Quân sự thế giới hôm nay (11-5): Nhật Bản lập Bộ tư lệnh liên hợp các Lực lượng phòng vệ
Quân sự thế giới hôm nay (11-5-2024) có những nội dung sau: Triều Tiên có thể đang đóng tàu ngầm tấn công mới, Nhật Bản lập Bộ tư lệnh liên hợp các lực lượng phòng vệ, Ấn Độ muốn tự chủ hoàn toàn trong sản xuất đạn dược, Đức mua hệ thống HIMARS từ Mỹ để viện trợ Ukraine.
* Triều Tiên đang đóng tàu ngầm tấn công mới?
Trang 38 North có trụ sở tại Mỹ vừa công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đã bắt đầu sản xuất một tàu ngầm mới sau khi Chủ tịch Kim Jong Un kêu gọi tăng cường khả năng tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân từ dưới biển. Theo trang này, các bộ phận của thân tàu và thiết bị sử dụng trong chế tạo tàu ngầm đã xuất hiện tại nhà máy đóng tàu Nam Sinpho trong vài tháng qua.
Cùng với đó, các nhà phân tích tại 38 North cho rằng chiếc tàu ngầm đang được đóng nhiều khả năng sở hữu kích cỡ tương tự chiếc tàu mới nhất được đóng tại nhà máy này, vốn là tàu ngầm tấn công chiến thuật có khả năng bắn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Hình ảnh vệ tinh do 38 North phân tích về nhà máy đóng tàu Nam Sinpho của Triều Tiên. Ảnh: 38 North |
38 North đánh giá rằng Chủ tịch Kim Jong Un ưu tiên việc chế tạo tàu ngầm mang tên lửa. Và chúng có thể làm gia tăng các tình huống dự phòng mà Mỹ và đồng minh phải tính đến khi họ chuẩn bị các biện pháp đối phó trước kịch bản xung đột có thể xảy ra.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Triều Tiên đã tổ chức lễ hạ thủy tàu ngầm tấn công mới mang tên Anh hùng Kim Kun Ok. Những hình ảnh ban đầu cho thấy chiếc tàu ngầm này có thể mang theo 10 ống phóng và là phiên bản hiện đại hóa của tàu ngầm lớp Romeo do Liên Xô thiết kế.
Tờ The New York Times của Mỹ từng nhận định, dù các tàu ngầm hiện tại của Triều Tiên đều chạy bằng năng lượng thông thường, song nước này có thể đang tìm kiếm công nghệ từ quốc gia khác để giúp chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
* Nhật Bản lập Bộ tư lệnh liên hợp các lực lượng phòng vệ
Kyodo News đưa tin, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua luật thành lập bộ tư lệnh liên hợp để chỉ huy các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) vào cuối tháng 3-2025. Đây là động thái nhằm tăng cường an ninh của Nhật Bản trong các lĩnh vực mới như an ninh mạng.
Binh sĩ Nhật Bản trong một nội dung huấn luyện. Ảnh: Yokota Air Base |
Bộ tư lệnh liên hợp sẽ có khoảng 240 nhân sự, cho phép các chỉ huy của Lực lượng Phòng vệ mặt đất, Lực lượng Phòng vệ trên biển, Lực lượng Phòng vệ trên không tập trung hỗ trợ cho Bộ Quốc phòng.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kihara Minoru khẳng định việc thông qua luật đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các đơn vị của SDF phối hợp tác chiến để ứng phó với các thách thức an ninh mới bao gồm an ninh mạng và vũ trụ.
* Ấn Độ muốn tự chủ hoàn toàn trong sản xuất đạn dược
The Economic Times dẫn lời tướng VK Sharma, người đứng đầu cơ quan mua sắm của quân đội Ấn Độ cho biết nước này sẽ không nhập khẩu đạn dược của nước ngoài trong năm tài khóa 2025.
Tuy nhiên, New Delhi vẫn sẽ mua một số loại đạn dược cần thiết do số lượng quá nhỏ, nếu tự sản xuất thì không có lợi về kinh tế.
Binh sĩ Ấn Độ tham gia một cuộc diễn tập. Ảnh: PTI |
Quân đội Ấn Độ hiện đang chi 60-80 tỷ rupee (khoảng 718-960 triệu USD) cho đạn dược mỗi năm. Tính đến lúc quyết định có hiệu lực, các nhà cung cấp nước ngoài chỉ còn đáp ứng 5-10% yêu cầu của Ấn Độ.
Trong thập kỷ qua, New Delhi đã lấp đầy kho dự trữ phụ tùng và đạn dược thông qua nhiều đợt thu mua khẩn cấp. Trước bối cảnh địa chính trị căng thẳng tại nhiều khu vực trên thế giới, quân đội Ấn Độ đã chuẩn bị lộ trình dài hạn để trang bị đạn dược trong 10 năm tới, trong đó chú trọng kế hoạch giảm thiểu nhập khẩu, đa dạng hóa nguồn cung và xây dựng năng lực sản xuất tại chỗ.
Việc quân đội Ấn Độ gấp rút mua thêm đạn sản xuất nội địa cũng diễn ra đồng thời với việc nước này thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng, với mục tiêu đạt 5 tỷ USD hằng năm vào năm tài khóa 2024-2025. Trong năm tài khóa vừa qua, xuất khẩu vũ khí của Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng 32,5%, đạt 2,5 tỷ USD - cao nhất từ trước tới nay.
* Đức mua hệ thống HIMARS từ Mỹ để viện trợ Ukraine
Theo Reuters, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius vừa công bố kế hoạch mua 3 hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS từ Mỹ để chuyển cho Ukraine.
Cụ thể, những hệ thống trên sẽ được lấy từ kho dự trữ của quân đội Mỹ và chính quyền Berlin sẽ thanh toán chi phí hợp đồng này. Giá trị và thời gian giao hàng của thương vụ không được tiết lộ.
Một hệ thống HIMARS. Ảnh: The Defense Post |
Với kế hoạch cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, Đức tìm cách truyền tải thông điệp rằng nước này đang đảm nhận những trách nhiệm quân sự lớn hơn, kể cả trong ngành công nghiệp quốc phòng, sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022.
Trong khi đó, kể từ khi xảy ra xung đột với Nga, Ukraine đã nhận được 40 hệ thống HIMARS từ Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Đức trở thành quốc gia viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ. Trước đó, Berlin cũng quyết định gửi thêm hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa Patriot tới Ukraine, tổ hợp thứ ba mà nước này cung cấp cho Kiev.
Thời gian qua, Đức là một trong những nước châu Âu tích cực nhất trong việc cung cấp viện trợ cho Kiev. Cuối năm ngoái, Đức còn tăng gấp đôi viện trợ quân sự của nước này cho Ukraine trong năm 2024 lên 8 tỷ euro.
MINH ANH (tổng hợp)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.