Sức trẻ trên vùng đất khó Quảng Sơn
Năng động, dám nghĩ, dám làm, luôn xung kích đi đầu trong thực hiện những phần việc khó, sau gần một năm cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, các trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) Quảng Sơn (Công ty TNHH MTV Cà phê 15, Quân khu 5) đã tạo được dấu ấn, tình cảm tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương.
Sau 20 năm khai thác, vườn cà phê rộng gần 1,5ha của gia đình ông Lê Văn Biên, 52 tuổi, trú tại thôn Đắk Snao, xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã trở nên già cỗi khiến năng suất, chất lượng giảm rõ rệt. Phương án phá đi trồng lại tuy khá tối ưu nhưng số tiền đầu tư có thể lên đến hàng chục triệu đồng và quan trọng nhất, trong 3-4 năm tới, gia đình ông sẽ không có nguồn thu để trang trải cuộc sống, lo việc học tập cho con, nên sau nhiều ngày suy tính, vợ chồng ông Biên vẫn chưa tìm ra được lời giải. Trước thực tế đó, đầu năm 2022, từ nguồn kinh phí, vật tư của công ty, các TTTTN Đoàn KT-QP Quảng Sơn đã hỗ trợ gia đình ông gần 60 ngày công tiến hành cưa gốc, ghép chồi thí điểm 0,3ha cà phê già cỗi nhất ở bên kia sườn đồi, cách xa nguồn nước. Nhờ tận dụng được những gốc cây bố mẹ khỏe mạnh, đã ăn sâu bám rễ trong lòng đất nên vườn cây trẻ hóa sinh trưởng, phát triển tốt, có thể bói trở lại sau hai năm nữa. Được các TTTTN tận tình hướng dẫn kỹ thuật tuyển chồi, cắt ghép, chăm sóc mầm non, ông Biên dự định thời gian tới sẽ từng bước trẻ hóa toàn bộ vườn cây.
Trí thức trẻ tình nguyện và bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng Quảng Sơn hướng dẫn người dân kỹ thuật cắt ghép, chăm sóc, trẻ hóa vườn cà phê. |
Cũng tại thôn Đắk Snao, sau hai năm cưa ghép, đến nay, vườn cà phê của gia đình ông Sùng A Nhà do bộ đội và các TTTTN hỗ trợ trẻ hóa đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo ước tính, với 300 gốc cà phê cưa ghép, vụ này, ông Nhà sẽ thu được khoảng 4 tấn cà phê tươi, cao hơn trước 30%. Nếu chăm sóc tốt, sản lượng các năm sau sẽ tiếp tục tăng vì vườn cây vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Cách vườn cây của gia đình ông Nhà khoảng 5km, phía bên kia cánh rừng, 1ha cà phê trẻ hóa của vợ chồng ông K’Dai cũng đang phát triển xanh tốt, nhiều cây đã cho thu bói, là địa điểm tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm thường xuyên của người dân trong vùng. Thượng tá Hoàng Văn Hiển, Chính trị viên Đoàn KT-QP Quảng Sơn cho biết: “Bằng tình cảm, trách nhiệm với bà con, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ hơn 22.000 mầm chồi giúp bà con cải tạo 23ha cà phê già cỗi; xuất cấp gần 19 tấn phân bón vi sinh cho 26 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã Quảng Sơn và Đắk R’măng (Đắk Glong). Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đoàn và đội ngũ TTTTN, nhiều gia đình đã từng bước vươn lên thoát nghèo, là điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương”.
Ngoài công việc chuyên môn ở cơ quan, đơn vị, các TTTTN còn luôn tích cực bám buôn, bám bản làm công tác dân vận, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế hộ gia đình. Là địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, song những năm gần đây, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết, bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em ở Quảng Sơn đã gần như chấm dứt. Thực hiện nếp sống văn minh, hiện đại, xây dựng nông thôn mới, việc ma chay, cưới hỏi của đồng bào Mông, M’nông, Tày, Nùng, Thái, Dao ở các thôn Đắk Snao, Quảng Hợp, Quảng Tiến và các bon Bu Sir, N'Doh, N'Ting, Phi Glê, R'Bút, Rlong Phe, Sa Nar giờ đây đã có nhiều đổi mới, vừa tiết kiệm thời gian, công sức, của cải, vừa gìn giữ, phát huy được những nét đẹp truyền thống vốn có của dân tộc mình.
Từ thành công ngoài mong đợi của lớp phụ đạo hè 2022, đều đặn mỗi tuần hai buổi, TTTTN Y Trốt Ktala, Hoàng Văn Ba, Lê Thị Thúy Nga, Đinh Thị Khánh Huyền... của Đoàn KT-QP Quảng Sơn lại đến tận nhà kèm cặp, bảo ban, hướng dẫn các em học sinh học tập ngày càng tiến bộ. Sinh sống nơi vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, song ngày nghỉ cuối tuần của các em vẫn luôn đầy ắp tiếng cười. Dưới sự hướng dẫn của các TTTTN, các em rất hào hứng tham gia những trò chơi như: Ai là nhạc trưởng, cướp cờ, rồng rắn lên mây, ô ăn quan... Những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về phòng, chống đuối nước, băng bó cứu thương; cách xử trí khi bị rắn, rết, côn trùng cắn; cách nhận biết các loại nấm độc, cây độc trong rừng... được các TTTTN hướng dẫn, các em dần ý thức hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của bản thân và mọi người xung quanh.
Thành công bước đầu là niềm vui, động lực, hành trang quan trọng để 20 TTTTN Đoàn KT-QP Quảng Sơn tiếp tục cống hiến, đóng góp sức mình làm đổi thay một vùng đất khó.
Bài và ảnh: AN KHANG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.