Quân sự thế giới hôm nay (29-10): Thổ Nhĩ Kỳ cam kết không chuyển giao S-400 cho bên thứ ba
Quân sự thế giới hôm nay (29-10) có những nội dung sau: Thổ Nhĩ Kỳ cam kết không chuyển giao S-400 cho bên thứ ba; Armenia đàm phán mua Su-30MKI của Ấn Độ; Thụy Điển sắp nhận xe chiến đấu bộ binh CV9035 MkIIIC.
* Thổ Nhĩ Kỳ cam kết không chuyển giao S-400 cho bên thứ ba
Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã bác bỏ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chuyển giao hệ thống phòng không S-400 cho Mỹ.
![]() |
Với công nghệ tiên tiến và sức mạnh đáng gờm, S-400 của Nga được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không tinh vi nhất hiện có trên toàn cầu. Ảnh: Reuters |
Ông cũng chỉ rõ rằng trong thỏa thuận mua S-400 năm 2017 có một điều khoản cấm Thổ Nhĩ Kỳ bán hoặc chuyển giao hệ thống này cho bất kỳ bên thứ ba nào mà không có sự chấp thuận của Moscow.
Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc 79, Lavrov nhấn mạnh để mua các loại vũ khí của Nga, bên mua phải khai rõ ai là người sử dụng cuối cùng. Vì vậy, nếu chuyển giao hoặc sửa đổi việc sử dụng hệ thống phòng thủ này theo bất kỳ cách nào cho bên thứ ba, Thổ Nhĩ Kỳ cần có sự cho phép từ Nga, nhà cung cấp ban đầu. Ông lập luận rằng điều kiện này nhằm duy trì quyền kiểm soát của Moscow đối với công nghệ quốc phòng mà nước này xuất khẩu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các thỏa thuận thương mại vũ khí quốc tế.
Theo tờ Ekathimerini của Hy Lạp, vào tháng 7, các quan chức cấp cao của Mỹ đã đề xuất với Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất cho Mỹ hoặc chuyển nó đến khu vực do Washington kiểm soát tại Căn cứ Không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, Mỹ sẽ xem xét khôi phục sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào chương trình máy bay chiến đấu F-35. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi chương trình này sau khi mua hệ thống S-400 từ Nga.
Ekathimerini dẫn lời Michael Rubin, một thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ và là cựu quan chức Lầu Năm Góc, cho biết các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố họ sẽ giữ S-400 trong kho thay vì từ bỏ quyền kiểm soát chúng.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hiện không xác nhận cũng không phủ nhận bất kỳ diễn biến nào liên quan đến các cuộc đàm phán về S-400 và F-35, nhấn mạnh rằng lập trường của Ankara vẫn không thay đổi. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ quan điểm rằng các đồng minh nên tránh áp đặt các hạn chế hoặc lệnh trừng phạt lẫn nhau, vì những hành động như vậy trái ngược với tinh thần hợp tác của NATO.
* Armenia đàm phán mua Su-30MKI của Ấn Độ
Theo Bulgarian Military, Armenia bắt đầu đàm phán với công ty Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của Ấn Độ để mua máy bay chiến đấu Su-30MKI.
![]() |
Su-30MKI là máy bay chiến đấu đa năng do Sukhoi của Nga và công ty HAL của Ấn Độ hợp tác phát triển. Ảnh: Airforce Technology |
Động thái này là một phần trong chiến lược nhằm tăng cường năng lực không quân của Armenia. Việc mua lại máy bay tiên tiến này là lựa chọn thứ hai để nâng cấp vũ khí của quốc gia này. Lựa chọn đầu tiên là hiện đại hóa đội bay chiến đấu Su-30SM hiện có thành biến thể "Super Flanker" thông qua công ty HAL.
Kế hoạch nâng cấp phi đội hiện tại của Armenia đã được đưa ra thảo luận trong một thời gian. Đầu năm 2023, Bulgarian Military đưa tin rằng Không quân Armenia đã để mắt đến việc tích hợp các hệ thống vũ khí của Ấn Độ, đặc biệt là tên lửa không đối đất BrahMos do Nga và Ấn Độ cùng phát triển và tên lửa không đối không Astra.
Một quan chức Ấn Độ cũng xác nhận sự quan tâm của Armenia đối với dự án này, tuy nhiên cuộc đàm phán vẫn đang trong giai đoạn đầu. Ông chỉ ra rằng Su-30SM của Armenia khác với phiên bản Su-30MKI của Ấn Độ, do đó cần có những sửa đổi đặc biệt trong quá trình nâng cấp.
Việc Armenia mua 8-12 tiêm kích Su-30MKI không chỉ là thành tựu đáng kể đối với Ấn Độ và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này mà còn củng cố vị thế của Ấn Độ như một nhà sản xuất và cung cấp thiết bị quân sự quốc tế quan trọng. Những chiếc máy bay phản lực này sẽ mang lại lợi ích kinh tế đồng thời củng cố vị thế của Ấn Độ trên thị trường hàng không chiến đấu toàn cầu.
* Thụy Điển sắp nhận xe chiến đấu bộ binh CV9035 MkIIIC
Theo Army Recognition, Quân đội Thụy Điển sắp tiếp nhận xe chiến đấu bộ binh CV9035 Mk IIIC từ Tập đoàn quốc phòng BAE Systems Hägglunds.
![]() |
Một trong những thay đổi lớn nhất nằm ở hệ thống vũ khí, trong đó pháo Bofors 40mm được sử dụng trên các mẫu tiền nhiệm đã được thay thế bằng pháo Bushmaster 35mm. Ảnh: Swedish MoD |
Tháng 5 vừa qua, Cục Quản lý Vật tư Quốc phòng Thụy Điển (FMV) đã ký hợp đồng với BAE Systems Hägglunds nhằm mua các xe chiến đấu CV9035 Mk IIIC mới thay thế cho các mẫu xe CV9040C, vốn vừa được chuyển giao cho Ukraine.
Mặc dù số lượng xe và giá trị hợp đồng không được tiết lộ, nhưng ước tính có khoảng 50 xe đã được đặt hàng, có giá trị lên tới 360 triệu USD. Việc giao hàng dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến năm 2027.
CV9035 Mk IIIC là sự kết hợp khung gầm CV90 Mk III với tháp pháo của phiên bản Mk IV. Phiên bản mới nhất này đại diện cho đỉnh cao của công nghệ xe chiến đấu hiện đại, cung cấp hỏa lực, khả năng bảo vệ, khả năng cơ động tiên tiến.
Một trong những thay đổi lớn nhất nằm ở hệ thống vũ khí, trong đó pháo Bofors 40mm được sử dụng trên các mẫu trước đó đã được thay thế bằng pháo Bushmaster 35mm với bộ lập trình đạn được điều khiển bởi hệ thống kiểm soát hỏa lực vi tính. Bản nâng cấp pháo này dự kiến sẽ duy trì hiệu quả thông qua việc sử dụng đạn có thể lập trình. Ngoài ra, CV9035 Mk IIIC còn được trang bị hai tên lửa chống tăng RBS 58, phiên bản cải tiến của hệ thống chống tăng Akeron MP, tăng cường khả năng tấn công các xe bọc thép của đối phương, bao gồm cả xe tăng.
CV9035 Mk IIIC cũng được tích hợp hệ thống ngắm ngày/đêm và pháo thủ được trang bị camera ảnh nhiệt ban đêm, rất hữu ích khi chiến đấu trong địa hình phức tạp. Kíp lái bao gồm 3 người và xe có thể chở thêm 7 binh sĩ với trang bị đầy đủ.
Xe có trọng lượng khoảng 35 tấn, phần lớn là do được tăng cường thêm lớp giáp. Xe được lắp các cảm biến và biện pháp đối phó nhằm phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa như tên lửa chống tăng, bao gồm hệ thống phòng thủ chủ động để đánh chặn tên lửa đang bay tới.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
Tin mới
Thuế quan của Mỹ: Tổng thống Mỹ Donald Trump lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận với Trung Quốc dù cuộc chiến thuế quan tiếp tục leo thang khi ông tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc lên 145%.
Unilever đầu tư nhà máy 800 triệu USD tại Mexico bất chấp chính sách thuế của Mỹ
Tập đoàn hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới Unilever đang lên kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy trị giá 800 triệu USD tại bang Nuevo León, miền Bắc Mexico, trong đó đa số sản phẩm sẽ được xuất sang thị trường Mỹ và Canada, bất chấp những thách thức liên quan đến chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump.
Iran cảnh báo có thể trục xuất các thanh sát viên hạt nhân của Liên hợp quốc
Ngày 10-4, một cố vấn của nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei cảnh báo rằng Iran có thể trục xuất các thanh sát viên thuộc cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc khi "các mối đe dọa" gia tăng trước các cuộc đàm phán quan trọng với Mỹ.
Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng với hơn 75 quốc gia trong 90 ngày
Trong một động thái gây bất ngờ, ngày 9-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 nước vì đã không trả đũa và liên lạc để đàm phán.
Quân sự thế giới hôm nay (11-4): Mỹ cho máy bay chiến đấu F-15C huyền thoại “nghỉ hưu”
Quân sự thế giới hôm nay (11-4) có những nội dung sau: Iran đẩy nhanh triển khai mạng lưới căn cứ UAV; Mỹ cho máy bay chiến đấu F-15C huyền thoại “nghỉ hưu”; Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm phiên bản xe chiến đấu bộ binh Tulpar-S.
Hà Nội: Thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân Thủ đô ngày càng tăng cao, đặc biệt vào dịp cao điểm lễ hội, mùa du lịch và thời điểm giao mùa, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đặt ra yêu cầu cấp thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngăn ngừa các nguy cơ mất an toàn thực phẩm có thể gây ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dân.