Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp về đổi mới giáo dục mầm non
Sáng 4-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo (Ủy ban) chủ trì Phiên họp của Ủy ban về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Dự hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó chủ tịch Ủy ban; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các thành viên ủy ban.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, phiên họp này của Ủy ban nhằm đóng góp ý kiến vào chương trình “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét.
Theo Thủ tướng Chính phủ, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, giáo dục mầm non vẫn chưa được quan tâm, phát triển đúng mức, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, tập trung nhiều công nhân, lao động...
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. Giáo dục mầm non là bậc học dành cho lứa tuổi nhỏ nhất trong tiến trình phát triển của con người.
“Xây dựng, phát triển con người cần phải được đặt nền móng từ những năm đầu đời nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mĩ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang xây dựng, phát triển đất nước dựa trên nền tảng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
![]() |
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, bậc học Giáo dục mầm non cần tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới căn bản và cũng để bảo đảm giáo dục được đổi mới toàn diện theo đúng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24-11-2023 đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi…
Thủ tướng yêu cầu các ủy viên Ủy ban tập trung thảo luận về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045" nhằm triển khai hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng. Trong đó, chương trình, kế hoạch phải có tư duy dài hạn, tầm nhìn chiến lược, song thực hiện phân kỳ, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện đất nước từng thời kỳ, bảo đảm tính hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận, phân tích, đề xuất các giải pháp, phương pháp, bước đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện vững chắc, nhất là về cơ chế, chính sách, phân bổ, huy động nguồn lực, con người… cho đổi mới, phát triển giáo dục mầm non…
Phiên họp thảo luận sôi nổi xây dựng báo cáo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Các đại biểu phân tích về vị trí, vai trò của giáo dục mầm non; tình hình phát triển giáo dục mầm non thời gian qua; những điểm nghẽn; nguyên nhân của hạn chế, yếu kém…
Theo đó, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng, giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục, đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non. Nhờ đó, giáo dục mầm non đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Hằng năm, có hơn 5,3 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại hơn 15.000 trường mầm non và gần 16.000 cơ sở độc lập; toàn quốc có 56,9% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 82,2%...
Việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã tạo cơ chế, động lực thúc đẩy giáo dục mầm non phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay vẫn xảy ra tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị dạy học.
Trước nhu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới, giáo dục mầm non cần được đổi mới để đáp ứng yêu cầu. Trong đó, mục tiêu là thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi; đổi mới nội dung chương trình giáo dục mầm non; đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực và các điều kiện để thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục mầm non…
Đánh giá cao và cơ bản nhất trí với các báo cáo và ý kiến phát biểu của thành viên Ủy ban, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, giáo dục và đào tạo được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và của toàn dân.
Nêu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, Thủ tướng nhấn mạnh đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non, hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, phù hợp với yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đổi mới giáo dục và đào tạo phải nhằm đào tạo và phát triển toàn diện con người Việt Nam; phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước; đổi mới giáo dục mầm non, cụ thể là đối với trẻ 3-5 tuổi; đổi mới huy động nguồn lực, lấy hợp tác công tư là chính để phát triển giáo dục và đào tạo.
Với yêu cầu xử lý, giải quyết các điểm nghẽn, hạn chế về nhân lực, cơ sở vật chất và sự bất bình đẳng về giáo dục và đào tạo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo..., Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, có cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực cho giáo dục mầm non, nhất là chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng; cơ chế, chính sách huy động nguồn lực con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giáo dục mầm non…
TTXVN
Tin mới
Nhiều trường hợp cố tình vượt đường ngang, uy hiếp an toàn giao thông đường sắt
Ngày 9-4, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường sắt có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là vi phạm qua các đường ngang cảnh báo tự động, có cần chắn tự động, gây thiệt hại lớn về tài sản và uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông đường sắt.
Người dân háo hức chiêm ngưỡng dàn pháo lễ ở bến Bạch Đằng
Không chỉ người dân ở TP Hồ Chí Minh mà nhiều khách du nước trong và ngoài nước không ngại nắng gắt, đến chiêm ngưỡng trận địa pháo lễ phục vụ cho hoạt động diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trên bến Bạch Đằng. Trên bến Bạch Bằng, 15 khẩu pháo được Lữ đoàn 96 (Binh chủng Pháo binh) vận chuyển về khu vực bến Bạch Đằng (phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) để thiết lập trận địa pháo phục vụ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025). Người dân háo hức chiêm ngưỡng dàn pháo lễ ở bến Bạch Đằng Dàn pháo lễ được đặt trang trọng hướng ra sông Sài Gòn. Người dân háo hức chiêm ngưỡng dàn pháo lễ ở bến
Tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến sông
Sáng 9-4, tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát đường thủy số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) tổ chức tuần tra, kiểm soát trên sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn quản lý. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng chức tập trung kiểm tra các bến bãi và phương tiện thủy (tàu, thuyền) đang vận chuyển hàng hóa.
EU công bố danh sách các sản phẩm Mỹ bị đánh thuế đáp trả
Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức công bố danh sách các sản phẩm của Mỹ sẽ bị áp thuế quan trả đũa, đánh dấu bước leo thang mới trong căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Thuế đối ứng của Mỹ bắt đầu có hiệu lực
Mức thuế đối ứng mà Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với hàng chục nền kinh tế thế giới đã có hiệu lực vào lúc 0 giờ 01 phút ngày 9-4 theo giờ Mỹ, tức 11 giờ 01 phút theo giờ Việt Nam.
Thuế quan của Mỹ: Hàn Quốc ứng phó khẩn cấp nhằm cứu ngành công nghiệp ô tô
Trước sức ép từ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 25% đối với ô tô và xe tải nhẹ nhập khẩu, Chính phủ Hàn Quốc ngày 9-4 đã công bố hàng loạt biện pháp hỗ trợ khẩn cấp nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô - một trong những trụ cột xuất khẩu chính của nước này.