Số lượng cán bộ, công chức cấp xã trong cả nước sắp tăng thêm hơn 7.400 người?
Tại dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Bộ Nội vụ đề xuất quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Vừa qua, Bộ Nội vụ cũng đã tổ chức hội thảo góp ý kiến về nội dung nghị định này.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là một nội dung đột phá. Theo đó, sẽ tăng thêm biên chế đối với cấp xã nên phải báo cáo Bộ Chính trị để bổ sung số biên chế này.
Theo Điều 6 dự thảo Nghị định, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tính theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể như sau: - Đối với xã, thị trấn: Loại I là 22 người; loại II là 20 người, loại III là 18 người. - Đối với phường: Loại I là 23 người; loại II là 21 người; loại III là 19 người. Dự thảo cũng quy định, với những xã có dân số lớn hơn so với tiêu chuẩn về quy mô dân số của đơn vị hành chính cấp xã thì được tăng thêm số lượng công chức ở cấp xã như sau: - Phường thuộc quận: Cứ tăng thêm đủ 5.000 người được tính thêm 1 công chức; - Phường thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương: Cứ tăng thêm đủ 3.500 người được tính thêm 1 công chức. - Phường thuộc thị xã và xã miền núi, vùng cao: Cứ tăng thêm đủ 2.500 người được tính thêm 1 công chức; - Thị trấn và xã đồng bằng: Cứ tăng thêm đủ 4.000 người được tính thêm 1 công chức; - Xã và thị trấn ở hải đảo: Cứ tăng thêm đủ 1.600 người được tính thêm 1 công chức; - Phường ở hải đảo: Cứ tăng thêm đủ 1.400 người được tính thêm 1 công chức.
Người dân làm thủ tục hành chính tại Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, chi nhánh huyện Phú Xuyên. Ảnh minh họa |
Dự thảo nghị định nêu rõ: Quy mô dân số để xác định số lượng cán bộ, công chức cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, nhưng phải bảo đảm tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã thuộc các đơn vị hành chính cấp huyện không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã tính cho cả đơn vị hành chính cấp tỉnh theo quy định.
Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định số lượng cụ thể cán bộ, công chức ở từng đơn vị hành chính cấp xã và bố trí số lượng công chức của từng chức danh công chức cấp xã thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị hành chính cấp xã.
Số lượng cán bộ, công chức ở từng đơn vị hành chính cấp xã có thể thấp hơn mức của cấp xã loại III, hoặc có thể cao hơn mức của cấp xã loại I, nhưng phải bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã của cả đơn vị hành chính cấp huyện được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao.
"Số lượng cán bộ, công chức cấp xã quy định nêu trên bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã. Trường hợp luân chuyển về đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25-1-2016 của Chính phủ về số lượng Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân", theo dự thảo Nghị định này.
Như vậy, dự thảo nghị định xác định số lượng cán bộ, công chức cấp xã tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã và được tăng thêm theo dân số của từng cấp xã.
Theo đó, ước tính số lượng cán bộ, công chức cấp xã trong cả nước tăng thêm 7.418 người so với quy định hiện hành và tương ứng cũng tăng thêm 7.418 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tính theo quy định này.
THẢO PHƯƠNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.