Tại sao ICBM là vũ khí tiến công cấp chiến lược đối với mọi quốc gia?
Tuần qua, vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn với tên gọi Hwasong-19 của Triều Tiên nhận được sự quan tâm lớn của giới chuyên gia quân sự quốc tế.
ICBM của Triều Tiên đã đạt trần bay tối đa lên tới 7.687,5km, cao hơn quỹ đạo hoạt động của Trạm không gian quốc tế (ISS) nhiều lần.
Điều này không chỉ xuất phát ở việc phát triển ICBM nhiên liệu rắn là công việc không dễ dàng đối với cả các cường quốc, mà còn là việc Bình Nhưỡng phát triển loại vũ khí tiến công chiến lược này trong điều kiện bị bao vây, cấm vận. Vậy ICBM có gì đặc biệt và tại sao nó lại luôn được coi là “nắm đấm chiến lược” với mọi quốc gia sở hữu?
Tại sao ICBM là vũ khí chiến lược?
Phân loại đầu tiên của tên lửa đạn đạo được xác định là ICBM phải có tầm bắn đạt trên 5.600km. Nó có khả năng bay ra ngoài khí quyển hoặc ở tầng ngoại vi khí quyển trái đất để đưa đầu đạn tấn công các mục tiêu ở lục địa khác.
Điều này xuất phát chính từ Chiến tranh Lạnh khi Liên Xô và Mỹ chạy đua vũ trang. Khoảng cách lớn giữa hai siêu cường và sự tiến bộ của công nghệ tên lửa đã khiến các bên phát triển các loại vũ khí tiến công chính xác tầm xa thay vì các loại vũ khí truyền thống như máy bay, bom đạn; có thể đưa vũ khí hủy diệt tới lãnh thổ đối phương trong vòng vài chục phút.
Tên lửa Hwasong-19 của Triều Tiên rời bệ phóng hôm 31-10. Ảnh: KCNA |
Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Mỹ John Pike, tên lửa ICBM rất dễ nhận biết vì chúng thường có kích thước lớn với nhiều tầng đầy. Mục đích là đưa đầu đạn lên quỹ đạo và hồi quyển để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lớn.
"Các ICBM tạo ra vấn đề bởi vì chúng cho phép một nước phá vỡ phạm vi khu vực và hướng tới tác động toàn cầu tiềm ẩn", ông John Pike nhận định.
Với nguyên tắc hoạt động tương tự như tên lửa đẩy vệ tinh, ICBM có thể sử dụng nhiên liệu lỏng, rắn hoặc kết hợp cả hai. Các loại nhiên liệu này đều có ưu nhược điểm khác nhau tùy vào phương thức phóng. Tuy nhiên, phức tạp nhất chính là nhiên liệu rắn với kết cấu khối nhiên liệu đẩy đặc biệt và cần sự tính toán chính xác rất cao trong quá trình chế tạo.
Đối với siêu cường như Nga và Mỹ, ICBM nhiên liệu rắn với thời gian chuyển trạng thái ngắn thường được sử dụng cho các đòn tấn công phủ đầu, trong khi đó ICBM nhiên liệu lỏng với khả năng mang trọng lượng đầu đạn lớn, tầm bắn xa hơn phù hợp với các đòn tấn công quyết định. Mô hình này có thể thấy rõ với các mẫu RS-24 Yars sử dụng nhiên liệu rắn hay RS-28 Sarmat sử dụng nhiên liệu lỏng của Nga. Còn Quân đội Mỹ hiện đang duy trì ICBM Minuteman III, loại tên lửa có thể bay với tốc độ tối đa khoảng 24.000km/giờ. Với tầm bắn lên tới hơn 10.000km, về cơ bản các ICBM của Mỹ và Nga có thể tấn công mọi vị trí trên trái đất trong vòng khoảng 30 phút.
Các mẫu ICBM hiện đại thường có kết cấu 3 tầng đẩy. Với tầng đẩy đầu tiên đóng vai trò như động cơ tăng tốc giúp tên lửa đạt tốc độ lý thuyết và độ cao cần thiết trước khi kích hoạt tầng đẩy thứ 2 để đưa khối chiến đấu ra ngoài khí quyển. Tầng đẩy thứ 3 và module chiến đấu (các đầu đạn hạt nhân) sẽ tự điều hướng để các đầu đạn (MKV) hồi quyển chính xác để tấn công các mục tiêu trên mặt đất bằng tốc độ siêu vượt âm (có thể đạt tới Mach 20, gấp 20 lần tốc độ âm thanh). Về cơ bản khi đầu đạn đã hồi quyển, việc đánh chặn chúng rất khó khăn, thậm chí là phải sử dụng vũ khí hạt nhân để công phá.
ICBM RS-28 Sarmat của Nga được nạp vào giếng phóng cố định. Ảnh: RIAN |
Theo tờ Topwar, một trong những yếu tố quan trọng giúp ICBM tấn công chính xác chính là hệ thống dẫn đường phức hợp với khả năng hoạt động trong những điều kiện khắc nghiệt nhất của chiến tranh hạt nhân. ICBM thường sử dụng kết hợp giữa hệ thống định vị quán tính thông qua con quay hồi chuyển để xác định vị trí trong không gian. Hệ thống này còn được hiệu chỉnh thông qua bản đồ hình sao (căn cứ vào vị trí các ngôi sao trên bầu trời) để dẫn đường chính xác. Chính vì thế, các ICBM hiện đại chỉ có sai số lệch mục tiêu khoảng vài trăm mét.
Sai số trên là quá nhỏ với các đầu đạn hạt nhân cỡ vài trăm Kiloton hay vài Megaton trên các ICBM. Đây cũng là lý do khiến ICBM là vũ khí cấp chiến lược vì khi chúng được sử dụng đồng nghĩa với chiến tranh tổng lực hay chiến tranh hạt nhân toàn diện.
Chế tạo ICBM có dễ dàng?
Theo đánh giá của tờ Vzglyaz, ICBM chính là tổng hòa của nhiều công nghệ phức tạp và tinh vi. Có thể kể đến như công nghệ vật liệu, khí động học, động cơ phản lực hay tự động hóa…
Có thể lấy ví dụ, ICBM được chế tạo từ các hợp kim đặc biệt vừa có khả năng chịu nhiệt, không bị biến dạng, nhưng phải có trọng lượng nhẹ. Hay ví dụ khác chính là khả năng hoạt động tự động hóa khi tách tầng hay giải phóng module chiến đấu của ICBM trong không gian. Tất cả những yếu tố này cần sự chính xác tính tới từng tích tắc. Vì mọi sự sai lệch đều có thể dẫn tới nhẹ nhất là tên lửa lệch quỹ đạo, còn nặng hơn là phá hủy tên lửa trong không gian.
ICBM chính là kiệt tác công nghệ, thể hiện sức mạnh khoa học - kỹ thuật của quốc gia sở hữu. Ảnh minh họa: Defense News |
Minh chứng chứng rõ ràng nhất cho quá trình phát triển ICBM chính là các vụ phóng tàu không gian hay các vụ thử tên lửa đẩy vệ tinh thất bại trong quá khứ.
Theo tờ Vzglyaz, mỗi ICBM được cấu thành từ hàng chục nghìn linh kiện khác nhau với các yêu cầu kỹ thuật phức tạp khác nhau. Quá trình phát triển chúng đòi hỏi quốc gia sở hữu phải tiêu tốn nguồn lực đáng kể, cũng như có nền khoa học cơ bản tốt để thực hiện. Điều này giúp giải thích tại sao trên thế giới hiện nay chỉ có số ít quốc gia sở hữu công nghệ chế tạo ICBM hoàn chỉnh.
Có thể nói, dù ICBM là vũ khí tấn công cấp chiến lược, nhưng nó cũng là kiệt tác công nghệ đối với bất kỳ quốc gia nào sở hữu!
TUẤN SƠN (tổng hợp)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.