Quân sự thế giới hôm nay (20-9): Nga đặt mục tiêu sản xuất 1,4 triệu drone trong năm nay
Quân sự thế giới hôm nay (20-9) có những nội dung sau: Nga đặt mục tiêu sản xuất 1,4 triệu drone trong năm nay; Đức sẽ duyệt chi 400 triệu Euro viện trợ cho Ukraine; Indonesia mua 4 trực thăng Airbus H145.
Nga đặt mục tiêu sản xuất 1,4 triệu drone trong năm nay
Trong cuộc họp về kế hoạch sản xuất thiết bị bay không người lái (drone) của Quân đội Nga được tổ chức tại St. Petersburg hôm 19-9, Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định Nga đang tăng quy mô sản xuất drone, hướng tới mục tiêu xuất xưởng khoảng 1,4 triệu chiếc trong năm nay, nhằm đảm bảo nguồn cung cho quân đội Nga giành chiến thắng trên chiến trường.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm một cơ sở sản xuất drone ở thành phố Saint Petersburg hôm 19-9. Ảnh: Reuters |
"Khoảng 140.000 drone các loại đã được bàn giao cho quân đội Nga trong năm 2023", Tổng thống Putin nói. "Năm nay, sản lượng drone dự kiến sẽ tăng đáng kể. Nói chính xác hơn là gần gấp 10 lần… Bất cứ ai thích ứng nhanh hơn với những yêu cầu đặt ra trên chiến trường sẽ giành chiến thắng", ông nhấn mạnh.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022, cuộc chiến chủ yếu giữa hai bên là các cuộc tấn công bằng pháo binh và drone dọc theo chiến tuyến dài khoảng 1.000km. Cả Nga và Ukraine đều đã mua sắm thêm drone từ nước ngoài và tăng cường sản xuất drone ở trong nước cho nhiều mục đích khác nhau, từ tiêu diệt lực lượng pháo binh và kho vũ khí, cho đến tấn công cơ sở hạ tầng, cơ sở năng lượng và tàu chiến của đối phương.
Đức sẽ duyệt chi 400 triệu Euro viện trợ quân sự cho Ukraine
Theo hãng tin Reuters, một bức thư của Bộ Tài chính Đức gửi đi ngày 19-9 đã nhắc đến việc nước này chuẩn bị phê duyệt gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá gần 400 triệu Euro (khoảng 450 triệu USD) cho Ukraine. Số tiền này sẽ được bổ sung vào khoản ngân sách 8 tỷ Euro đã được chính phủ Đức duyệt chi cho Ukraine trong năm 2024. Đức đang là nước viện trợ quân sự cho Ukraine nhiều nhất trong số các quốc gia châu Âu.
Xe tăng Leopard 1A5 là một trong những phương tiện quân sự Đức hỗ trợ cho Ukraine. Ảnh: defence-ua.com |
Theo đề nghị của Bộ Quốc phòng Đức, Bộ Tài chính nước này đang yêu cầu Ủy ban ngân sách của Hạ viện phê duyệt thêm kinh phí hỗ trợ Ukraine. Carsten Klein, thành viên Ủy ban ngân sách của Đảng Dân chủ Tự do (FDP), tán thành yêu cầu cấp vốn của Bộ Tài chính. Ông nói rằng điều đó cho Ukraine thấy họ có thể dựa vào sự hỗ trợ của Đức. Bộ Tài chính Đức đề xuất các yêu cầu về kinh phí phải được đáp ứng ngay lập tức, để các gói hỗ trợ kịp triển khai và mang lại hiệu quả trong khoảng thời gian còn lại của năm 2024. Số tiền này sẽ được sử dụng để mua đạn dược, phương tiện chiến đấu, thiết bị bay không người lái và trang bị bảo vệ, cùng nhiều mặt hàng khác.
Nếu Ủy ban ngân sách của Hạ viện Đức phê duyệt khoản tiền bổ sung vào tuần tới, tổng số tiền viện trợ quân sự của Đức cho Ukraine trong năm 2024 sẽ tăng lên 8,4 tỷ Euro.
Tuy nhiên, viện trợ quân sự của Đức cho Ukraine trong năm tới sẽ giảm xuống chỉ còn 4 tỷ Euro, căn cứ theo dự thảo ngân sách năm 2025 của nước này. Đức mong muốn Ukraine sẽ có thể tự đáp ứng phần lớn nhu cầu quân sự của mình bằng khoản vay 50 tỷ USD từ số tiền đóng băng các tài sản ở nước ngoài của Nga.
Indonesia đặt mua 4 trực thăng Airbus H145
Không quân Indonesia vừa có bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa chương trình huấn luyện bằng việc đặt mua 4 trực thăng Airbus H145. Thông báo này được đưa ra tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Bali, diễn ra từ ngày 18 đến 21-9, đánh dấu bước hợp tác mới giữa doanh nghiệp của Indonesia và Công ty Airbus Helicopters của Tập đoàn Airbus (Pháp).
Trực thăng H145 do Công ty Airbus Helicopters sản xuất. Ảnh: Airbus |
Theo thỏa thuận, Airbus sẽ bàn giao trực thăng H145 cho PT Dirgantara Indonesia (PTDI), doanh nghiệp hàng không vũ trụ của Indonesia chịu trách nhiệm lắp ráp, hoàn thiện các tùy chỉnh khác của máy bay tại cơ sở của họ ở Bandung. Sau khi hoàn thành giai đoạn này, trực thăng sẽ được bàn giao cho Không quân Indonesia. Các trực thăng H145 sẽ được sử dụng cho các nhiệm vụ huấn luyện quân sự và hoạt động tìm kiếm cứu nạn, qua đó nâng cao khả năng đa nhiệm của Không quân Indonesia.
Phiên bản trực thăng Airbus H145 mà Không quân Indonesia đặt hàng được trang bị rô-to năm cánh quạt cải tiến, một nâng cấp lớn giúp tăng tải trọng của trực thăng thêm 150kg, đạt mức 3,7 tấn. Thiết kế rô-to chính không cần bảo dưỡng giúp đơn giản hóa các hoạt động bảo trì, tăng độ tin cậy và sự thoải mái cho cả phi hành đoàn và hành khách trong quá trình bay.
H145 là một trong những mẫu máy bay phổ biến nhất của Airbus. Có hơn 1.700 chiếc trực thăng thuộc dòng này đang hoạt động trên khắp thế giới với tổng số hơn 7,9 triệu giờ bay. Ngoài khả năng đa nhiệm, H145 còn được lực lượng vũ trang các nước sử dụng rộng rãi, trong đó có Quân đội Mỹ, Anh và sắp tới là Đức, cho các hoạt động huấn luyện quân sự.
Đây là dòng máy bay trực thăng được trang bị hai động cơ Safran Arriel 2E đa năng, với công suất tối đa 894kW (1.200 mã lực). Nó có bộ điều khiển điện tử hàng không Helionix với chế độ lái tự động 4 trục, giúp cải thiện cả về độ an toàn và khả năng cơ động. H145 có thể đạt tốc độ hành trình 240km/giờ và có tầm bay tối đa lên tới 650km, phù hợp cho các nhiệm vụ khác nhau như vận tải, tìm kiếm cứu nạn và vận chuyển y tế. H145 có cabin rộng rãi và được thiết kế dưới dạng mô-đun, có sức chứa tới 10 hành khách, hoặc thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt như cấp cứu y tế đường không. Ngoài ra, trực thăng còn được trang bị Hệ thống điều khiển động cơ kỹ thuật số toàn quyền (FADEC) giúp tối ưu hóa hiệu suất động cơ. Với khả năng vận hành trong môi trường khắc nghiệt, H145 là dòng máy bay phù hợp cho cả các hoạt động dân sự và quân sự.
TRUNG THÀNH (tổng hợp)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.