Tạo hứng khởi và niềm tin cho doanh nghiệp
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Đại hội XIV của Đảng sẽ đánh dấu sự mở đầu kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam, kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng, khi mà mọi người dân Việt Nam, trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh; xây dựng thành công một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hiện thực hóa khát vọng hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu theo di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những thành tựu vĩ đại đạt được sau gần 40 năm đổi mới cùng với thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại đem đến thời cơ, thuận lợi mới, nhưng cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới. Bởi vậy, động lực chủ yếu của kỷ nguyên mới là sự đoàn kết nhất trí, ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng, chung sức, đồng lòng, phát huy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và ứng dụng khoa học-công nghệ 4.0 vào tất cả lĩnh vực phát triển và quản lý đời sống vĩ mô và vi mô...
Đặc biệt, động lực hàng đầu cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới là khơi dậy sự hứng khởi và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nổi bật là khơi mở động lực và cơ hội đầu tư, niềm tin chính sách, niềm tin thị trường và trách nhiệm xã hội, khát vọng cống hiến, bản lĩnh, sự tự tin, sự an tâm của mỗi cá nhân, cũng như toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam khi được cả hệ thống chính trị đồng hành tiếp sức.
Thực tế thế giới và trong nước cho thấy, tạo hứng khởi và niềm tin doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở khai thác các thành quả kinh tế thị trường, cách mạng khoa học-công nghệ, hiện đại hóa cơ cấu và thể chế quản lý là cách thức phát triển chung của mọi quốc gia. Đây là một quá trình mở, được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong bối cảnh các cơ hội và nguồn lực phát triển theo chiều rộng đã tới giới hạn, trong khi các yêu cầu và điều kiện phát triển theo chiều sâu đang ngày càng gia tăng áp lực.
Việc kéo dài cách thức đầu tư cũ, chậm đổi mới cơ chế quản lý để phù hợp với bối cảnh thị trường hiện đại sẽ không chỉ làm triệt tiêu động lực tăng trưởng trước đó mà còn tích tụ thêm những xung lực tiêu cực và nguy cơ bùng phát những bất ổn cả về kinh tế và xã hội.
Lễ công bố và tôn vinh các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam năm 2024, ngày 10-11. Ảnh minh họa: gasshipping.com.vn |
Với tinh thần đó, sự hứng khởi và niềm tin doanh nghiệp tỷ lệ thuận với sự tôn trọng, bảo hộ pháp lý, điều kiện thuận lợi, giảm thiểu mọi chi phí kinh doanh và sự thông suốt, minh bạch của thông tin, sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường. Điều này sẽ được củng cố cùng với quá trình đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và đồng bộ giải pháp tạo môi trường đầu tư cởi mở, thân thiện, an toàn, bình đẳng, tạo cơ hội cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến, đột phá trong một số lĩnh vực mới, có lợi thế, tiềm năng.
Cần mở rộng dân chủ hóa xã hội để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị-xã hội và các tổ chức hợp pháp khác có liên quan; mở rộng, hoàn thiện cơ chế đối thoại, tham vấn của các cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước với đội ngũ doanh nhân trong quá trình xây dựng, hoạch định, tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; ngăn ngừa từ sớm, từ xa và xử lý kịp thời, nghiêm khắc mọi hành vi cản trở, nạn tham nhũng, tiêu cực đối với doanh nhân, doanh nghiệp; tăng cường thực chất hoạt động giám sát thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp.
Đồng thời, tập trung tinh gọn bộ máy và nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp; nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm và kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm; tăng cường phân cấp quản lý và sự phối hợp giữa và ngay trong nội bộ các cơ quan, bộ, ngành và địa phương theo tinh thần trên-dưới đồng lòng, dọc-ngang thông suốt, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ thời gian, rõ mục tiêu, rõ kết quả nhiệm vụ được giao, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, bảo đảm quyền đầu tư, kinh doanh của người dân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khiếu nại, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Xóa bỏ các rào cản chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất, kinh doanh, sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, thiếu nhất quán và các biểu hiện lợi ích cục bộ trong xây dựng và thực thi chính sách, xóa bỏ sự bất bình đẳng trong tiếp cận và tạo bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Ngoài ra, nên mạnh dạn chủ động nghiên cứu và tiếp tục cho thực hiện thí điểm hoặc cho phép áp dụng đại trà sau thí điểm ở một số địa phương về một số cơ chế, chính sách có tính đột phá phù hợp để khơi thông và giải phóng các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường truyền thông tích cực tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, nhất là dự báo chiến lược.
Trước mắt, cần tiếp tục tập trung xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện và thực chất về cơ cấu nợ, giãn nợ vay cũ, tiếp tục cho vay mới; giảm và duy trì mức lãi suất cho vay thấp trong thời hạn cho vay đủ dài phù hợp theo chu kỳ kinh doanh; cải thiện điều kiện cho vay tín chấp, cho vay theo chuỗi cung ứng; rà soát và tiếp tục giảm các mức thuế và tiền nghĩa vụ tài chính, các khoản đóng quỹ và các chi phí tiếp cận dịch vụ công khác; phát triển các công cụ nợ, các dịch vụ mua bán nợ và thu hồi nợ trên thị trường vốn...
Cần tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân... Tất cả những điều trên góp phần hình thành một trật tự sản xuất, kinh doanh “mới hơn, có độ mở hơn” với các quan hệ đa dạng, nhiều chiều và tạo chuỗi cung ứng thích hợp, hiệu quả, cũng như tôn trọng nguyên tắc thị trường, tôn trọng pháp luật và để cạnh tranh lành mạnh thực sự trở thành động lực chính yếu giữa các doanh nghiệp, góp phần phân bổ nguồn lực hiệu quả và giữ vững ổn định chính trị-xã hội.
Hơn nữa, cần xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân và hỗ trợ pháp lý cho doanh nhân; mà cốt lõi nhất là liên quan đến các vấn đề mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp, quản trị kinh doanh hiện đại, kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, xu hướng kinh doanh mới và nội dung các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Cùng với đó, cần chú ý tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện doanh nhân tham gia cung cấp một số dịch vụ công phù hợp; thúc đẩy hợp tác, liên kết, phối hợp hoạt động trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức thông qua các hình thức đa dạng; kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các tổ chức đại diện cho doanh nhân, doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao và thống nhất nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, nhân dân và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.
Với nhận thức đúng đắn, quyết tâm chính trị cao, sự nỗ lực thực chất triển khai hiệu quả các giải pháp đồng bộ, nhất quán sẽ tạo hứng khởi và niềm tin cho doanh nghiệp. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát triển ngày càng nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và lành mạnh hơn ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, ngày càng trở thành một trong những lực lượng nòng cốt quan trọng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam.
TS NGUYỄN MINH PHONG
Tin mới
100% đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân
Sáng 27-11, 449/449 đại biểu Quốc hội, đạt tỷ lệ 100% số đại biểu có mặt và 93,74% tổng số đại biểu Quốc hội, đã biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân.
Việt Nam - Đan Mạch tăng cường hợp tác vì một tương lai xanh bền vững
Diễn ra từ ngày 24 đến 26-11, chuyến thăm làm việc tại Đan Mạch của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã mang lại những tín hiệu tích cực cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Đan Mạch.
Mỹ: Các bên chính thức ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực
Nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã ký một biên bản ghi nhớ với Nhà Trắng, qua đó chính thức bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực với chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Joe Biden sau nhiều tuần trì hoãn.
Nga và NATO tăng cường cảnh giác nhau
Trong khi Nga cảnh báo các mối đe dọa quân sự từ NATO, khối này cũng kêu gọi sẵn sàng cho viễn cảnh chiến tranh, tăng chi tiêu quốc phòng, thảo luận về các cuộc tấn công phòng ngừa nhằm vào Nga, khiến bầu không khí căng thẳng leo thang giữa lúc chiến sự ở Ukraine tiếp tục khoét sâu bất đồng giữa các quốc gia.
Mỹ, Pháp công bố lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ngày 26-11 thông báo Israel và Lebanon đã chấp thuận đề xuất của Washington về lệnh ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hezbollah.
Liên hợp quốc ghi nhận số nhân viên cứu trợ thiệt mạng ở mức cao chưa từng có
Hơn 100 quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ) ngày 26-11 ra tuyên bố kêu gọi bảo vệ các nhân viên cứu trợ nhân đạo - những người đang bị mất đi mạng sống với số lượng ở mức cao chưa từng có trong những cuộc xung đột trên toàn thế giới.