Tập trung chăm sóc cây ăn quả bị ảnh hưởng sau bão lũ
Sau bão số 3 và mưa lũ, nhiều diện tích vải thiều, cam, bưởi, táo tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) bị chết, gãy đổ, rụng quả. Để sớm khắc phục thiệt hại, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân đang tập trung thực hiện các biện pháp bảo vệ, chăm sóc cây trồng...
Tìm hiểu thực tế tại nhiều vườn vải thiều, táo, cam, bưởi trên địa bàn các xã: Mỹ An, Quý Sơn, Nam Dương, Thanh Hải, Hồng Giang... sau bão lũ, chúng tôi thấy các vườn đều có chung trình trạng gãy đổ, bùn đất bám kín, lá bị vàng, quả rụng hoặc nứt... Nhiều cây trong số đó đang có dấu hiệu chết héo. Theo thống kê của UBND huyện Lục Ngạn, mưa bão đã làm thiệt hại hơn 6.000ha cây ăn quả trên địa bàn (trị giá hơn 760 tỷ đồng). Trong đó, vải thiều gần 1.500ha; cây táo hơn 2.000ha; cam, bưởi là hơn 2.000ha... Tại một số khu vực, do nước ngập lâu nên khi rút đi, gặp trời nắng đã khiến cho nhiều cây ăn quả bị chết.
Người trồng vải xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn xót xa khi những gốc vải có tuổi đời nhiều năm bị chết do ngập úng. |
Ngậm ngùi tiếc nuối khi chặt bỏ cây chết khô, thuê người xới đất bị phù sa bám chặt để làm lại vườn cây, ông Trương Văn Dựng, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Trắng, xã Mỹ An chia sẻ: “Vào thời gian này những năm trước, tôi còn tất bật chuẩn bị khoanh vùng hoa, chăm lộc để cây vải nhanh chóng đậu quả. Nhưng năm nay sau bão số 3, hơn 200 cây vải, 400 cây táo, 250 cây cam của gia đình đã bị chết. Cả thôn Đồng Trắng có tới hơn 120 hộ bị thiệt hại do mưa lũ, chỉ vài hộ ở trên đồi cao là không bị ảnh hưởng. Khi đất vườn khô ráo, tôi sẽ thuê máy múc toàn bộ số cây ăn quả bị chết, kém phát triển để trồng thay thế. Mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cây giống để gia đình tôi và bà con tái đầu tư sản xuất”.
Tại xã Thanh Hải, nơi có diện tích canh tác cây có múi lớn của huyện Lục Ngạn, hàng trăm héc-ta cây trồng bị rụng quả và chết khô. Dẫn chúng tôi vào vườn, ông Trần Đình Én, ở thôn Tân Trường cho biết: “Năm nay, bão lũ lớn, nước dâng cao cả tuần mới rút khiến mấy chục tấn bưởi da xanh gần đến ngày thu hoạch bị rụng hết, cây thì đổ, cây chết khô. Tôi đang cho dựng lại những cây bị đổ, thu dọn quả rụng và nhanh chóng bơm nước rửa lớp bùn bám trên cây với hy vọng cứu vãn được phần nào hay phần đó. Tuy nhiên, cam là loại cây rất khó chăm sóc, nếu bị ngập nước sẽ ảnh hưởng lớn đến bộ rễ nên nhiều khả năng tôi sẽ phải phá đi trồng lại”.
Để kịp thời khắc phục thiệt hại sau mưa lũ và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trên cây ăn quả, các cơ quan chuyên môn của huyện Lục Ngạn đã tổ chức các đợt tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp canh tác phù hợp đối với từng loại cây ăn quả. Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chức năng, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức các đoàn công tác đi rà soát, thống kê thiệt hại để làm cơ sở đề xuất các biện pháp hỗ trợ theo đúng quy định, bảo đảm tính chính xác, khách quan. Đồng chí Lưu Anh Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn cho biết: “Cây vải thiều, cây cam, bưởi muốn cho quả ổn định phải mất 5 năm, còn cây táo nhanh cũng phải mất từ 1,5 đến 2 năm. Giờ người nông dân chỉ biết chờ trời nắng ráo hẳn rồi thuê người, thuê máy móc đánh bỏ cây chết và trồng lại vụ mới. Đối với những vườn cây bị ngập úng cần khẩn trương đào rãnh, khơi thông dòng chảy, bơm hút nước ra khỏi vườn. Các nhà vườn cần tập trung dọn dẹp cành, cây giập, gãy, đợi đến lúc đất khô ráo thì tiến hành xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới”.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Việc cấp thiết để sớm đưa hoạt động sản xuất cây ăn quả trở lại bình thường là các cơ quan chuyên môn, người dân cần thường xuyên nắm bắt quá trình sinh trưởng của cây, tình hình sâu bệnh sau mưa bão nhằm đưa ra những khuyến cáo, biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp với tình hình, đồng thời có giải pháp hỗ trợ bà con phù hợp nhằm từng bước phục hồi sản xuất, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế”.
Bài và ảnh: HẢI NAM
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.