• Click để copy

Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đi đôi với xử lý nợ xấu

Thời gian qua, bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Để góp phần vào mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ ổn định các yếu tố kinh tế vĩ mô thì ngành ngân hàng cần tiếp tục có những biện pháp quyết liệt trong việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu.

Bảo đảm an toàn hoạt động ngành ngân hàng 

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến ngày 15-6-2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Trong công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, NHNN Việt Nam tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (Đề án 689). Các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các TCTD về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam. Ảnh: PHẠM HÙNG

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam. Ảnh: PHẠM HÙNG

Phó thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đã không ngừng triển khai mọi cơ chế, chính sách, cố gắng tích cực nhất có thể bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Đồng thời tiếp tục vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh của hệ thống TCTD, từng bước cơ cấu các TCTD yếu kém, hạn chế tổn thất xảy ra. 

Vào tháng 10-2022, diễn ra sự kiện chưa từng có trong lịch sử với việc rút tiền hàng loạt ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), nguy cơ tác động lan truyền đến hệ thống rất lớn. Trong bối cảnh đó, NHNN Việt Nam quyết định tập trung ưu tiên vừa ổn định thị trường ngoại hối, đặc biệt bảo đảm an toàn hoạt động các TCTD, vừa bảo đảm chi trả cho người dân.

Sau khi thanh khoản ổn định lại, NHNN Việt Nam mới điều chỉnh tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, với diễn biến trong sự đổ vỡ của các ngân hàng Mỹ cũng như vụ sụp đổ của Ngân hàng Credit Suisse (ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sĩ) trong thời gian qua cho thấy, việc bảo đảm an toàn hoạt động của ngành ngân hàng nước ta là hết sức cần thiết. Trong đó, việc chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng cần được ưu tiên hàng đầu bởi nếu tỷ lệ nợ xấu quá cao thì các ngân hàng sẽ có nguy cơ mất vốn, mất thanh khoản và dẫn tới mất lòng tin của khách hàng, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ. 

Nâng cao chất lượng tín dụng 

Nhằm đẩy nhanh và có hiệu quả quá trình cơ cấu lại các TCTD, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8-6-2022 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Trong đó hoàn thiện khung pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng...

Về giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của hệ thống các TCTD, Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng (ban hành tháng 8-2022) đã đề ra các nội dung cụ thể về: Nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, quản trị kinh doanh, tính minh bạch trong hoạt động của TCTD; hiện đại hóa ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển mạng lưới các TCTD; nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng.

Đặc biệt, Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng đã quy định cụ thể về xử lý nợ xấu, bao gồm các nội dung: Xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng đối với các TCTD; nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC)...

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Cơ điện TOMECO trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: VŨ DUNG  

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Cơ điện TOMECO trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: VŨ DUNG  

Hiện tại, có 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, chuyển nhượng bắt buộc (được Nhà nước mua lại với giá 0 đồng và giao cho các ngân hàng lớn điều hành) gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DongABank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank). Riêng với SCB, từ cuối tháng 10-2022, NHNN Việt Nam đã đưa TCTD này vào diện kiểm soát đặc biệt. Đến nay, NHNN Việt Nam vẫn tiếp tục kiểm soát ngân hàng này, đồng thời từng bước duy trì hoạt động ổn định và hạn chế những khó khăn cho SCB.

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là một việc tồn đọng và rất khó xử lý. Tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã rất khó, trong điều kiện hiện nay lại càng khó hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt thực hiện. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ đã họp với ngành ngân hàng và yêu cầu tiến hành quyết liệt các giải pháp để tái cơ cấu. Cho đến nay, các ngân hàng yếu kém đã trình xin chủ trương của các cấp có thẩm quyền. Hiện nay, NHNN Việt Nam cùng các bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đang thực hiện quyết liệt các bước trước khi phê duyệt Đề án chi tiết theo đúng chủ trương của cấp có thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, trong năm 2022, Vietcombank đã hoàn thành việc xây dựng phương án nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém. Trong năm 2023, một trong 6 trọng tâm mà ngân hàng này sẽ tập trung là triển khai đúng tiến độ đối với phương án nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém này.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho hay, VPBank là một trong 4 ngân hàng thực hiện tái cơ cấu các TCTD thuộc diện chuyển nhượng bắt buộc. Tuy nhiên, hiện tại việc này đang trong quá trình nghiên cứu đề xuất phê duyệt.  

Hạn chế nợ xấu phát sinh mới

VAMC đang là đơn vị hoạt động tích cực trong việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng. Hoạt động mua bán nợ theo giá trị thực tế được VAMC triển khai từ năm 2017 và ngày càng được đẩy mạnh qua các năm. Kết quả đến ngày 31-5-2023, VAMC mua nợ theo giá trị thực tế 400 khoản nợ với giá mua là 12.934 tỷ đồng.

Qua đó góp phần tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường đồng thời khẳng định được vai trò của VAMC là công cụ đặc biệt trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần xử lý nhanh, dứt điểm và đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD về mức an toàn. Nhờ vậy, giúp khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc cơ cấu lại các TCTD gắn liền với xử lý nợ xấu cần phải hướng tới mục tiêu cao nhất là lành mạnh hóa thị trường tài chính tiền tệ, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu tâm tới vấn đề kiểm soát và xử lý nợ xấu trong điều kiện các hoạt động kinh tế suy giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại yếu kém; bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống; chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới.

NGUYỄN ANH VIỆT

Bài liên quan

Tin mới

Israel không kích các cứ điểm của Hezbollah ở Lebanon
Israel không kích các cứ điểm của Hezbollah ở Lebanon

Ngày 19-9, Israel triển khai hàng loạt máy bay chiến đấu thực hiện các đợt không kích dữ dội nhằm vào các cứ điểm của lực lượng Hezbollah tại Lebanon.

Tàu 18 rời Australia, hoàn thành tốt các nhiệm vụ tại Kakadu 2024
Tàu 18 rời Australia, hoàn thành tốt các nhiệm vụ tại Kakadu 2024

Sáng 20-9, Tàu 18 thuộc Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân do Đại tá Nguyễn Việt Anh, Phó tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân là Trưởng đoàn đã rời cảng Coonawarra, thành phố Darwin, Australia, bắt đầu hành trình về nước sau khi hoàn thành tốt tất cả các khoa mục tại Diễn tập Kakadu 2024 do Hải quân Hoàng gia Australia đăng cai tổ chức.

Các trường hợp dự án đầu tư có sử dụng đất phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
Các trường hợp dự án đầu tư có sử dụng đất phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Tỉnh Quảng Trị di dời khẩn cấp 84 hộ dân
Tỉnh Quảng Trị di dời khẩn cấp 84 hộ dân

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều 19-9 trên địa bàn huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) có mưa vừa, mưa to đến rất to gây chia cắt các ngầm tràn trên các tuyến quốc lộ, đường liên xã, đường nội thôn ở một số địa phương. Đặc biệt, tại một số khu vực thuộc huyện Hướng Hóa có nguy cơ sạt lở núi gây ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống nhân dân.

Quảng Bình sơ tán 3.059 người phòng tránh bão số 4
Quảng Bình sơ tán 3.059 người phòng tránh bão số 4

Do ảnh hưởng của bão số 4, đến 5 giờ sáng 20-9, các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã tổ chức sơ tán 874 hộ với 3.059 người ra khỏi vùng có nguy cơ cao do sạt lở.

Hà Nội phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Hà Nội phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch số 269/KH-UBND về việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh tháng 9 và quý IV/2024.