• Click để copy

Thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam

Chiều 6-11, tại Nhà Quốc hội, ngay sau khi kết thúc phiên họp trong khuôn khổ Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; cho ý kiến về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam

Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều ý kiến kết luận về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; trong đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10, khóa XIII đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến, tốc độ 350km/giờ và giao các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ tám xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, việc đầu tư Dự án phù hợp với chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Quốc hội thông qua; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển mạng đường sắt; phù hợp với quy hoạch của các ngành, các địa phương có liên quan.

Việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. 

Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541km.

Quy mô đầu tư gồm xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Thẩm tra sơ bộ chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất sự cần thiết đầu tư Dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và lý do đã được nêu tại Tờ trình số 685/TTr-CP.

Về nguồn vốn cho dự án, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). So với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Trung ương, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án vượt quá (bằng 114%) tổng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 (tối đa là 1.500.000 tỷ đồng, đã bao gồm cả số dự phòng) và tương đương 59,7% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025. Trong khi giai đoạn 2026-2030, nguồn lực đầu tư công cần ưu tiên tiếp tục đầu tư các dự án, chương trình quan trọng.

Thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam
 Quang cảnh phiên họp.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, với nhu cầu vốn thực hiện dự án rất lớn như trên, để đảm bảo nguồn vốn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để huy động nguồn lực, tăng thu ngân sách nhà nước, cắt giảm chi thường xuyên và có thể phải chấp nhận bội chi ngân sách Nhà nước tăng lên trong một số năm (điều này dẫn đến rủi ro về nhu cầu vay, khả năng huy động và nghĩa vụ trả nợ trong tương lai). Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét thận trọng.

Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta và quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam. Do đó, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả cho dự án thì việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là rất cần thiết. Chính phủ đề xuất 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khác quy định pháp luật hiện hành, do đó đề nghị bổ sung đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng hơn, để có giải pháp phù hợp nhằm hạn chế, khắc phục các tác động tiêu cực và báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về nội dung của các chính sách đặc thù, đặc biệt.

Thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Làm được tuyến đường sắt này thì đất nước chúng ta có điều kiện phát triển hơn nữa

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm đến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải phải sớm hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trình Quốc hội. “Nếu làm được tuyến đường sắt này thì sẽ tạo điều kiện cho đất nước phát triển hơn nữa. Nếu rút ngắn hơn tiến độ so với dự kiến thì càng tốt”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ, ở nước ngoài có những dự án lớn gấp mấy lần dự án đường sắt tốc độ cao nhưng người ta triển khai thi công chưa tới 3 năm. “Thủ tục hành chính do mình đặt ra, vì vậy làm như thế nào để tháo gỡ khó khăn vướng mắc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam là dự án có quy mô chưa từng có ở nước ta, chưa có tiền lệ thực hiện, đã được các cấp thẩm quyền cho ý kiến và đây cũng là dự án tác động tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, nợ công trong điều kiện Việt Nam chưa có công nghệ, chưa có nguồn nhân lực, chưa chủ động được nguồn vốn trong thực trạng ngân sách như hiện nay, nguồn vốn đầu tư dự án chủ yếu từ nguồn vốn vay. Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự án.

Cụ thể, tiếp tục rà soát, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án và phương án thiết kế sơ bộ, bảo đảm tiết kiệm hiệu quả, bổ sung thuyết trình các phương án so sánh, để làm cơ sở lựa chọn hướng tuyến của dự án theo đề xuất của Chính phủ; đánh giá thêm về diện tích trồng lúa, diện tích đất rừng; đánh giá thêm về tác động của dự án tới môi trường; sơ bộ phương án thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, tổ chức thực hiện dự án, đánh giá kỹ yếu tố tác động tới tiến độ của dự án để có phương án phấn đấu, phấn đấu cơ bản tới năm 2035 cơ bản hoàn thành toàn tuyến…

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần có những chính sách vượt trội, đặc biệt cho dự án, tuy nhiên để bảo đảm tính khả thi và tăng tính thuyết phục, đề nghị Chính phủ rà soát lại 19 chính sách và có thuyết minh cụ thể hơn; đánh giá tác động thực sự kỹ lưỡng...

VŨ DUNG

Bài liên quan

Tin mới

Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan

Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.

Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.

Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam

Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.

Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình

Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.