• Click để copy

Thúc đẩy tiến độ công trình giao thông trọng điểm

Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai trên địa bàn cả nước, trong đó, hai dự án có quy mô lớn nhất là đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông và Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành.

Các công trình này đều đang bước vào giai đoạn thi công cao điểm, có ý nghĩa quyết định đến mục tiêu về đích. Cùng với nỗ lực triển khai trên công trường, một số vướng mắc của các dự án cần được khơi thông, nhất là về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu và những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Mặt bằng, nguồn cung vật liệu vẫn là thách thức chính

Hạng mục hầm Núi Vung, hầm dài nhất của dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã chính thức được nối thông. Đây từng được xác định là đường găng tiến độ của dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo. Theo ông Đặng Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo (doanh nghiệp dự án), quá trình thi công hầm gặp địa chất yếu, nguy cơ xảy ra đất đá đổ sập. Để khắc phục khó khăn này, nhà thầu đã tăng cường kết cấu chống đỡ cùng nhiều giải pháp kỹ thuật, đồng thời tổ chức triển khai thi công 3 ca liên tục để bù đắp tiến độ. Việc thông hầm Núi Vung là dấu mốc quan trọng để các đơn vị tham gia dự án tiếp tục triển khai những công việc tiếp theo, đáp ứng yêu cầu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2024.

Lực lượng của Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) tham gia thi công dự án hạ tầng giao thông. Ảnh: ĐÌNH HUY 

Lực lượng của Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) tham gia thi công dự án hạ tầng giao thông. Ảnh: ĐÌNH HUY 

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trong quý II-2023, có 4 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được đưa vào khai thác với chiều dài 312km, gồm các đoạn: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Nha Trang-Cam Lâm, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, nâng tổng chiều dài đường cao tốc cả nước lên 1.729km. Đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành thêm 4 dự án cao tốc với chiều dài 123km, tăng tổng chiều dài đường cao tốc lên 1.852km. Đối với dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị triển khai 219 mũi thi công cầu, hầm, 315 mũi thi công đường, huy động hơn 10.500 công nhân, kỹ sư, 4.724 máy móc, 310 tư vấn giám sát, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để tổ chức thi công đồng loạt.

Về công tác giải phóng mặt bằng, tại 12 địa phương có dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đi qua, đã bàn giao mặt bằng 624,34/721,2km (87%); đã hoàn thành 38 khu tái định cư, đang xây dựng 106 khu. Các địa phương chuẩn bị trình HĐND cấp tỉnh thông qua trong tháng 7-2023 về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất của các khu vực có mỏ vật liệu xây dựng để các nhà thầu khai thác. Tuy nhiên, Bộ GTVT đánh giá, khâu tổ chức thực hiện vẫn chưa đáp ứng như kỳ vọng. Nếu không tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, khoa học, khả thi sẽ xảy ra tình trạng người chờ việc, việc chờ thủ tục, không bảo đảm tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân đề ra.

Đáng chú ý, tiến độ bàn giao mặt bằng của dự án vẫn chậm so với yêu cầu, phần mặt bằng còn lại chưa bàn giao tuy không lớn nhưng vẫn là điểm nghẽn và là khâu khó khăn, phức tạp do liên quan đến quyền lợi, ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của người dân. Diện tích còn lại chủ yếu là đất ở, cần bố trí tái định cư trong khi đầu tư xây dựng các khu tái định cư còn chậm, việc tạm cư ở khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn. Công tác di dời đường điện cao thế phải thực hiện nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều cơ quan nên tiến độ chưa đạt yêu cầu. Hiện nay, các mỏ vật liệu xây dựng cho dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đã được chủ đầu tư, địa phương và nhà thầu xác định vị trí, đủ trữ lượng, tuy nhiên một số mỏ còn chưa đủ điều kiện, thủ tục để khai thác, ảnh hưởng đến triển khai thi công của nhà thầu.

Giữa tháng 7-2023, hai tuyến giao thông kết nối nằm trong các công trình thiết yếu của dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 đã được khởi công. Trong đó, tuyến số 1 dài 4,3km nối từ sân bay Long Thành đến Quốc lộ 51; tuyến số 2 dài 3,5km kết nối với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), chủ đầu tư dự án, cho biết, Cảng HKQT Long Thành là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối của sân bay với giao thông khu vực là rất quan trọng và cần thiết, bảo đảm khả năng tiếp cận của hành khách cũng như vận hành thông suốt của cảng khi đi vào hoạt động.

Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã bàn giao 4.860/4.946ha (98%) diện tích của dự án Cảng HKQT Long Thành. Dự kiến, hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ của dự án sẽ được khởi công trong tháng 8-2023. Công tác lựa chọn nhà thầu cho gói thầu xây dựng nhà ga hành khách đang được nỗ lực triển khai, sẽ có kết quả trong tháng 7-2023.

Tích cực phối hợp với địa phương để tháo gỡ vướng mắc

 Khó khăn về nguồn cung vật liệu xây dựng được xác định là điểm nghẽn lớn nhất, giải quyết vấn đề này sẽ là điều kiện tiên quyết để hoàn thành dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đúng kế hoạch. Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan vừa tổ chức hai tổ công tác để làm việc, kiểm tra tại các địa phương liên quan đến bảo đảm vật liệu xây dựng cho cao tốc Bắc-Nam. Qua đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép UBND các địa phương từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa được quyết định nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác. Đồng thời, được phép sử dụng các mỏ vật liệu phục vụ dự án đường cao tốc để cung cấp cho thi công các khu tái định cư, đáp ứng công tác giải phóng mặt bằng.

Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các nhà thầu phối hợp với địa phương sớm hoàn thiện thủ tục của các mỏ vật liệu xây dựng đã trình để có thể khai thác vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8-2023, hoàn thành thủ tục với các mỏ còn lại chậm nhất trong tháng 10-2023. Bên cạnh đó, các địa phương cũng khẩn trương hoàn thành chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư bảo đảm hoàn thành trong tháng 9-2023. Tiến hành di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đường điện cao thế để hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023.

Đánh giá nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT trong năm 2023 còn rất lớn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư bám sát công trường, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm nhà thầu có đủ năng lực và tranh thủ thời tiết để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch đề ra. Bên cạnh việc điều chuyển các dự án giải ngân chậm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu cần có chế tài xử lý với các chủ đầu tư/ban quản lý dự án giải ngân không đạt yêu cầu. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần được tập trung tối đa, đẩy mạnh hơn nữa đi hiện trường và làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu. Năm 2023, số vốn đầu tư công giao cho Bộ GTVT rất lớn, lên đến hơn 94.000 tỷ đồng. Số vốn này bằng cả nhiệm kỳ trước cộng lại. Do vậy, việc hoàn thành kế hoạch giải ngân của năm 2023, sớm đưa các công trình vào khai thác, sử dụng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

MẠNH HƯNG

Bài liên quan

Tin mới

Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng

Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.

Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập

Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.

Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12

Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.

Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.

Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên

Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.

Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam

Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.