Thủ tướng yêu cầu bàn giao Khu công nghệ cao Hoà Lạc cho TP. Hà Nội quản lý trong quý I/2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) khẩn trương bàn giao Khu công nghệ cao Hoà Lạc cho TP. Hà Nội quản lý trong quý I/2023.
Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững”, diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ KH&CN bàn giao Khu công nghệ cao Hoà Lạc cho TP. Hà Nội.
“Tôi đã chỉ đạo đồng chí Huỳnh Thành Đạt (Bộ trưởng Bộ KH&CN - PV) phải khẩn trương bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho TP. Hà Nội quản lý trong quý I/2023”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị, nhân đây, Bộ KH&CN cần rà soát, đánh giá mô hình quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để rút kinh nghiệm làm căn cứ tập trung phát triển, quản lý các khu công nghệ cao trên cả nước hoạt động hiệu quả.
“Bộ KH&CN không chỉ làm một khu mà phải sản sinh ra nhiều khu công nghệ cao ở nhiều địa phương khác nhau và phải hoạt động thật hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói thêm.
Trước đó, để tăng cường hiệu quả quản lý và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị hướng tới xây dựng thành phố thông minh, thành phố chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 15 ngày 05/05/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thành phố Hà Nội đã có kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&CN bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố quản lý.
Hiện Hà Nội đang thực hiện quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là thành phố Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc - Xuân Mai. Theo lãnh đạo TP Hà Nội, vùng trung tâm của 02 thành phố là khu vực sân bay Nội Bài và Khu công nghệ cao Hoà Lạc - Đại học quốc gia Hà Nội. Đây là những cực tăng trưởng mới của thành phố, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô và vực dậy kinh tế các huyện còn rất khó khăn, thậm chí là “vùng trũng” ở xung quanh lên.
Dự án Khu Công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc được thành lập theo Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 1998.
Sau hơn 02 thập kỷ thành lập cũng là hơn 12 năm từ thời điểm tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, đến nay, siêu đô thị vệ tinh, khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn được ví von là vẫn đang trong giai đoạn “chạy đà”.
Khu công nghệ cao Hoà Lạc với quy hoạch tổng thể trên tổng diện tích 1.586ha được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 23/5/2008 và được điều chỉnh quy hoạch vào năm 2016 theo Quyết định số: 899/QĐ-TTg, Khu Công nghệ cao Hoà Lạc được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các dịch vụ tiện ích và những khu chức năng.
Tuy nhiên, sau hơn 02 thập kỷ thành lập, sau nhiều biến động, kể cả khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội năm 2008 với những “cơn sốt” đầu tư bất động sản được toan tính cùng câu chuyện “dời đô” lên Ba Vì hay hàng loạt dự án phân lô bán nền thời gian qua thì Khu CNC Hòa Lạc dường như vẫn chưa tìm thấy một động lực mạnh mẽ để vươn tầm.
Tháng 05/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030. Trong đó Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Dự án Ðại học Quốc gia (ÐHQG) Hà Nội tiếp tục được coi là vùng lõi, là động lực để đô thị vệ tinh Hòa Lạc phát triển.
Theo thông tin từ Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tại thời điểm tháng 07/2020, thành phố Hà Nội đã giao cho Ban quản lý 1.530 ha trên tổng số 1.586 ha đất để xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo quy hoạch. Tuy nhiên, tổng diện tích đất các nhà đầu tư đang sử dụng mới đạt khoảng 240ha, khoảng 1/4 đất sạch và vẫn còn khoảng hơn 200ha chưa giải phóng mặt bằng.
Đến nay, theo ghi nhận thực tế, dù đã có những tín hiệu tăng tốc khi một số “ông lớn” như Viettel, FPT, Vingroup… và một số doanh nghiệp FDI lựa chọn Khu CNC Hòa Lạc làm “điểm dừng chân” nhưng thực tế cho thấy, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng. Một số công trình còn đang dang dở, nhiều khu vực đất đai rộng lớn vẫn quây tôn, chưa có dấu hiệu được triển khai.
Về tiến độ của dự án, chia sẻ thông tin với báo chí, ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, tính đến hết năm 2021 tổng số dự án thu hút được tại Khu lên 100 dự án đầu tư, trong đó có 86 dự án trong nước (chiếm tỷ lệ 86%) và 14 dự án đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ lệ 14%) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 376ha.
Trong 100 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư, có 60 dự án đang hoạt động, các dự án còn lại đang trong quá trình đầu tư/chuẩn bị triển khai, ông Trung thông tin.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc phát triển Khu này còn nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Phương Thảo (t/h)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.