Quân sự thế giới hôm nay (16-4): Anh thử nghiệm robot rà phá bom mìn WEEVIL
Quân sự thế giới hôm nay (16-4) có những nội dung sau: Anh thử nghiệm robot WEEVIL rà phá bom mìn; Mỹ rút ngắn quá trình phát triển bom hạt nhân trọng lực B61-13; máy bay vận tải quân sự Y-20 của Trung Quốc hạ cánh ở Ai Cập.
* Anh thử nghiệm robot rà phá bom mìn WEEVIL
Lục quân Anh đang thử nghiệm thực địa để tinh chỉnh robot rà phá bom mìn WEEVIL, nhằm đảm bảo khả năng thích ứng trong các tình huống chiến đấu khác nhau và bảo vệ binh sĩ khỏi nguy hiểm.
![]() |
Robot rà phá bom mìn WEEVIL có thể được vận hành bởi một người ở khoảng cách xa hàng ki-lô-mét. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh |
Theo The Defense Post, robot được phát triển thông qua sự hợp tác giữa Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng Anh (Dstl) và Công ty Pearson Engineering. Daily Mail cho biết, WEEVIL trông như một chiếc xe tăng thu nhỏ, được trang bị một lưỡi cày hạng nặng với những chiếc càng lớn để đào và đẩy mìn sang một bên nhằm mở đường an toàn cho binh sĩ trên chiến trường. Sử dụng hệ thống điều khiển từ xa Beacon của Pearson Engineering, robot có thể được vận hành bởi một người ở khoảng cách xa hàng ki-lô-mét.
Robot được kỳ vọng sẽ thay thế các phương pháp rà phá bom mìn hiện tại, vốn đòi hỏi một đội gồm ba binh sĩ phải mạo hiểm mạng sống trên xe bọc thép Trojan nặng 62 tấn để mở đường an toàn qua bãi mìn.
Sử dụng xe chiến đấu bộ binh Warrior cho các nhiệm vụ phá bom không người lái, nguyên mẫu đã được thử nghiệm thành công tại một bãi mìn giả định ở Newcastle. Lục quân Anh sẽ thử nghiệm nghiêm ngặt hơn robot này để xác nhận hiệu suất thực tế của nó.
* Mỹ rút ngắn quá trình phát triển bom hạt nhân trọng lực B61-13
Theo báo cáo của Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia, Mỹ đã rút ngắn hơn 1/4 lịch trình sản xuất bom hạt nhân trọng lực B61-13 với quả bom đầu tiên sẽ được giao vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, sớm hơn 7 tháng so với dự kiến ban đầu.
Bom hạt nhân trọng lực là loại bom được thả mà không có hệ thống đẩy. Chúng dựa vào quỹ đạo rơi tự do hoặc có điều hướng sau khi được thả từ máy bay. Vũ khí này được thiết kế để phát nổ trên không hoặc khi va chạm với mặt đất, với nhiều tùy chọn ngòi nổ và điều hướng khác nhau.
![]() |
B61-13 có sức công phá tối đa 360 kiloton, có bộ đuôi điều hướng để tăng độ chính xác. Ảnh: Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia |
Bom B61 dài khoảng 3,6m, đường kính 33-34cm, nặng từ 320-540kg tùy biến thể và cấu hình. Thiết kế sử dụng hệ thống nổ nhiệt hạch hai giai đoạn. Bom bao gồm các cài đặt hiệu năng thay đổi, các tùy chọn ngòi nổ đầy đủ và các thiết bị an toàn khác. Cấu trúc của bom gồm các cơ chế an toàn để ngăn chặn việc bị sử dụng trái phép hoặc kích nổ vô tình. Bom B61-13 có sức công phá tối đa 360 kiloton, gấp khoảng 24 lần sức nổ của quả bom phát nổ ở Hiroshima (Nhật Bản). Bom được trang bị một bộ đuôi điều hướng để tăng độ chính xác.
Mặc dù không được thiết kế như một vũ khí xuyên phá, B61-13 được kỳ vọng có khả năng gây tổn hại cho các mục tiêu kiên cố thông qua sóng xung kích chấn động mặt đất, tùy thuộc vào sức công phá và chế độ nổ.
Bom B61 đã được tích hợp trên nhiều nền tảng như các máy bay ném bom chiến lược B-52, B-2 Spirit và B-21 Raider sắp ra mắt. Các máy bay chiến thuật được chứng nhận mang các biến thể B61 bao gồm F-15E Strike Eagle và F-16 Fighting Falcon. Năm 2023, F-35A đã trở thành máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên được chứng nhận mang vũ khí hạt nhân với B61-12. Mặc dù về mặt vật lý B61-13 tương thích với các máy bay kể trên, nhưng chính sách hiện tại của Mỹ, bom này được trang bị cho các máy bay ném bom chiến lược, không có kế hoạch trang bị cho F-35A hoặc các máy bay chiến đấu khác.
* Máy bay vận tải quân sự Y-20 của Trung Quốc hạ cánh ở Ai Cập
Theo Bulgarian Military, bầu trời Ai Cập vừa chứng kiến một cảnh tượng khác thường: 5 hoặc 6 máy bay vận tải quân sự Tây An Y-20 của Trung Quốc hạ cánh.
Sự kiện này đã khơi dậy sự tò mò và tranh luận giữa các nhà phân tích và những người đam mê. Mặc dù bản chất chính xác của lô hàng vẫn chưa được tiết lộ, nhưng sự xuất hiện của những chiếc máy bay khổng lồ này báo hiệu mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Ai Cập.
![]() |
Các thông số kỹ thuật của Y-20 xếp nó vào cùng nhóm với các máy bay vận tải hạng nặng hiện đại như Boeing C-17 Globemaster III của Mỹ và Ilyushin Il-76 của Nga. Ảnh: Bulgarian Military |
Máy bay Tây An Y-20, tên chính thức “Kunpeng”, được Tập đoàn công nghiệp máy bay Tây An phát triển. Y-20 có trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 220 tấn, khả năng tải trọng lên tới 66 tấn, có thể chở nhiều loại thiết bị từ xe tăng và xe bọc thép, chở quân và hàng tiếp tế nhân đạo. Tầm hoạt động của máy bay thay đổi tùy thuộc tải trọng: Có thể bay 7.800km với 40 tấn hàng hóa hoặc 4.500km khi đầy tải.
Các thông số kỹ thuật của Y-20 xếp nó vào cùng hạng với các máy bay vận tải hạng nặng hiện đại như Boeing C-17 Globemaster III của Mỹ và Ilyushin Il-76 của Nga.
Các mẫu Y-20 đầu tiên được trang bị động cơ Soloviev D-30KP-2 do Nga sản xuất, nhưng các biến thể gần đây, được định danh Y-20B, sử dụng động cơ Shenyang WS-20 do Trung Quốc tự phát triển.
Khả năng hoạt động trong nhiều điều kiện khác nhau, bao gồm cả đường băng không trải nhựa, khiến nó đặc biệt phù hợp cho các hoạt động trong môi trường nhiều thách thức.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)
Tin mới
Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4
Chiều 16-4, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4 khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ khai mạc.
Chủ tịch nước Lương Cường gặp mặt 100 điển hình tiêu biểu Chương trình Việc tử tế
Chiều 16-4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã gặp mặt thân mật 100 đại biểu đại diện cho các điển hình tiêu biểu trong Chương trình Việc tử tế của Đài Truyền hình Việt Nam.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng: Xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền các cấp gần dân, sát dân, quản trị hiện đại
Sáng 16-4, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt chuyên đề “Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14-6-2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18-1-2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”.
Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn họp triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025
Thực hiện Kế hoạch số 45/KH-BCĐ ngày 26/3/2025 của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lạng Sơn, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025; Kế hoạch số 41/KH-SCT ngày 31/3/2025 của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn Kế hoạch thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 thuộc lĩnh vực ngành Công thương quản lý. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch số 160/KH-QLTT ngày 8/4/2025 về triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025.
Hội nghị công chức, người lao động Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước năm 2025
Chiều ngày 15/4, tại Hà Nội, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước tổ chức Hội nghị công chức, người lao động năm 2025. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, thảo luận phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, đồng thời phát huy vai trò của cán bộ, công chức, người lao động trong việc xây dựng cơ quan vững mạnh, dân chủ, kỷ cương, trách nhiệm và hiệu quả.
Bộ Công Thương yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu nhập lậu
Bộ Công Thương yêu cầu Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường phát hiện và xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa, đặc biệt nguyên liệu nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ để sản xuất hàng xuất khẩu, trong trường hợp cần thiết chuyển cơ quan chức năng xử lý đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.