Quân sự thế giới hôm nay (21-11): Quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên mua xe tăng K2 “Báo đen”
Quân sự thế giới hôm nay (21-11) có những nội dung chính sau: Quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên mua xe tăng K2 Black Panther, Đan Mạch cam kết sớm chuyển số tiêm kích F-16 còn lại cho Ukraine, Mỹ bán gói nâng cấp toàn bộ tiêm kích F-15K.
* Quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên mua xe tăng K2 Black Panther
Theo Defence Blog, công ty Hyundai Rotem của Hàn Quốc đã đạt thỏa thuận cung cấp xe tăng K2 Black Panther, hay còn gọi là “Báo đen”, cho Quân đội Peru, đưa nước này trở thành khách hàng đầu tiên mua xe tăng K2 tại khu vực Mỹ Latinh.
Như vậy là sau hơn 10 năm, Quân đội Peru mới đàm phán xong và “chốt” được sản phẩm cho chương trình hiện đại hóa quy mô lớn phương tiện chiến đấu của lực lượng lục quân, nhằm thay thế khoảng 250 xe tăng T-55 do Liên Xô sản xuất đã phục vụ trong biên chế từ những năm 1970.
Số lượng và thời gian giao hàng chưa được tiết lộ.
Xe tăng K2 của Hàn Quốc. Ảnh: Reddit |
Nhu cầu hiện đại hóa các đơn vị xe tăng của Peru đã trở nên cấp thiết, do một số quốc gia láng giềng cũng đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. Vì thế, việc thay xe tăng T-55 bằng phương tiện hiện đại như K2 không chỉ là nhu cầu nâng cấp công nghệ, mà còn là động thái chiến lược để duy trì sự cân bằng trong khu vực.
Xe tăng K2 được sản xuất hàng loạt cho Quân đội Hàn Quốc từ năm 2013. Ba Lan là khách hàng quốc tế đầu tiên của xe tăng này, trong khi Romania cũng đang cân nhắc ký hợp đồng.
Vũ khí chủ lực của xe tăng là pháo chính nòng trơn L55 120mm được sản xuất tại Hàn Quốc, theo giấy phép từ Đức. Vũ khí phụ gồm súng máy phòng không 12,7mm và súng máy đồng trục 7,62mm.
Xe sử dụng động cơ diesel MTU MB-883 Ka500, cho phép đạt tốc độ tối đa tới 70km/giờ và dự trữ hành trình gần 500km. Bên cạnh đó, xe còn trang bị hệ thống treo thủy lực để thay đổi chiều cao, góc tấn, giúp xe có góc nâng, hạ súng rất lớn và khả năng linh hoạt trên địa hình phức tạp.
* Đan Mạch cam kết sớm chuyển hết số tiêm kích F-16 còn lại cho Ukraine
Bulgarian Military dẫn tuyên bố của Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen xác nhận, đã hoàn tất chuyển giao lô tiêm kích F-16 đầu tiên, gồm 6 chiếc, cho Ukraine và sẽ thúc đẩy sớm chuyển giao số còn lại trong cam kết 19 chiếc.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Đan Mạch nêu rõ, lô tiêm kích F-16 tiếp theo sẽ được bàn giao vào nửa cuối năm nay, nhưng không tiết lộ số lượng tiêm kích và thời điểm chuyển giao cụ thể vì “lý do an ninh”.
Tiêm kích F-16 của Không quân Đan Mạch. Ảnh: AP |
Các máy bay F-16 được chuyển cho Ukraine từ Đan Mạch thuộc biến thể F-16AM và F-16BM, được nâng cấp từ phiên bản F-16A/B Block 15. Chúng đã trải qua chương trình nâng cấp giữa vòng đời, trong đó đáng kể nhất là màn hình đa chức năng trong buồng lái và radar hiện đại hóa AN/APG-66(V)2.
Ukraine tiếp nhận lô tiêm kích F-16 đầu tiên hồi cuối tháng 7, gần 1 năm sau khi Mỹ cho phép đồng minh viện trợ chiến đấu cơ này cho Kiev. Các nước châu Âu tuyên bố sẽ viện trợ Ukraine tổng cộng 79 tiêm kích F-16, trong đó Đan Mạch đóng góp 19 chiếc.
Tiêm kích F-16 được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực nâng cấp năng lực của Không quân Ukraine, vốn đang vận hành các mẫu máy bay cũ được thừa hưởng từ Liên Xô và nhiều chiếc trong số này đã bị phá hủy hoặc bắn hạ.
Trong khi đó, Nga tuyên bố sẽ bắn hạ mọi tiêm kích F-16 được chuyển cho Ukraine, đồng thời cho rằng loại vũ khí này ít tác động tới cục diện chiến trường.
* Mỹ bán gói nâng cấp toàn bộ tiêm kích F-15K
Army Recognition đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua kế hoạch bán thiết bị và dịch vụ để nâng cấp toàn bộ tiêm kích F-15K Slam Eagle của Không quân Hàn Quốc.
Quyết định này đã được thông báo cho Quốc hội Mỹ và sẽ được thực hiện theo khuôn khổ Chương trình bán khí tài quân sự cho nước ngoài (FMS), ước tính tổng trị giá lên tới 6,2 tỷ USD. Các công ty sản xuất quốc phòng Boeing, Raytheon Technologies và BAE Systems sẽ là những nhà thầu chính cho thương vụ này.
Đơn hàng chính được phía Mỹ duyệt bán cho Hàn Quốc bao gồm 96 hệ thống máy tính đa nhiệm ADCP II, 70 hệ thống radar mảng pha quét điện tử chủ động AN/APG-82(v)1, 70 hệ thống giám sát điện tử và tác chiến điện tử AN/ALQ-250, cùng 70 hệ thống cảnh báo tên lửa AN/AAR-57.
Ngoài ra, còn một số trang thiết bị khác như các hệ thống lập nhiệm vụ tác chiến hiệp đồng (JMPS), hệ thống chỉ thị gắn trên mũ phi công (HMCS), phụ tùng, phần mềm và dịch vụ bảo trì, đào tạo, hỗ trợ hậu cần…
Tiêm kích F-15K trên đường băng tại căn cứ Kunsan, Hàn Quốc. Ảnh: Army Recognition |
Việc nâng cấp phi đội F-15K nhằm mục đích tăng cường năng lực tác chiến của Không quân Hàn Quốc trước các mối đe dọa hiện tại và tương lai, đồng thời bảo đảm khả năng tương tác, phối hợp chiến đấu giữa lực lượng này với đồng minh Mỹ.
Không quân Hàn Quốc đang vận hành 59 tiêm kích F-15K, được phát triển từ dòng F-15E Strike Eagle của Mỹ. Ra đời sau “người tiền nhiệm” tới hơn 10 năm, nên F-15K được trang bị các công nghệ mới, như màn hình hiển thị đa năng (HUD), buồng lái tương thích với kính nhìn đêm, cùng hệ thống ngắm bắn gắn trên mũ (JHMCS), cho phép phi công khóa mục tiêu cho tên lửa khi đang nhìn về phía máy bay đối phương.
Là loại máy bay chiến đấu hạng nặng, F-15K được thiết kế với trọng lượng rỗng 14,1 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa lên đến gần 31 tấn. Máy bay có trần bay 20km, tốc độ cực đại Mach 2,5 (khoảng 3.000km/giờ), tầm bay 4.700km với thùng nhiên liệu phụ.
Máy bay được trang bị nhiều hệ thống tác chiến điện tử và cảm biến tối tân. Cùng với đó, sức mạnh của máy bay đến từ khả năng mang theo hơn 10 tấn vũ khí tiên tiến, gồm tên lửa, bom, để thực hiện các nhiệm vụ không đối đất, không đối không và tấn công mục tiêu mặt nước.
MINH ANH (tổng hợp)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.