Quân sự thế giới hôm nay (19-2): Vì sao Ấn Độ muốn mua 1.000 trực thăng mới?
Quân sự thế giới hôm nay (19-2) có những nội dung sau: Vì sao Ấn Độ muốn mua tới 1.000 trực thăng mới? Estonia ra mắt robot chiến đấu với động cơ hybrid; Nhật Bản đặt hàng trực thăng CH-47 Chinook phiên bản mới nhất.
* Vì sao Ấn Độ muốn mua tới 1.000 trực thăng mới?
The Defense Post đưa tin, quân đội Ấn Độ vừa công bố kế hoạch mua tới 1.000 trực thăng nội địa mới nhằm mục đích tăng cường khả năng tuần tra, giám sát, quản lý, bảo vệ lãnh thổ ở các khu vực biên giới nhất là vùng cao.
Trong danh sách tính năng đề xuất, New Delhi yêu cầu trực thăng phải có khả năng hoạt động ở độ cao lên đến 5.500m và chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ngoài ra, máy bay phải được trang bị camera ngày-đêm tiên tiến để thu thập thông tin tình báo và giám sát theo thời gian thực, qua đó giảm sự phụ thuộc vào các cuộc tuần tra trên bộ ở địa hình biên giới phức tạp cũng như cho phép phản ứng nhanh hơn với các mối đe dọa an ninh nếu có.
![]() |
Binh sĩ Ấn Độ trong một buổi huấn luyện. Ảnh minh họa: The Economic Times |
Defense Post dẫn thông tin từ truyền thông Ấn Độ cho biết, các nhà thầu tiềm năng cho dự án đầy tham vọng này bao gồm Hindustan Aeronautics Limited, Mahindra Defence Systems Limited và Tata Advanced Systems Limited. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp được khuyến khích giới thiệu các sản phẩm có thiết kế mô-đun nhằm bảo đảm máy bay có thể thực hiện các nâng cấp trong tương lai mà không cần sửa đổi đáng kể về cấu trúc.
Hiện nay, quân đội Ấn Độ đang dựa vào nhiều nền tảng máy bay không người lái nội địa và nhập khẩu để giám sát từ trên không, chẳng hạn như máy bay không người lái Heron do Israel sản xuất hay máy bay không người lái SWITCH của công ty Ấn Độ Ideaforge Technology. Vì vậy, việc triển khai kế hoạch mua khí tài nội địa sẽ góp phần đẩy mạnh chiến lược “Make in India” (do Ấn Độ sản xuất) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
* Estonia ra mắt robot chiến đấu với động cơ hybrid
Theo Defence Blog, trong khuôn khổ Triển lãm quốc phòng quốc tế IDEX 2025 đang diễn ra tại Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), công ty Milrem Robotics của Estonia đã giới thiệu robot chiến đấu bánh lốp có tên gọi là Havoc trang bị động cơ hybrid.
Thông cáo báo chí của Milrem Robotics cho hay, nền tảng này có nhiều điểm chung với các sản phẩm khác của công ty, bao gồm mẫu xe chiến đấu tự hành bánh xích (RCV), giúp giảm chi phí mua sắm và bảo trì cũng như hợp lý hóa công tác hậu cần.
![]() |
Robot chiến đấu Havoc tại triển lãm. Ảnh: Defense News |
Theo nhà sản xuất, so với các mẫu cùng phân khúc, Havoc có phạm vi hoạt động rộng hơn và có thể di chuyển gần như không gây tiếng động - một lợi thế đáng kể nếu được triển khai đến các vùng chiến sự. Mục đích của xe là nhằm hỗ trợ các đơn vị cơ giới hoạt động như lực lượng yểm trợ cho xe chiến đấu bộ binh và xe tăng.
Milrem Robotics không tiết lộ loại phần cứng nào được sử dụng trong hệ thống truyền động, nhưng cho biết động cơ đủ mạnh để Havoc di chuyển với tốc độ lên tới 110km/giờ trên đường nhựa, 55km/giờ trên địa hình gồ ghề, tầm hoạt động 600km, trọng lượng không tải khoảng 15 tấn (nhẹ hơn trọng lượng của hầu hết các xe cùng cấu hình 8x8 bánh lốp cùng phân khúc) và có thể chở thêm 5 tấn vũ khí hoặc tháp pháo gồm pháo cỡ nòng 30mm và bệ phóng tên lửa. Thêm vào đó, xe tích hợp hệ thống dẫn đường tiên tiến điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI), có thể leo dốc 60% và lội nước sâu 1m.
* Nhật Bản đặt hàng trực thăng CH-47 Chinook phiên bản mới nhất
Defense News đưa tin, Nhật Bản đã đặt hàng 17 trực thăng vận tải CH-47 Block II Chinook - phiên bản mới nhất của dòng trực thăng CH-47 Chinook từ hãng Boeing của Mỹ.
Số máy bay trên sẽ được Boeing và nhà thầu quốc phòng Nhật Bản Kawasaki Heavy Industries cùng sản xuất. Công ty Nhật Bản cũng cung cấp các bộ phận cho quá trình lắp ráp trực thăng CH-47JA Chinook của quân đội xứ mặt trời mọc từ những năm đầu 1990.
![]() |
Trực thăng CH-47JA Chinook của quân đội Nhật Bản. Ảnh: airdatanews |
Mặc dù không nêu chi tiết thời gian thực hiện hợp đồng, song Defense News cho biết các trực thăng CH-47 Block II Chinook sẽ thay thế một số chiếc CH-47 JA, trong đó có những chiếc từng được sử dụng để ứng phó với thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011, với các tấm chì đặc biệt gắn vào sàn để bảo vệ phi hành đoàn khỏi bị phơi nhiễm phóng xạ.
Thách thức trong việc tìm kiếm phiên bản kế thừa CH-47 Chinook là rất lớn, vì rất ít nhà sản xuất có thể cung cấp dòng trực thăng vận tải lớn, bền bỉ và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Vì thế, Boeing đã giới thiệu biến thể CH-47 Block II Chinook với khả năng mang tải trọng lớn hơn, tầm bay xa hơn. Biến thể này cũng được nâng cấp sâu rộng cả về động cơ, hệ thống điện tử và vật liệu chế tạo, đặc biệt là phần rotor giúp cho trực thăng đạt hiệu suất tốt hơn.
Trước Nhật Bản, quân đội Mỹ, Đức và Anh cũng đặt hàng nhiều máy bay CH-47F Block II Chinook cho các lực lượng của mình.
MINH ANH (tổng hợp)
Tin mới
Yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong kinh doanh xăng dầu trước 30/4/2025
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước vừa có văn bản số 436/TTTN-XD ngày 17/4/2025 gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, các tổng đại lý (có hệ thống phân phối trên địa bàn 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên) về việc thực hiện thông báo số 175 ngày 13/4/2025 của Văn phòng Chính phủ.
Liên hợp quốc kêu gọi thỏa hiệp chính trị để chấm dứt khủng hoảng kéo dài ở Libya
Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) tại Libya, bà Hanna S. Tetteh, ngày 17-4 cảnh báo rằng tình trạng bế tắc chính trị và chia rẽ thể chế liên tục có nguy cơ đẩy Libya vào tình trạng bất ổn hơn nữa, trừ khi có thể đạt được thỏa hiệp khẩn cấp và thống nhất lộ trình dẫn đến bầu cử.
Sản phẩm của ngành Hậu cần - Kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam gây ấn tượng nơi biên giới
Trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ 9 vừa diễn ra tại tỉnh Lạng Sơn, các gian hàng trưng bày đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu và khách mời hai nước. Trong đó, sự góp mặt của các sản phẩm do Công ty Cổ phần X20 và Công ty Cổ phần 22, hai doanh nghiệp thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật sản xuất đã mang đến hình ảnh sinh động về tiềm lực sản xuất, năng lực công nghệ và bản sắc đặc thù của doanh nghiệp Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mỹ và Ukraine ký Bản ghi nhớ về thỏa thuận khoáng sản
Ngày 17-4, Ukraine thông báo nước này và Mỹ đã ký một Bản ghi nhớ, coi đây là bước đầu hướng tới việc đạt thỏa thuận về phát triển nguồn tài nguyên khoáng sản ở Ukraine.
“Chất xúc tác” cho sự điều chỉnh cách tiếp cận của Canada
Canada được cho là đang nỗ lực chuyển hướng mối quan hệ quốc phòng truyền thống với Mỹ sang các đối tác khác, nhất là Liên minh châu Âu (EU).
Quân sự thế giới hôm nay (18-4): Ai Cập sắp mua máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc
Quân sự thế giới hôm nay (18-4) gồm những nội dung sau: Ai Cập sắp mua máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc; Mỹ đầu tư khí cầu giám sát quân sự cố định; Ukraine thử nghiệm phương tiện không người lái mặt đất.