Quân sự thế giới hôm nay (16-11): Nga cung cấp tên lửa Igla-S cho Ấn Độ, Mỹ lặng lẽ tăng viện trợ vũ khí cho Israel
Quân sự thế giới hôm nay (16-11) có những nội dung sau: Nga ký hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không vác vai Igla-S cho Ấn Độ, Mỹ lặng lẽ tăng viện trợ đạn dược và tên lửa cho Israel, Nhật Bản cử tàu phá băng AGB Shirase thám hiểm Nam Cực.
* Nga ký hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không vác vai Igla-S cho Ấn Độ
Theo hãng thông tấn TASS của Nga ngày 14-11, công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh của Nga Rosoboronexport đã ký hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không vác vai Igla-S cho Ấn Độ. Thỏa thuận có giá trị lên tới 1,5 tỷ USD, cũng bao gồm việc cấp phép cho New Delhi sản xuất loại vũ khí này trong nước.
Hệ thống tên lửa phòng không vác vai Igla-S có khả năng tấn công nhiều mục tiêu khác nhau như máy bay chiến thuật, trực thăng, máy bay không người lái và tên lửa hành trình bay thấp. Ảnh: Army Recognition |
Chia sẻ với TASS, Alexander Mikheev, Giám đốc điều hành Rosoboronexport, đã xác nhận thông tin công ty này đang hợp tác với các doanh nghiệp Ấn Độ để sản xuất hệ thống tên lửa phòng không vác vai Igla-S tại Ấn Độ. Nỗ lực hợp tác này nhằm củng cố vai trò của Nga với tư cách là nhà cung cấp quân sự hàng đầu của Ấn Độ.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 5 năm (2018-2022), Nga vẫn dẫn đầu là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ, chiếm 45% tổng lượng nhập khẩu. Trong khi đó, Pháp thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại quốc phòng lớn thứ 2 của Ấn Độ, với 29%. Mỹ đứng thứ ba với 11% lượng vũ khí nhập khẩu của New Delhi.
Ngoài hệ thống tên lửa phòng không vác vai Igla-S, Nga đã cung cấp cho quân đội Ấn Độ nhiều vũ khí phòng thủ khác, bao gồm máy bay chiến đấu Su-30MKI, xe tăng chiến đấu chủ lực, xe bọc thép và đạn pháo. Đặc biệt, Nga và Ấn Độ cũng liên doanh sản xuất súng trường Kalashnikov AK-203 do Nga thiết kế.
Igla-S, hay còn gọi là SA-24 Grinch, là hệ thống tên lửa phòng không cầm tay thế hệ mới nhất của Nga. Vũ khí này hoạt động như “lá chắn bảo vệ” tầm thấp cho các đơn vị tác chiến cơ động.
Khi đối phó với các mối đe dọa trên không như máy bay không người lái và tên lửa hành trình, Igla-S có lợi thế rõ rệt nhờ được trang bị khả năng phân biệt bạn-thù bất kể thời gian ngày hay đêm, kể cả trong môi trường có thiết bị gây nhiễu. Bên cạnh đó, vũ khí này còn có khả năng chiến đấu với nhiều loại máy bay và trực thăng không tàng hình.
Igla-S có tổng trọng lượng 19kg (bao gồm đạn nặng 11,7kg). Tên lửa này có tầm bắn tối đa 6km. Với trọng lượng nhẹ, kích thước nhỏ gọn, vừa để mang vác trên vai người lính, mỗi kíp chiến đấu Igla-S chỉ cần 2 người và có thể khai hỏa tấn công mục tiêu ở nhiều trạng thái khác nhau.
* Mỹ lặng lẽ viện trợ đạn dược và tên lửa cho Israel
Hãng tin Bloomberg của Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đang “lặng lẽ” tăng cường viện trợ quân sự cho Israel theo yêu cầu của đồng minh, trong đó có tên lửa dẫn đường bằng laser cho trực thăng Apache, thiết bị nhìn đêm, đạn phá hầm, boong-ke và các phương tiện quân sự mới.
Pháo tự hành M109 155mm của quân đội Israel bắn về phía Gaza vào ngày 28-10. Ảnh: Getty Images |
Trích dẫn thông tin nội bộ của Bộ Quốc phòng Mỹ, hãng tin này cho biết thêm, số vũ khí này đã được vận chuyển đến Israel hoặc Bộ Quốc phòng đang tìm cách chuyển từ các kho dự trữ ở trong nước và châu Âu. Tính đến cuối tháng 10, 36.000 đạn pháo 30mm, 1.800 quả đạn phá boong-ke M141 và ít nhất 3.500 thiết bị nhìn đêm đã được chuyển cho Israel.
Lầu Năm Góc cho đến nay vẫn từ chối trả lời về báo cáo này, nhưng trong một tuyên bố gần đây Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiết lộ rằng họ đang "tìm đủ mọi cách” từ tận dụng nguồn dự trữ nội bộ đến các kênh công nghiệp để đảm bảo Israel có đủ phương tiện tự vệ.
Dải Gaza đang hứng chịu thảm họa nhân đạo lớn kể từ khi xảy ra xung đột Hamas-Israel. Ảnh: PressTV |
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Israel tiếp tục ném bom tại Dải Gaza, trong khi những người ủng hộ nhân quyền đã yêu cầu Washington ngừng viện trợ quân sự cho Israel và chấm dứt việc chuyển giao vũ khí.
Ngày 13-11, hơn 30 tổ chức cứu trợ đã viết thư gửi thư Lầu Năm Góc kêu gọi không gửi đạn chùm 155mm cho Israel, vì Gaza là một trong những nơi đông dân nhất thế giới, trong khi đạn chùm 155mm không có thiết bị dẫn đường nên sai số cao.
Xung đột đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 11.500 người Palestine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đồng thời khiến hơn 29.000 người khác bị thương. Israel cũng đã áp đặt một “cuộc bao vây toàn diện” đối với mảnh đất ven biển, cắt nhiên liệu, điện, thực phẩm và nước uống khiến cho hơn hai triệu người Palestine đang sống trong cảnh khốn khó cùng cực.
* Nhật Bản cử tàu phá băng AGB Shirase thám hiểm Nam Cực
Theo Naval Recognition ngày 15-11, Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới đây đã công bố thông tin tàu phá băng AGB Shirase của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) đã khởi hành từ Yokosuka để thực hiện hành trình thám hiểm Nam Cực lần thứ 65.
Tàu phá băng AGB Shirase của Nhật Bản. Ảnh: JMSDF |
Shirase, có số hiệu thân tàu AGB-5003, là tàu phá băng do Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản vận hành, được hạ thủy vào tháng 4-2008 và đưa vào hoạt động vào tháng 5-2009.
Shirase là đại diện cho thế hệ tàu phá băng thứ tư của Nhật Bản thực hiện nhiệm vụ thám hiểm Nam Cực. Chuyến hành trình đầu tiên thám hiểm Nam Cực bắt đầu từ ngày 10-11-2009.
Về thông số kỹ thuật, Shirase có chiều dài 138m, rộng 28m và mớn nước 9,2m. Tàu có lượng giãn nước khoảng 20.000 tấn. Sử dụng hệ thống động cơ diesel-điện cùng bốn động cơ đẩy tạo ra công suất tổng hợp 30.000 mã lực, tàu có thể di chuyển với vận tốc tối đa 36,1km/giờ và có khả năng duy trì vận tốc 5,6km/giờ khi xuyên qua băng dày tới 1,5m.
Được thiết kế để hỗ trợ nghiên cứu khoa học, Shirase có sức chứa thủy thủ đoàn 175 người và 80 nhà khoa học và có khả năng chở tới 1.100 tấn hàng hóa. Tàu còn có thể mang theo 3 máy bay trực thăng, giúp nâng cao phạm vi hoạt động và khả năng của tàu trong các chuyến thám hiểm Nam Cực.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.