Thực tâm chăm lo nhà giáo
Có học mới có khôn. Muốn khôn phải có thầy học và chỗ học. Cả xã hội đều mong muốn “thầy ra thầy” và có chỗ học tử tế. Muốn vậy thì cả xã hội phải chung tay chăm lo nhà giáo một cách thực tâm, thực chất!
Lịch sử bất kỳ quốc gia nào cũng cho thấy thời kỳ thịnh trị là nhờ thời ấy có một nền giáo dục tốt và ngược lại. Bởi nhờ có giáo dục mới nâng cao được dân trí, bồi dưỡng được nhân tài, mới tạo ra được nhiều của cải vật chất và những giá trị tinh thần tiên tiến cho xã hội.
Sâu xa hơn, môi trường giáo dục là môi trường tốt nhất để kiến tạo, hình thành tư tưởng. Là yếu tố mang tính nền móng nên càng giàu có tư tưởng, nhất là các tư tưởng độc đáo thì xã hội càng tốt đẹp, thịnh vượng. Các tư tưởng lớn sẽ trở thành tài sản văn hóa, là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc.
Ảnh minh họa: vtv.vn |
Từ trước tới nay trên thế giới, những nhà giáo dục kiệt xuất cũng là những nhà tư tưởng vĩ đại. Việt Nam ta cũng tương tự, đó là các danh nhân: Trần Nhân Tông, Chu Văn An, Hồ Chí Minh... Như vậy, vai trò của giáo dục không chỉ là hiện tại, còn là tương lai, chi phối tiền đồ của một dân tộc.
Câu tục ngữ: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” cần được hiểu sâu sắc hơn là người thầy không chỉ dạy người để làm người mà còn góp phần hình thành những luồng tư tưởng mới mẻ. Phải “bắc” những cây “cầu kiều” tri thức, đạo lý, vốn sống... mới có thể vượt qua được dòng sông cuộc đời trần tục để sang bên kia bờ tư tưởng thánh thiện.
Người thầy chính là người “bắc” cây cầu đó, nên phải thực tâm kính mến, yêu quý họ! Triết học văn hóa hiện đại ví von giáo dục là mảnh đất, thầy cô là người trồng, chăm bón, học trò là cây xanh. Cây xanh tốt hay không là nhờ người trồng và nhờ mảnh đất ấy tốt hay xấu.
“Mảnh đất” được hiểu là môi trường giáo dục (hạ tầng trường sở, môi sinh văn hóa, chính sách...). Quan tâm tới giáo dục thì phải chú ý tới cả mảnh đất và người trồng cây!
Ngành nào cũng có những chuyện hay-chuyện dở, chuyện được-chuyện chưa được. Ngành giáo dục cũng không ngoại lệ. Công luận, người dân, phụ huynh đôi khi hơi khắt khe với những việc làm chưa tốt, hành vi chưa chuẩn của một số nhà giáo, một số nhà trường là điều bình thường, nhưng không vì thế mà phủ nhận những nỗ lực, công lao, sự hy sinh thầm lặng của đại đa số giáo viên đối với sự nghiệp “trồng người”.
Một mặt, xã hội đòi hỏi yêu cầu cao đối với những người công tác trong lĩnh vực giáo dục; nhưng mặt khác, cả xã hội cũng phải quan tâm hơn nữa, thấu hiểu hơn nữa đối với nhà giáo, nhà trường.
Đảng và Nhà nước ta coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu” là đúng với quy luật phát triển. Nhưng tại sao vài năm gần đây có tới hơn 16.000 giáo viên xin nghỉ việc, bỏ nghề? Lý do dễ hiểu là vì lương thấp không nuôi sống được họ và con cái họ.
Chưa nói tới việc phải có mức lương hấp dẫn để thu hút được người tài vào nghề. Tại sao người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo từng than phiền rằng, ngành giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ là giáo viên và tài chính? Đây là tầm vĩ mô không dám lạm bàn, nhưng qua đó cho thấy ngành giáo dục và đào tạo chưa có thực quyền về cả “mảnh đất” và “người trồng cây”, do vậy chưa thể phát huy hết mọi khả năng của mình.
"Có thực mới vực được đạo”. Cha ông ta dạy thế. Bác Hồ nhiều lần nhắc nhở thế. Nhà giáo ta nhìn chung rất yêu nghề, nhiều người yêu trò còn hơn cả chính mình. Không ít thầy, cô giáo ở vùng cao nhịn ăn, nhịn mặc san sẻ với học trò miếng cơm manh áo để các em có thể tiếp tục được đi học.
Vì tương lai các em, có thầy, cô chấp nhận kham khổ, hòa nhập sống cùng đồng bào để bền bỉ vận động đưa trẻ đến trường. Thế nên nói chăm lo nhà giáo cũng đồng thời phải làm tốt hơn nữa môi trường giáo dục. Thầy, trò vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa cần những chiếc chăn, chiếc áo ấm, những quyển sách giáo khoa, quyển vở cụ thể, thiết thực hơn là những chuyến viếng thăm ồn ào.
Trường, lớp ở những khu đô thị mới cần được quy hoạch nơi trung tâm để tiện cho trẻ em đến trường hơn là quy hoạch nơi đất rẻ mà xa xôi khiến con trẻ thêm vất vả. Cũng làm sao đừng để tái diễn cảnh ở giữa Thủ đô hiện đại mà cô hiệu trưởng trường mầm non phải nghẹn ngào phân trần vì không đủ phòng học nên chỉ còn cách “bốc thăm” chọn trẻ đến trường! Đó thực sự không phải lỗi của ngành giáo dục mà là trách nhiệm chưa đến nơi đến chốn của những người có thẩm quyền và cơ quan có thực quyền thật sự.
Có học mới có khôn. Muốn khôn phải có thầy học và chỗ học. Cả xã hội đều mong muốn “thầy ra thầy” và có chỗ học tử tế. Muốn vậy thì cả xã hội phải chung tay chăm lo nhà giáo một cách thực tâm, thực chất!
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.