Ngày 26-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác nhận việc giao bom lượn tầm xa AGM-154 JSOW cho Ukraine như một phần của gói hỗ trợ an ninh trị giá 375 triệu USD.
Khi được phóng từ độ cao thấp, bom lượn AGM-154 JSOW có tầm tấn công 22km, ở độ cao lớn, bom có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 130km. Ảnh: US DoD |
Với khả năng tương thích với máy bay chiến đấu F-16 đã được hỗ trợ trước đó, AGM-154 có tầm bắn lên tới 130km, giúp tăng cường năng lực tấn công tầm xa cho Ukraine.
Gói viện trợ mới nhất của Mỹ bao gồm một loạt các thiết bị quân sự, bao gồm đạn không đối đất, đạn pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), đạn pháo, vũ khí chống tăng, xe bọc thép cùng nhiều hệ thống hỗ trợ khác như vũ khí hạng nhẹ, tàu tuần tra và nhiều thiết bị hiện đại khác. Đây là đợt viện trợ thứ 66 từ kho dự trữ của Bộ Quốc phòng Mỹ kể từ tháng 8-2021, nhấn mạnh cam kết lâu dài của Mỹ và các đồng minh đối với Ukraine.
Một phần quan trọng của gói hỗ trợ này là việc cung cấp AGM-154, một loại bom lượn dẫn đường chính xác tầm xa được thiết kế để tăng hiệu quả tác chiến của lực lượng không quân. AGM-154 có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất từ khoảng cách mà máy bay phóng nằm ngoài phạm vi hiệu quả của hệ thống phòng không đối phương. Khả năng tấn công tầm xa này cho phép máy bay triển khai vũ khí trong khi giảm thiểu tiếp xúc với hỏa lực của đối phương, do đó tăng cường khả năng sống sót của máy bay. Loại vũ khí này đã được sử dụng trong nhiều cuộc xung đột khác nhau kể từ khi ra mắt vào năm 1998 và được đánh giá cao về độ chính xác cũng như tính linh hoạt trong tấn công nhiều mục tiêu, bao gồm cả xe bọc thép và bệ phóng tên lửa.
AGM-154 sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính (INS) kết hợp với hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để dẫn đường. Biến thể AGM-154C tích hợp dẫn đường hồng ngoại đầu cuối để tăng độ chính xác khi ngắm bắn. Khi được phóng từ độ cao thấp bom có tầm hoạt động 22km, ở độ cao lớn, bom có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 130km.
Thiết kế mô-đun của AGM-154 cho phép bom có nhiều biến thể, mỗi biến thể được điều chỉnh theo từng nhiệm vụ cụ thể thông qua các cấu hình tải trọng khác nhau. Tính mô-đun này tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cấp và tích hợp các công nghệ mới. AGM-154 có chiều dài 410cm, sải cánh rộng 270cm và trọng lượng dao động 483-497kg, tùy thuộc vào từng biến thể. Loại bom này có tính linh hoạt cao nhờ khả năng tương thích với nhiều loại máy bay, bao gồm F/A-18C/D và F/A-18E/F, F-16 Block 40/50/60, B-1B, B-2A, B-52H, F-15E và F-35A/C, cũng như JAS 39 Gripen.
* Singapore đưa tàu ngầm lớp Invincible đầu tiên vào hoạt động
Mới đây, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong đã chủ trì buổi lễ đưa 2 tàu ngầm lớp Invincible đầu tiên, RSS Invincible và RSS Impeccable, của Hải quân Cộng hòa Singapore (RSN) vào hoạt động tại Căn cứ Hải quân RSS Singapura - Changi.
Tàu ngầm lớp Invincible Impeccable của Hải quân Cộng hòa Singapore. Ảnh: MINDEF Singapore |
Tàu ngầm lớp Invincible, được phân loại chính thức là tàu ngầm Type 218SG, là tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng thông thường do tập đoàn hải quân ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS) có trụ sở tại Đức thiết kế cho Hải quân Singapore. Hai tàu ngầm lớp Invincible khác, Illustrious và Inimitable, hiện đang trong quá trình phát triển ở Đức và dự kiến sẽ được bàn giao cho Singapore vào năm 2028.
Cùng với đội tàu ngầm và tàu hiện có của RSN, lớp Invincible sẽ thực hiện nhiều hoạt động khác nhau để bảo vệ vùng biển Singapore, bảo vệ các tuyến liên lạc trên biển và góp phần vào hòa bình và an ninh khu vực. Được chế tạo và hạ thủy tại Kielm (Đức), tàu ngầm lớp Invincible có khả năng hoạt động ở vùng biển nhiệt đới nông. Tàu ngầm này sở hữu các khả năng tiên tiến, bao gồm mức độ tự động hóa cao, khả năng chịu tải đáng kể, khả năng chịu đựng dưới nước được cải thiện và công thái học được tối ưu hóa.
* Nguyên mẫu máy bay chiến đấu không người lái Bayraktar KIZILELMA hoàn thành chuyến bay đầu tiên
Nguyên mẫu sản xuất của Bayraktar KIZILELMA, máy bay chiến đấu không người lái đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, đã đạt được một cột mốc quan trọng sau khi hoàn thành chuyến bay đầu tiên, từ Trung tâm thử nghiệm và huấn luyện bay AKINCI tại Corlu, tỉnh Tekirdag.
Bayraktar KIZILELMA là máy bay chiến đấu không người lái được thiết kế cho các nhiệm vụ không chiến với khả năng cơ động cao và độ phản xạ radar thấp. Ảnh: Bayraktar |
Bayraktar KIZILELMA là máy bay chiến đấu không người lái được phát triển ở Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thực hiện các nhiệm vụ không chiến với khả năng cơ động cao và độ phản xạ radar (RCS) thấp. Sử dụng động cơ phản lực cánh quạt, máy bay có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 1.070km/giờ. Với tải trọng 1,5 tấn, máy bay có thể bay liên tục trong vòng hơn 4 giờ, có thể hoạt động ở độ cao trung bình 7,62km và trần bay là 13.716m.
Được trang bị radar AESA và hệ thống ngắm mục tiêu quang điện tử, KIZILELMA có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tự động, bao gồm cất và hạ cánh trên tàu sân bay đường băng ngắn. Máy bay có thể mang theo đạn dẫn đường bằng laser, tên lửa và tên lửa hành trình tầm xa.
Được chuyển đến trung tâm vào tháng 7, KIZILELMA PT-3 (nguyên mẫu số 3) đã vượt qua một loạt các bài kiểm tra mặt đất quan trọng, như chạy đà động cơ, lăn bánh tự động, cất cánh, trước khi thực hiện chuyến bay đầu tiên. Mặc dù chuyến bay thử nghiệm ngắn nhưng đã hoàn thành các hoạt động nhận dạng hệ thống quan trọng. KIZILELMA PT-3 kết hợp những tiến bộ đáng kể về cả cấu trúc và kiến trúc điện tử hàng không. Động cơ được trang bị bộ đốt sau cho phép máy bay đạt tốc độ âm thanh, trong khi những cải tiến về khí động học mang lại khả năng cơ động tốt hơn ở tốc độ cao. Ngoài ra, radar AESA được lắp trên máy bay đảm bảo nhận thức tình huống cao, do đó có thể thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phức tạp.
QUỲNH OANH (tổng hợp)