Quảng Ninh coi trọng xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh
Nằm ở vị trí địa đầu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh mang trong mình những giá trị văn hóa riêng biệt. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa văn hóa truyền thống được chắt lọc từ nhiều vùng miền trong cả nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp. Kế thừa những giá trị văn hóa tốt đẹp, Quảng Ninh đang tích cực xây dựng và phát triển văn hóa phục vụ cho sự phát triển bền vững của địa phương.
Huy động toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa
Quảng Ninh là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc, là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, có truyền thống cách mạng của công nhân vùng mỏ với di sản tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”. Những năm qua, các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chung sức, đồng lòng thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9-3-2018 của Tỉnh ủy Quảng Ninh xác định: “Xây dựng văn hóa trong gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, văn hóa, giáo dục nếp sống cho con người. Nhân rộng mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, ông bà, cha mẹ mẫu mực, vợ chồng hòa thuận, anh em đoàn kết, con cháu hiếu thảo. Xây dựng văn hóa cộng đồng bắt đầu từ việc xây dựng tình làng nghĩa xóm lành mạnh, đoàn kết, văn minh; hoàn thiện các hương ước, quy ước do chính người dân bàn bạc, thảo luận và cùng nhau thực hiện để tạo dựng môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp với vai trò chủ động, tự giác và ý thức nhường nhịn sẻ chia của mỗi người”.
Gia đình ông Bùi Đỗ Sự ở khu phố 2, phường Yên Giang (thị xã Quảng Yên) có 4 thế hệ chung sống với nhau. Trong mái nhà chung, ông bà luôn gương mẫu trong ứng xử, con cháu thảo hiền chăm ngoan, tiến bộ. Với thành tích 22 năm đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", gia đình ông Sự là gia đình văn hóa tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh. Ông Bùi Đỗ Sự chia sẻ: “Gia đình là cái gốc để hình thành và nuôi dưỡng nhân cách văn hóa cho các thành viên. Do vậy gìn giữ nếp nhà, sinh hoạt có văn hóa được gia đình tôi duy trì nhiều năm qua. Cùng với đó, gia đình cũng tích cực tham gia xây dựng tập thể khu phố có văn hóa, góp phần nâng chất lượng cuộc sống của người dân ở khu dân cư”.
Đại diện lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tặng quà học sinh nghèo vượt khó học giỏi ở phường Trà Cổ, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. |
Mỗi gia đình văn hóa là một hạt nhân để xây dựng cộng đồng văn hóa. Vì thế, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm chăm lo xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Mô hình gia đình dù là truyền thống hay hiện đại ở Quảng Ninh đều nói không với bạo lực, các thành viên có kiến thức, kỹ năng sống, yêu thương, đùm bọc. Việc cưới, việc tang được các gia đình tổ chức gọn nhẹ, góp phần tiết kiệm, tránh lãng phí, tạo nét đẹp văn hóa trong đời sống. Tính năm 2022 toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 300.000 gia đình văn hóa, chiếm 95% số gia đình trên địa bàn. Toàn tỉnh có 1.394/1.452 khu dân cư đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”, đạt tỷ lệ 96%.
Từ tháng 4-2021, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thí điểm mô hình khu dân cư văn hóa kiểu mẫu gắn với các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại các xã Vạn Ninh (thành phố Móng Cái), xã Dân Chủ (thành phố Hạ Long), xã Bình Dương (thị xã Đông Triều). Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư, vận động nhân dân triển khai các hoạt động văn hóa bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, phô trương. Cùng với xây dựng đời sống văn hóa ở các địa bàn dân cư, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp cũng được quan tâm chăm lo xây dựng đạt chuẩn về văn hóa, gắn xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái”.
Góp phần tạo chuyển biến mới về diện mạo nông thôn và đô thị
Chúng tôi về phường Trà Cổ (thành phố Móng Cái) là một trong những địa phương tiêu biểu của Quảng Ninh đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa. Trà Cổ có 4/4 khu nhiều năm liền đạt khu phố văn hóa. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Trà Cổ, Trần Ngọc Khải cho biết: “Đảng ủy, UBND phường đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương, pháp luật. Qua đó, các giá trị đạo đức truyền thống, ý thức tôn trọng pháp luật của nhân dân ngày càng được coi trọng. Mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình có tinh thần, trách nhiệm trong việc xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, góp phần xây dựng khu dân cư văn minh, tiến bộ”.
Đến nay, hệ thống hạ tầng về văn hóa được các cấp trong tỉnh Quảng Ninh quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa ở địa phương, tạo điều kiện cho người dân được tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Đến nay, 81/98 xã có trung tâm văn hóa, thể thao (trong đó có 52/81 xã có nhà văn hóa, 79/81 xã có trung tâm thể thao bao gồm nhà luyện tập và thi đấu, sân bóng đá, sân cầu lông, bóng chuyền, bể bơi...) Một số thành phố, thị xã, huyện quan tâm đầu tư dụng cụ thể thao ngoài trời phục vụ nhân dân đến luyện tập như: Vân Đồn, Cẩm Phả, Tiên Yên, Đông Triều, Quảng Yên, Móng Cái...
Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn tỉnh gắn kết chặt chẽ với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về diện mạo nông thôn và đô thị. Thông qua thực hiện phong trào này còn góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh”.
Bài và ảnh: VŨ DUY
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.