, cơ quan chức năng đều khẳng định những quy định mới sẽ giải quyết triệt để tình trạng xe hợp đồng “trá hình” và nạn “xe dù, bến cóc”. Song thực tế thì vẫn còn nhiều khe hở tạo điều kiện cho “xe dù” lách luật. Vì thế, nghị định mới về hoạt động vận tải đường bộ cần quán triệt nghiêm túc và triển khai cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn, nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Theo đó, cần phải có những quy định cụ thể, rõ ràng về việc triệt để ứng dụng công nghệ số hiện đại vào công tác quản lý kinh doanh vận tải (như các nước tiên tiến đã triển khai); Bộ GTVT phải có phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Bộ Công an và Bộ Tài chính để chống thất thu thuế và kịp thời phát hiện những vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm sự minh bạch, khách quan, khoa học. Đây cũng chính là bí quyết phòng, chống vi phạm, tiêu cực trong lĩnh vực vận tải đường bộ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ này.

LÂM SƠN

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.