Rước họa từ thói quen ăn đồ sống
Thời gian gần đây, nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do ăn các món ăn truyền thống như cá chép muối ủ chua, tiết canh, gỏi cá... không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ Y tế đã lên tiếng khuyến cáo người dân nên từ bỏ các món ăn này nếu không được kiểm soát chất lượng. Thiết nghĩ, đây là việc người dân nên làm để tránh nguy hiểm đến tính mạng và lãng phí tiền của, sức khỏe.
Ngày 23-3, PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Trung tâm đang điều trị hai trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn nguy kịch. Bệnh nhân thứ nhất là anh ĐVK (41 tuổi, ở tỉnh Hưng Yên) bị viêm màng não mủ do liên cầu khuẩn lợn sau 9 ngày ăn tiết canh. Bệnh nhân thứ hai là ông HVE (73 tuổi, ở thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Người nhà bệnh nhân cho biết, trưa 6-3, ông E được hàng xóm cho một con lợn bị ốm, nặng khoảng 50kg; một mình ông đã giết mổ con lợn đó và nấu ăn. Đây là trường hợp điển hình của viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn sau khi có yếu tố dịch tễ là tiếp xúc với lợn ốm chết (trong quá trình giết mổ lợn ốm) và ăn thịt lợn chứa vi khuẩn.
Món tiết canh khiến người dân rất dễ mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn. |
PGS, TS Đỗ Duy Cường cho biết thêm, liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ lợn sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín... Hiện nay, không ít nhà hàng sử dụng tiết lợn pha vào tiết ngan, vịt, dê... để bán nên có những bệnh nhân ăn tiết canh dê, tiết canh ngan nhưng xét nghiệm lại ra vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis. Bệnh liên cầu khuẩn lợn thường ủ bệnh từ vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn, có thể tiêu chảy... nên rất dễ nhầm lẫn với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Trường hợp nặng, người bệnh có biểu hiện ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, mê sảng, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu, sốc nhiễm trùng và tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh liên cầu lợn có tỷ lệ tử vong lên tới 20-30%; nếu được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, phổ biến là điếc không hồi phục.
Cũng về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa I, Thiếu tá Phạm Việt Anh, Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) thông tin với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bệnh nhân sẽ có nguy cơ nhiễm sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ do ăn cá sống, ăn gỏi cá và bệnh liên cầu khuẩn lợn khi ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín. Mọi người thường sai lầm khi cho rằng, lợn do gia đình nuôi, lợn chăn nuôi dân dã, thả rông là lợn sạch nên có thể ăn tiết canh. Thực tế, dù lợn được chăn nuôi trong điều kiện nào thì vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn nếu ăn tiết canh hoặc thức ăn không bảo đảm vệ sinh, an toàn. Tỷ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn lợn không triệu chứng trong một đàn lợn chiếm trên 60%. Bác sĩ Việt Anh cho biết thêm: “Bệnh nhân nhiễm sán lá gan thường có biểu hiện đau bụng kéo dài, chán ăn, mệt mỏi, gầy sút. Sán lá gan nhỏ có thể sống trong cơ thể người đến 25 năm. Chúng sống trong gan, gây sỏi mật dẫn đến xơ gan, xơ hóa đường mật. Đáng lưu ý, sán lá gan nhỏ sau nhiều năm tồn tại trong gan có thể gây ung thư đường mật dẫn đến tử vong. Mọi người cần tuân thủ ăn chín uống sôi, tuyệt đối không ăn đồ sống. Ngoài ra, người thường xuyên ăn đồ sống, lại có biểu hiện như sốt, đau đầu, lơ mơ... thì cần phải đi khám sớm”.
Không riêng tiết canh lợn, các bác sĩ cảnh báo, tiết canh ngan, vịt, dê... cũng chứa nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây hại cho sức khỏe, nhất là não nên chi phí điều trị rất tốn kém, lên tới hàng trăm triệu đồng. Mặc dù vậy, nhiều người dân vẫn chủ quan, coi thường sức khỏe, tính mạng. Có dịp về quê ở xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông (Phú Thọ) vào dịp cuối tuần, chúng tôi ghi nhận nhiều người dân vẫn ăn các món tiết canh, đặc biệt là tiết canh lợn vào buổi sáng. Anh Nguyễn Văn Minh ở xã Vạn Xuân cho biết: “Đài, báo tuyên truyền thế nhưng theo tôi cũng tùy con lợn thôi. Con nào ốm, bệnh mới sợ chứ con khỏe mạnh thì lo gì. Tháng nào tôi cũng ăn vài bữa, có bị làm sao đâu. Với lại, uống mấy chén rượu vào là... tiệt trùng hết”. Đây là một nhận thức rất phổ biến của nhiều người mà không hiểu đó là sai lầm chết người.
Các địa phương ở nước ta có rất nhiều món ăn truyền thống đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Bên cạnh những món được hấp, nấu chín, bảo quản lạnh trước khi sử dụng thì còn một số món có cách chế biến, sử dụng không an toàn như tiết canh, gỏi cá, cá muối ủ chua... gây ra nhiều vụ ngộ độc do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh, nhiễm sán sau khi ăn gỏi cá, nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum sau khi ăn cá muối ủ chua. Do đó, để hạn chế những vụ việc đáng tiếc xảy ra, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen ăn uống của người dân. Đặc biệt, người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ chính mình, đừng vì vui miệng mà làm hại bản thân.
Bài và ảnh: TUẤN TRANG
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.