Sức bật Ninh Bình
Với vị trí địa lý thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi cùng bề dày lịch sử, Ninh Bình đã tận dụng được lợi thế, vươn lên phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2023 đã khép lại với nhiều thành tựu đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình. Đó là động lực để tỉnh Ninh Bình tạo ra những bứt phá mạnh mẽ hơn trong năm 2024, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025.
“5 rõ” và thành quả vượt khó
Đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, chi phí đầu vào và áp lực cạnh tranh gia tăng... là những khó khăn trong phát triển kinh tế mà tỉnh Ninh Bình phải đối mặt trong năm 2023 do những tác động tiêu cực của tình hình thế giới và khu vực. Nhưng với nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh vẫn đạt 7,27%; cao hơn mức bình quân của cả nước. Đặc biệt, các ngành dịch vụ phát triển mạnh mẽ, nhất là dịch vụ du lịch với giá trị GRDP tăng 13,23% so với năm 2022. Như vậy, 2023 là năm thứ hai liên tiếp Ninh Bình có tốc độ tăng trưởng cao với hai con số, tiếp tục tác động, lan tỏa, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Đây cũng là động lực tăng trưởng chính của tỉnh trong năm 2023. Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên; hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh và có hiệu quả; hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng; quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Cảnh đẹp Ninh Bình trong Tuần du lịch "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" năm 2023. Ảnh: NHÃ TẤN |
Đáng chú ý, năm 2023, Ninh Bình tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhiều công trình, dự án đã giải phóng mặt bằng và thi công vượt so với tiến độ dự kiến ban đầu. Điển hình, đã hoàn thành và đưa tuyến đường kết nối Quốc lộ 12B với Quốc lộ 21B đoạn từ cầu Tu đến cầu Cọ vào sử dụng, rút ngắn khoảng 2/3 tiến độ thời gian; phối hợp tổ chức khánh thành cao tốc đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45; cơ bản hoàn thành, thảm asphalt và kết nối đoạn đầu tuyến đường Đông-Tây liên thông với nút giao lên đường cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45; cơ bản hoàn thành xây dựng Nhà văn hóa trung tâm tỉnh... Đây là những công trình dự án quan trọng, có vai trò chiến lược tạo động lực, mở ra không gian, dư địa và bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trước mắt và có tầm chiến lược, dài hạn.
Đối với ngành công nghiệp-một trong những động lực tăng trưởng của tỉnh, năm 2023 được đánh giá là năm đặc biệt khó khăn đến từ sự sụt giảm tổng cầu, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Nhưng, bằng nỗ lực vượt khó, sản xuất công nghiệp của tỉnh Ninh Bình cũng có cú lội ngược dòng ấn tượng. Những tháng cuối năm, sản xuất công nghiệp dần phục hồi, để sản xuất công nghiệp đạt được mức tăng trưởng dương 1,51% so với năm 2022.
Theo đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII. Ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành và quyết tâm thực hiện Chương trình công tác năm với 198 nhiệm vụ trọng tâm và các nhiệm vụ đột xuất phát sinh. Đặc biệt, UBND tỉnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ thời gian, rõ trách nhiệm", thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để vượt qua khó khăn, thách thức nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển dài hạn, vì sự phát triển của tỉnh và đất nước.
Kiên định mục tiêu phát triển “Xanh, bền vững và hài hòa”
Năm 2024 là thời điểm Ninh Bình tăng tốc, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đã đề ra. Năm 2024, Ninh Bình đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tốc độ tăng GRDP đạt 7,6%, GRDP đầu người đạt 94 triệu đồng, thu ngân sách trên địa bàn đạt 18.613,5 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,25 tỷ USD, thu hút 7,5 triệu lượt khách du lịch... cùng nhiều chỉ tiêu quan trọng khác. Tuy nhiên, dự báo tình hình thế giới và khu vực năm 2024 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đặt ra thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc cho biết, bám sát quan điểm phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, năm 2024, tỉnh Ninh Bình tiếp tục kiên định các mục tiêu, phát triển kinh tế-xã hội theo hướng “Xanh, bền vững và hài hòa”, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội; trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa-lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất cố đô và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An làm nền tảng, nguồn lực và động lực phát triển...
Phân tích những thuận lợi, khó khăn mà tỉnh đang phải đối mặt, như vấn đề cơ cấu kinh tế-xã hội, chất lượng phát triển, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhấn mạnh, tinh thần chung của năm 2024 là phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2023 để tăng tốc, bứt phá, về đích, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020-2025. Những nhiệm vụ quan trọng mà UBND tỉnh và các cấp, các ngành cần tập trung trong năm 2024 và những năm tiếp theo, đó là các nhiệm vụ liên quan đến công tác thu hút đầu tư; tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, vùng miền; bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của vùng nông thôn trong quá trình thực hiện đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; kiến tạo cái mới, tạo điểm nhấn; chú trọng nhiệm vụ cơ cấu, cơ cấu lại ngành, lĩnh vực, vùng; chú trọng mô hình tổ chức chính quyền đô thị di sản; phải có sự kết nối, chia sẻ trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ và phân vai phù hợp cho từng cơ quan, đơn vị.
Với vị trí địa lý thuận lợi, Ninh Bình có điều kiện tăng cường giao lưu kinh tế-xã hội, văn hóa với không chỉ các tỉnh, thành phố nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, khu vực Duyên hải Bắc Bộ mà còn với các tỉnh và thành phố trong vùng Thủ đô Hà Nội, khu vực miền núi Tây Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình còn có một vị thế quan trọng trong chiến lược phát triển tuyến hành lang ven biển nhằm tăng cường, thúc đẩy các hoạt động kinh tế với nhiều lợi thế và điều kiện để phát triển nhanh và bền vững. Đây là tiền đề, động lực để Ninh Bình tiếp tục kỳ vọng hoàn thành những mục tiêu đặt ra, vì sự phát triển của tỉnh và đất nước.
VŨ DUNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.