Tận dụng lợi thế cây ngô, cây sắn tại Tây Nguyên
Từ hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu gạo. Thế nhưng, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia phải nhập khẩu một lượng lớn ngô, sắn, đậu tương... làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tây Nguyên đang là vùng có lợi thế để phát triển cây ngô, cây sắn để làm nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, đồng thời góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp.
Nhiều triển vọng phát triển
Năm 2022, ngành chăn nuôi của Việt Nam tăng trưởng 5,93%, chiếm hơn 20% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Thức ăn chăn nuôi hiện chiếm khoảng 60-70% giá thành sản xuất của sản phẩm chăn nuôi. Do đó, nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm chăn nuôi.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho rằng: "Việc nghiên cứu, khảo sát để cung ứng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu luôn là nỗi trăn trở lớn nhất của ngành chăn nuôi bấy lâu nay". Vì vậy, những vùng có lợi thế để phát triển các sản phẩm phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi cần được tận dụng.
Thu hoạch ngô chuyển gene giống NK 7328Bt/GT ở xã Xuân Phú, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. |
Theo ông Thái Hồng Lam, chuyên gia của Agriterra (Tổ chức Phát triển Hợp tác xã Hà Lan), từ kết quả nghiên cứu, khảo sát do Bộ NN-PTNT và Agriterra thực hiện tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, cơ quan chức năng đã xác định được một số thế mạnh của vùng này đối với nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, sắn. Các tỉnh được khảo sát đều có thế mạnh về điều kiện thổ nhưỡng, diện tích sản xuất lớn, thời tiết thích hợp cho sản xuất ngô, sắn, đặc biệt là Gia Lai. Hiện năng suất ngô ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên đạt trung bình khoảng 5,99 tấn/ha, cao hơn so với các vùng khác của cả nước (4,93 tấn/ha), riêng ngô chuyển gene có thể cho năng suất lên tới 8-9 tấn/ha. Giá thành sản xuất ngô, sắn tại Tây Nguyên không quá cao (ngô từ 5.500-8.000 đồng/kg; sắn từ 4.400-5.500 đồng/kg). Giá thành như vậy cho thấy cây ngô, cây sắn có hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh khá cao với các cây trồng khác ở Tây Nguyên cũng như với ngô nhập khẩu.
Theo nhận xét của các chuyên gia về nông nghiệp, cây ngô, sắn ở khu vực Tây Nguyên có cơ hội để gia tăng giá trị theo chuỗi giá trị, bao gồm việc đưa giống mới năng suất cao, kháng bệnh, áp dụng các gói kỹ thuật phù hợp, bón phân cân đối, tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, trong đó có công nghệ tưới tiết kiệm để tăng năng suất cho cây ngô, sắn, công nghệ bảo quản, chế biến, vận chuyển, thu gom... Việc nâng cấp, đổi mới chuỗi giá trị như vậy sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và tạo vùng nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp với giá cả cạnh tranh tốt hơn.
Cần cơ chế, chính sách để hỗ trợ trồng ngô, sắn
Ông Willemink Arno, Giám đốc vận hành De Heus Việt Nam cho biết: Trung bình mỗi năm, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của De Heus sử dụng khoảng 3,2 triệu tấn nguyên liệu các loại để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, riêng đối với ngô, De Heus sử dụng từ 800.000 đến 1 triệu tấn (95% nhập khẩu với giá trị 6.700-9.250 tỷ đồng/năm) và 100.000-300.000 tấn sắn lát (75-80% là nguyên liệu nhập khẩu). Lượng ngô trung bình mỗi tháng De Heus cần cung cấp là 70.000-100.000 tấn để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, De Heus cũng có nhu cầu về sắn và các phụ phẩm của sắn để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Việt Nam có tiềm năng rất lớn để sản xuất nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Bởi vậy, tập đoàn này kiến nghị Bộ NN-PTNT và các cơ quan chức năng của Việt Nam cần đẩy mạnh và tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách ưu đãi thuế, vốn tín dụng với lãi suất thấp để hỗ trợ nông dân tham gia chuỗi liên kết đối với cây ngô, sắn. Trên cơ sở này, thời gian tới, Bộ NN-PTNT, Agriterra và De Heus sẽ thảo luận thêm về cách thiết lập các phương án xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, bên cạnh việc sử dụng ngô, sắn làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thì việc tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm của ngành nông nghiệp (trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp); phụ phẩm từ lúa gạo... sẽ góp phần giúp Việt Nam chủ động được nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Chúng ta cần phải xây dựng một nền chăn nuôi vừa hội nhập nhưng cũng phải giữ được sự độc lập, tự chủ, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu sẽ gây tác động không tốt cho ngành chăn nuôi mỗi khi thị trường nguyên liệu trên thế giới có biến động, giá cước vận tải tăng. Việc hợp tác giữa Bộ NN-PTNT, Agriterra và De Heus trong xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên nếu thành công, hiệu quả sẽ góp phần đem lại sự phát triển bền vững hơn cho ngành chăn nuôi Việt Nam, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM
Tin mới
Tinh gọn bộ máy là một cuộc cách mạng để đất nước vươn mình phát triển
Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, cần phải có một bộ máy điều hành được đổi mới từ diện mạo đến phong cách lãnh đạo và tinh thần làm việc của mỗi cá nhân. Hiện tại là thời điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố phù hợp để sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Mức phí bảo vệ môi trường đối với khí thải
Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2024/NĐ-CP ngày 21/11/2024 quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Máy bay chở khách Nga cháy động cơ khi hạ cánh
Ngày 24-11, động cơ của một máy bay Sukhoi Superjet 100 do hãng hàng không Azimuth của Nga vận hành, đã bốc cháy khi máy bay đang hạ cánh xuống thành phố nghỉ dưỡng Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả 95 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã được sơ tán an toàn.
Cảnh báo lừa đảo qua ví điện tử
Gần đây, các thủ đoạn lừa đảo tài chính trực tuyến đang gia tăng, đặc biệt là hình thức giả mạo các tổ chức tài chính để mời gọi người dân vay tiền với lãi suất thấp và thủ tục nhanh chóng. Các đối tượng lừa đảo thường gửi tin nhắn mời chào, giới thiệu các chương trình vay ưu đãi với nhiều cam kết hấp dẫn.
Ủy ban pháp lý Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết về hợp đồng tự động do Việt Nam điều phối
Cuối tuần qua, tại trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) tại New York, Ủy ban các vấn đề pháp lý thuộc Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ (Ủy ban 6) đã họp phiên toàn thể và thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết do Việt Nam chủ trì thương lượng về Luật mẫu về hợp đồng tự động do Ủy ban Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) soạn thảo.
Lai Châu: Khởi tố, tạm giam 02 bị can lừa bán số lượng lớn "Mật gấu" rởm
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 02 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn bán mật gấu giả.